Cuộc chạy trốn số phận nghiệt ngã 30 năm của người đàn bà mắc bệnh lạ

Quá mặc cảm với căn bệnh kì quái, bà Ruộng lặng lẽ bỏ đi, suốt 30 năm nay chưa một lần dám về lại quê hương, bản xứ.

Đã hơn 30 năm, bà Trần Thị Ruộng (50 tuổi, trú tại xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP.HCM) chưa một lần dám trở về quê hương, sống cô quạnh nơi đất khách. Gặp bà giữa trưa nắng, những giọt mồ hôi ướt đầm vai áo, bà chỉ khẽ cười, cố bán thật nhiều những tờ vé số, mong có thêm chút tiền chữa bệnh.

Cuộc chạy trốn trong đêm mưa gió

Sinh ra trong một gia đình nông dân có hai anh em ở vùng quê Quảng Ngãi, bà Ruộng từ nhỏ đã không có điều kiện học hành như chúng bạn đồng trang lứa. Cái nghèo khó luôn ám ảnh bản thân bà cùng họ hàng thân thích.

Bỏ đi từ 30 năm nay vì mặc cảm với căn bệnh quái ác, bà Ruộng chưa một lần dám về lại quê hương

Ngỡ rằng cuộc sống túng thiếu, gắng chăm chỉ làm ăn rồi sẽ vượt qua, ấy vậy, đây mới chỉ là điểm khởi đầu cho chuỗi bất hạnh sau này của cuộc đời bà. Trong một lần đi làm thuê xa nhà, cha mẹ bà gặp tai nạn giao thông. Cùng một lúc, bà mất đi 2 người thân thích nhất.

Chứng kiến sự mất mát không tưởng, bà Ruộng cùng anh trai đành phải nương tựa vào nhau mà sống. Các bác, chú, ông bà đều là “bần cố nông”, không thể giúp đỡ gì hơn ngoài đôi ba bữa cháo sống qua ngày.

Thế nhưng, vận hạn vẫn chưa dừng lại đối với người phụ nữ thiệt thòi. Ở tuổi thiếu nữ tràn đầy sức sống, chỉ sau một cơn sốt, bà bắt đầu nhận thấy sự thay đổi khác lạ trong con người mình.

“Sau đợt ốm kéo dài, tuy sức khỏe dần ổn định nhưng hai mu bàn tay tôi lại nổi lên những mụn nhỏ li ti. Lúc đầu, chỉ có cảm giác hơi ngứa chứ không hề đau đớn, tôi chỉ nghĩ mình bị phát ban. Ai ngờ, những nốt đỏ chờ mãi vẫn không thấy lặn xuống, ngược lại, chúng nổi lên ngày một rõ hơn.

Tôi đắp đủ loại thuốc, ai khuyên uống gì cũng nghe theo. Thế nhưng, 1, 2 rồi 3 năm, đám mụn phát triển rõ, dày đặc khắp người. Dân trong xóm thấy thì sợ lắm, người nói tôi mắc bệnh quái dị, người lại đồn bị ma ám”, bà Ruộng buồn bã nói.

Mắc căn bệnh quái ác, bà Ruộng đành theo nghề bán vé số sống qua ngày

Từ một người bình thường, chỉ vài năm mắc bệnh, mặt mũi chân tay bà Ruộng liên tiếp mọc những đám “mụn cóc” lớn nhỏ, chúng đóng vảy và biến thành màu đen. Đám bạn cùng thời không còn dám gặp gỡ, tìm mọi cách để tránh mặt bà.

Người thân của bà cũng vì những lời đồn đoán của thiên hạ mà sợ sệt. Trong sự bất lực của anh trai, bà đau đớn nuốt nước mắt, cắn răng cam chịu bởi căn bệnh vô phương cứu chữa. Những đám “dị vật” ám ảnh ngày đêm trong tâm trí bà, đến nỗi, người thiếu nữ không còn dám xuất hiện trước mọi người.

Thế rồi, vào lúc tuyệt vọng nhất, người phụ nữ đã nảy ra một quyết định, làm thay đổi cả cuộc đời. Vào một đêm mưa những ngày cuối năm, bà gói gém quần áo bỏ nhà đi.

“Lúc ấy, tôi chỉ biết chạy, vừa chạy vừa khóc, chỉ muốn trốn tránh tất cả con người. Tôi leo đại lên một chiếc xe khách, đi đâu cũng được, miễn sao đến một nơi không ai biết đến mình. Và ngày hôm sau, tôi đã có mặt ở Sài Gòn", bà Ruộng bồi hồi kể lại.

Bị cưa chân, mất luôn chồng

Vào Sài Gòn với hai bàn tay trắng, bà lang thang khắp mọi ngóc ngách tìm kiếm chút hi vọng có việc làm. Mang trong mình căn bệnh kỳ quái trên người, ai nhìn cũng thấy sợ nên không cơ sở, cửa tiệm nào dám nhận bà vào làm.

“Chuỗi ngày cơ cực ấy tôi vẫn còn nhớ mãi. Đêm, tôi ngủ trước vỉa hè ngay trung tâm Quận 1. Đói, tôi lục lọi ở bãi rác, ngoài công viên. Nhiều lúc gặp người tốt, họ thương cho được cái gì chỉ biết ngấu nghiến cho đầy cái dạ dày”, bà Ruộng nhớ lại.

Mặc dù vất vả đi bán vé số, bà Ruộng vẫn thường xuyên ghé qua trường học xem con chơi đùa.

Gần 10 ngày trôi qua nhưng không xin được việc làm, người phụ nữ khốn khổ tìm đến cái chết. Thế nhưng, “trời không nỡ tuyệt đường sống”, bà đã “gặp may” đúng vào thời khắc cận kề.

Chứng kiến người phụ nữ đang chuẩn bị kết thúc cuộc đời bên nhánh sông Sài Gòn, một gia đình ở quận Gò Vấp đi ngang đã nhanh tay ngăn cản. Sau cuộc trò chuyện chóng vánh, cảm thông cho nỗi khổ, họ nhận bà làm giúp việc cho gia đình.

Nỗ lực đền ơn cho gia chủ, bà làm ngày làm đêm, sự mặc cảm đã không còn là nỗi ám ảnh, mà giờ đây, chính căn bệnh đã tôi luyện cho bà thêm nghị lực và sự quyết tâm thay đổi cuộc đời.

30 tuổi, lần đầu tiên bà biết cảm giác trái tim rung động. Người đàn ông ấy không lâu cũng đã về sống chung với bà dưới một mái nhà. Rồi vợ chồng bà sinh được 2 đứa con xinh xắn, khỏe mạnh.

Gạt nước mắt, bà tâm sự: “Ông ấy cũng là người làm thuê mùa vụ, lớn hơn tôi 5 tuổi. Gặp gỡ, quen biết nhau bởi đôi ba câu chuyện lúc rảnh rang, không biết thật hay đùa, bỗng ông ấy ngỏ ý muốn lấy tôi làm vợ.

Còn niềm vui nào hơn khi có người không khiếp sợ trước dung mạo của mình, tôi gật đầu mà không dám tin. Gia đình chỉ làm đôi ba mâm cỗ cho những người chứng dám”.

Tưởng như vậy, hạnh phúc đã mỉm cười với người phụ nữ này nhưng trong một lần mải mời khách mua tờ vé số, bà không may bị xe tông, phải cắt bỏ một chân. Quãng thời gian nằm viện, chồng bà không nói một lời mà bỏ đi, phó mặc 2 con cho bà nuôi dạy.

Đợi đến giờ tan học, người phụ nữ tật nguyền bán vé số dạo lại đến trường đón các con

Đau đớn, kiệt quệ, nhưng trách nhiệm người làm mẹ buộc bà không thể ngã gục. Được tổ chức từ thiện gom tiền mua cho cái chân giả, bà lại ngày ngày bươn chải cùng tập vé số trên tay, kiếm tiền nuôi các con ăn học.

Rời bỏ quê hương đến nay đã 30 năm nhưng bà Ruộng chưa một lần dám trở về vì căn bệnh kỳ quái. Cũng từng ấy thời gian, bà luôn ám ảnh, tự dằn vặt bản thân. Bà chưa một lần dám nhắc về mảnh đất “chôn rau cắt rốn” với những đứa con của mình. Nhiều lần hai con gặng hỏi, bà không biết trả lời ra sao, chỉ biết ôm con mà khóc.

>>> Đọc thêm: Xót xa thân phận người phụ nữ bán vé số bị chồng bỏ sau khi sinh 11 đứa con

Video: Xót xa cụ già 91 tuổi nuôi con tâm thần

Huấn Cao

Tin tài trợ

Nguồn VTC: http://vtc.vn/cuoc-chay-tron-so-phan-nghiet-nga-30-nam-cua-nguoi-dan-ba-mac-benh-la-d307747.html