Cuộc chiến dai dẳng

Cuộc chiến thương mại dai dẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu sau khi Washington chính thức thông báo điều tra Bắc Kinh có vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các công ty Mỹ hay không.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chính thức nhen nhóm.

Đại diện Thương mại Mỹ nêu rõ cuộc điều tra đối với Trung Quốc được tiến hành theo Khoản 301 trong Đạo luật Thương mại 1974 nhằm xác định liệu các hành động, chính sách và thực tiễn của Chính phủ Trung Quốc liên quan đến việc chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ và các công nghệ mới có cơ sở không, có phân biệt đối xử hay không, có gây khó khăn hay hạn chế thương mại của Mỹ hay không. Khoản 301 trao cho Tổng thống Mỹ quyền áp dụng mọi biện pháp cần thiết để chống lại chính sách hay hành động của quốc gia khác gây tổn hại cho thương mại của Mỹ hay đi ngược lại các thỏa thuận quốc tế.

Động thái trên được cho chẳng qua là "giọt nước tràn ly" bởi lâu nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn luôn chỉ trích Trung Quốc có hành vi thương mại mang tính xâm phạm không chính đáng. Tổng thống Trump nhấn mạnh bất kể quốc gia nào ép buộc doanh nghiệp Mỹ dùng công nghệ then chốt để đổi lấy sự cho phép đi vào thị trường của nước đó, Mỹ đều sẽ có những biện pháp trả đũa. Sau khi ký sắc lệnh trao quyền tiến hành điều tra thương mại đối với Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump còn bày tỏ sẽ có nhiều hành động hơn, đồng thời tuyên bố đây mới chỉ là sự bắt đầu.

Đáp lại, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc bày tỏ Trung Quốc theo dõi chặt chẽ việc Mỹ khởi động điều tra thương mại nhằm vào Trung Quốc. Điều khoản 301 từ khi ra đời đến nay mang đậm màu sắc chủ nghĩa đơn phương, luôn tạo cớ cho Mỹ phản đối các nước khác. Mỹ đã cam kết với cộng đồng quốc tế dùng phương thức phù hợp với quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để thực hiện điều khoản này. Trung Quốc thúc giục Mỹ nghiêm khắc tuân thủ cam kết, không nên trở thành kẻ phá hoại quy tắc đa phương. Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh, Mỹ cần tôn trọng cục diện và xu thế hợp tác tốt đẹp của quan hệ kinh tế, thương mại Trung-Mỹ hiện nay, bất kỳ cách làm nào theo chủ nghĩa bảo hộ thương mại của phía Mỹ cũng đều gây tổn hại quan hệ kinh tế, thương mại Trung-Mỹ và lợi ích của các doanh nghiệp hai nước.

Việc khởi động cuộc chiến này hoàn toàn nằm trong dự đoán của giới chuyên gia. Xét trên khía cạnh kinh tế thương mại, Mỹ không hài lòng với lợi ích và sự nhượng bộ gần đây đạt được trong thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, vẫn muốn được lợi nhiều hơn thông qua các phương diện như tư vấn, hiệp thương, đàm phán để được tiếp cận thị trường, “trả lại doanh thu từ sở hữu trí tuệ bị đánh cắp”... Bên cạnh đó, giới phân tích cũng cho rằng nguyên nhân sâu xa của động thái này còn xuất phát từ vấn đề Triều Tiên cho dù các quan chức Nhà Trắng đặc biệt nhấn mạnh “vấn đề kinh tế thương mại ở đây không liên quan đến an ninh quốc gia như vấn đề Triều Tiên”. Trên thực tế, Tổng thống Donald Trump luôn xếp vấn đề “thương mại” và “Triều Tiên” cùng là hai vấn đề lớn giữa Mỹ và Trung Quốc.

Dù lý do ẩn sâu trong quyết định trên của chính quyền Tổng thống Donald Trump có là gì đi chăng nữa, thì có một sự thật không thể thay thế được đó là nếu cuộc điều tra này thực sự được tiến hành, Mỹ-Trung sẽ phải tiến hành một loạt cuộc hiệp thương. Nếu không đi đến được thống nhất, các biện pháp như hạn chế nhập khẩu hàng hóa, nâng mức thuế đối với Trung Quốc,... có thể sẽ được áp dụng luân phiên. Khi đó, nguy cơ chiến tranh thương mại sẽ hiện hữu, kéo theo thiệt hại không nhỏ với 2 nhân vật chính của cuộc chiến là Mỹ và Trung Quốc.

Rõ ràng, việc Chính quyền Donald Trump có những phản ứng ban đầu trước việc Trung Quốc cưỡng ép và đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ của các cá nhân và doanh nghiệp Mỹ, cũng như đối với chính sách kinh tế mang tính “chộp giật” của Trung Quốc, là tín hiệu tốt lành, nhưng việc cải thiện quan hệ kinh tế, thương mại Mỹ-Trung vẫn còn phải trải qua một chặng đường rất dài, đương nhiên đòi hỏi sự nhẫn nại hơn nữa.

Ngọc Hà

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/cuoc-chien-dai-dang.aspx