Cuộc chiến chọn dâu kén rể của các bậc cha mẹ Trung Quốc

Lượn lờ trong công viên tìm kiếm những chàng trai cô gái "độc thân, ưa nhìn, hộ khẩu thành phố" là ưu tiên hàng đầu của nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc có con chưa lập gia đình.

Quan niệm "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy" ở Trung Quốc vẫn còn ăn sâu bén rễ tới ngày nay, thể hiện qua việc các bậc phụ huynh không ngại đi xem mặt nhằm kén chồng chọn vợ cho con hay thậm chí tham dự cả các show truyền hình, phóng viên Wang Fan của Ecns nhận xét.

Ưa nhìn, có hộ khẩu thành phố, sức khỏe tốt là những điều kiện kén chọn của các bậc phụ huynh. Trong một góc công viên Trung Sơn, gần Tử Cấm Thành, Bắc Kinh, ngày nào cũng có bậc cha mẹ quan tâm đến việc lập gia đình của con cái đứng đọc các thông tin giới thiệu.

Các bậc phụ huynh Trung Quốc treo đầy thông tin về con cái lên áp phích trong công viên ở Bắc Kinh. Ảnh: ECNS

"Tôi mà biết nó không tìm bạn trai thì sẽ không bao giờ khuyến khích nó ra nước ngoài du học", một bà mẹ tay cầm áp phích giới thiệu con gái, tâm sự với một bà mẹ khác cùng hoàn cảnh.

Dạo quanh công viên, người ta có thể dễ dàng tìm được các thông tin về những chàng trai, cô gái độc thân như: "công việc ổn định", "hộ khẩu Bắc Kinh", "không có thói quen xấu". Các bậc phụ huynh cũng liệt kê mong muốn của con cái hoặc chính mình như: "tốt bụng, ưa nhìn, biết chăm sóc gia đình", hay "bất kỳ ai sinh sau năm 1986 nhưng không sinh năm 1988" của một bà mẹ vì sợ xung khắc với con trai sinh năm 1982.

Kim Tinh, người đầu tiên chuyển giới ở Trung Quốc, sinh năm 1967. Ảnh: Hollywood Reporter

Kén dâu trên truyền hình

Phụ mẫu chọn bạn đời cho con là quan niệm thời xưa ở Trung Quốc phong kiến. Khi đó, hôn nhân do cha mẹ và bà mối sắp đặt, dựa trên tiêu chuẩn "môn đăng hộ đối". Ngày nay, quan niệm này vẫn tồn tại và thậm chí lên hẳn truyền hình quốc gia.

Tháng 12 năm ngoái, một show kén dâu của kênh Dargon TV có trụ sở tại Thượng Hải lên sóng truyền hình, với khẩu hiệu "kết hôn là mang lại vinh dự cho toàn gia".

Chương trình mời 5 người đàn ông độc thân cùng gia đình lên sân khấu, cùng với 5 phụ nữ và thân nhân. Gia đình người nam sẽ đánh giá ngoại hình, bằng cấp, năng lực của cô gái.

Người đàn ông đầu tiên bước lên sân khấu cùng mẹ và dì. Trong phần tự giới thiệu, dì anh ta nói rằng người vợ lý tưởng nhất là biết làm nội trợ. Tiếp theo là một thanh niên 23 tuổi đi cùng mẹ - nhà dinh dưỡng học. Bà muốn chọn con dâu có "bàn tay ấm áp" bởi vì "phụ nữ tay lạnh có thể tử cung không tốt và khó sinh con".

Các cô gái lần lượt lên sân khấu. Trong số đó có một người rất xinh đẹp, chủ một nhà hàng và nấu nướng giỏi. Nghe xong, tất cả các nam giới độc thân đều rất khấn khích. Tuy nhiên, sau khi người phụ nữ tiết lộ đã 40 tuổi và làm mẹ đơn thân, họ lập tức im lặng.

Nhà dinh dưỡng học không do dự từ chối với lý do "con dâu của tôi phải sinh từ 2 - 3 con" (Luật Trung Quốc chỉ cho phép một cặp vợ chồng có tối đa hai con). Nhưng con trai bà nhất quyết chọn bà chủ nhà hàng. Khi đó, nhà dinh dưỡng học nói với người phụ nữ:

"Cô đã 40 tuổi rồi. Làm sao cô dám chắc sẽ nắm chặt trái tim con trai tôi sau 10 năm nữa?"

Kim Tinh, một nam chuyển giới thành nữ và là người đầu tiên chuyển giới ở Trung Quốc, làm MC chương trình. Tuy đi đầu trong việc chuyển giới nhưng nhiều quan điểm của cô về phụ nữ bị chỉ trích quá lỗi thời.

Yanssubaqua, một diễn đàn trên mạng xã hội WeChat chuyên bảo vệ nữ quyền, từng chỉ trích Kim trọng nam khinh nữ khi nói rằng Đặng Văn Địch (Wendy Deng) - người vợ thứ ba của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch "bị đá khỏi nhà" khi ly dị với tỷ phú này. Jin cùng từng nói cô là người bảo thủ và quan niệm phụ nữ nên nghe lời đàn ông.

Chương trình của Kim Tinh nhanh chóng nổi tiếng. Nó phản ánh thực tế hôn nhân ở Trung Quốc và gây tranh cãi khi nhiều thanh niên cho rằng bố mẹ đã can thiệp quá sâu vào việc riêng của con.

Một sự kiện xem mắt tập thể ở Trung Quốc. Ảnh: Đài truyền hình Chiết Giang

Shen Bing, một dịch giả 28 tuổi làm việc ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, kể lại câu chuyện của mình. Mỗi dịp nghỉ lễ, Shen về quê và bị bố mẹ ép đi xem mặt khắp nơi với những đối tượng ông bà chọn sẵn. Không ai hợp ý Shen.

"Có lần mẹ dẫn tôi tới xem mặt một cảnh sát cùng mẹ anh ta. Răng anh ta vàng khè, miệng thì hôi. Tôi kết bạn với anh ta trên WeChat và vào xem ảnh, ảnh nào cũng thấy anh ta cởi trần nhậu nhẹt với bạn", Shen nói.

Trong cuộc gặp, cô cố trò chuyện nhưng nhanh chóng nhận ra hai người không có điểm chung. Anh ta chỉ nói về chơi game, còn mẹ anh ta thì luôn miệng khen con trai tốt đẹp thế nào.

Peng Xiaohui, một giáo sư về tình dục học ở đại học sư phạm Vũ Hán, cho rằng việc giới trẻ không hứng thú với các cuộc xem mặt là điều dễ hiểu. Các bậc phụ huynh cho rằng kiểu hẹn hò này rất truyền thống, trong khi con cái họ lại nghĩ rằng nó lỗi thời và cảm thấy mình bị kiểm soát. Nguyên nhân do các giá trị truyền thống đã thay đổi theo thời gian.

Thay đổi quan niệm của cha mẹ

Sau nhiều năm đấu tranh với mẹ, Sarah Li bắt đầu kế hoạch "thay đổi" bà. Hai năm trước, bố của Li qua đời sau nhiều năm chiến đấu với căn bệnh ung thư. Trong khoảng thời gian đó, bố mẹ ép Li đi xem mặt liên tục để cô kịp lấy chồng cho bố an tâm.

Sau khi ông qua đời, Li bắt đầu phản đối đi xem mặt. Khóc lóc, la hét, đập vỡ đồ đạc, đóng cửa, đều không có tác dụng. Cuối cùng Li đưa mẹ đi tư vấn tâm lý. Đầu tiên, cô đưa mẹ tới công ty mình nghe lời khuyên của đồng nghiệp. Mẹ Li than phiền về "những cuộc hẹn hò thất bại" của con gái trước mặt họ khiến cô phát khóc.

Lần thứ hai, Li đưa mẹ tới bác sĩ tâm lý. Bác sĩ khuyên mẹ Li nên cho con gái không gian riêng và vạch rõ giới hạn. Tuy nhiên, mẹ cô phát cáu và la hét vào mặt bác sĩ.

"Chả có ranh giới nào hết! Tôi là nó và nó là tôi!"

Li cảm nhận mẹ cô giống như nhiều bậc phụ huynh cùng thế hệ, cần giúp đỡ để học cách xử lý mối quan hệ với con cái và tôn trọng sự riêng tư của con. Cô bắt đầu tìm đọc sách tâm lý và đưa mẹ xem những bài báo về các mối quan hệ trong gia đình, với hy vọng mẹ thay đổi. Cô cởi mở hơn, trò chuyện với bà về suy nghĩ và cảm xúc của mình.

"Cho đến nay tôi vẫn chưa thành công hoàn toàn nhưng tôi đang cố gắng", Li nói.

Mẹ cô vẫn cằn nhằn về mọi chi tiết trong cuộc sống của Li, thỉnh thoảng gọi điện hỏi cô 4 lần một ngày để bắt con gái liên lạc với một người đàn ông mà cô liên tục từ chối. Tuy nhiên, Li cảm nhận có một số dấu hiệu nhỏ cho thấy mẹ đang thay đổi theo chiều hướng tích cực và cô hy vọng hai mẹ con sẽ hiểu và tôn trọng nhau nhiều hơn.

Tuy nhiên, trong tương lai gần, những buổi hẹn hò giới thiệu tại công viên của các bậc phụ huynh Trung Quốc chắc chắn vẫn tồn tại. Hôn nhân của con cái là mối quan tâm hàng đầu của nhiều ông bố bà mẹ, thể hiện qua những gương mặt xuất hiện hàng ngày ở công viên Trung Sơn.

Một ông bố và bà mẹ Trung Quốc đang trao đổi với nhau thông tin về con cái. Ảnh: ENCS

Khi được hỏi liệu con trai có đồng ý không khi mẹ đưa thông tin về anh cho hàng trăm người xa lạ, một phụ nữ trong công viên ngập ngừng nói: "Tôi biết là nó muốn tìm bạn gái".

Về phần phóng viên Wang Fan, khi cô dạo quanh công viên, căng mắt nhìn những tấm áp phích giới thiệu, một số người lớn tới bắt chuyện, hỏi xem có phải cô tới tìm bạn trai không.

"Cháu không có hộ khẩu Bắc Kinh", Wang Fan trả lời và họ đều tản đi, để lại cô một mình.

Theo Hồng Hạnh ( Vnexpress)

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/cuoc-chien-chon-dau-ken-re-cua-cac-bac-cha-me-trung-quoc-130065/