Cuộc chiến giành lại vỉa hè: Nói thẳng nói thật để có quyết tâm

Sự ra quân đồng loạt các quận huyện TPHCM và Hà Nội một tháng nay trong việc tái lập trật tự đô thị đã được nhân dân cả nước đồng tình ủng hộ. Tầm quan trọng và ý nghĩa của việc làm này được dư luận đánh giá là một “cuộc chiến giành lại vỉa hè”. Tôi rất đồng tình với cách nhìn có vẻ như ở tầm vĩ mô đó.

Đội Quy tắc đô thị quận Hải Châu gỡ bỏ các vật liệu xây dựng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trái phép. Ảnh Hữu Long

Chiều 6.3 lãnh đạo quận 1 lại xuống đường cùng với lực lượng chức năng tiếp tục “cuộc chiến giành lại vỉa hè” cho dân cũng là lúc ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND.TPHN nói thẳng nói thật trong chiến dịch.

Đây không phải là lần đầu tiên, vị Chủ tịch UBNDTPHN có cách nhìn thẳng vào cốt lõi một thực trạng để từ đó có đối sách phù hợp. Tháng 5.2016 khi xảy ra chuyện “lùm xùm” giữa ông Tây nhặt rác James Joseph Kendall và phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy (HN), ông Chung đã khẳng định, những việc làm này của ông Tây là rất cần thiết, là nhân tố tích cực trong việc làm sạch môi trường, đồng thời để động viên, khuyến khích cộng đồng vẫn còn có người chưa tích cực trong việc bảo vệ môi trường sạch, đẹp của thành phố.

Sự ra quân đồng loạt các quận, huyện TPHCM và Hà Nội một tháng nay trong việc tái lập trật tự đô thị đã được nhân dân cả nước đồng tình ủng hộ. Tầm quan trọng và ý nghĩa của việc làm này được dư luận đánh giá là một “cuộc chiến giành lại vỉa hè". Tuy nhiên, cũng cần nói thêm, đây là một cuộc chiến không phải diễn ra giữa chính quyền và người vi phạm trật tự đô thị mà là một cuộc chiến giữa cái “đúng” và cái “sai”, xảy ra từ tự thân những người vì quyền lợi của đa số người dân.

Trong cuộc chiến tái lập trật tự đô thị trong lần này, cách làm nhiều địa phương có khác nhau, nhưng nhìn chung, bước đầu kết quả đều khả quan như nhau. Tôi tâm đắc những địa phương như Hà Nội hay một số quận huyện TPHCM như quận Tân Phú, quận 12... có cách làm bài bản: Bước đầu quán triệt nội bộ quyết tâm của thành phố trong đó có sự kiên quyết chỉ ra của những “địa chỉ” chống lưng. Chủ tịch Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung “nói thẳng”: "Nếu lần này các lực lượng làm không làm tốt thì tôi sẽ có trách nhiệm chỉ đích danh chỗ nào là của Bí thư quận, chỗ nào là của Chủ tịch quận và chỗ nào có Trưởng Công an phường, lãnh đạo sở ngành… đứng sau". Ông cũng “nói thật”: khi ông làm Giám đốc Công an Thành phố, theo thông tin ông nắm được, cứ khoảng 180 quán bia vỉa hè thì có khoảng 150 quán có công an đứng đằng sau.

Với quan điểm “thẳng thắn” này ông đã chia sẻ trên các phương tiện thông tin đại chúng về cách làm 3 bước: bước 1: vận động, giáo dục, thuyết phục đồng thời thực hiện văn bản cam kết khắc phục vi phạm với thời gian nhất định, bước 2: kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, bước 3: làm sạch vỉa hè và duy trì thành quả đạt được.

Qua cách làm này, chúng ta ghi nhận những cái được rất lớn. Một là nhìn thẳng vào sự vụ sự việc, từ đó tìm ra được nguyên nhân cốt lõi để quyết sách đạt hiệu quả cao; hai là, làm trong sạch guồng máy nhà nước, chấn chỉnh hiện tượng tha hóa biến chất của một bộ phận cán bộ đảng viên; xóa đi một thực trạng gây nhức nhối trong xã hội từ nhiều năm trước: nạn bảo kê, tham nhũng vỉa hè, lợi ích nhóm; ba là nâng cao vị trí, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước cấp phường, xã, nơi được coi là quyết định sự thành bại của chiến dịch cũng là nơi có khả năng cao nhất duy trì thành quả của chiến dịch về lâu về dài; bốn là không cần phải huy động rầm rộ nhiều lực lượng nhưng hiệu quả cao vì sự nhận thức và tự nguyện khắc phục của các đối tượng điều chỉnh của luật pháp.

Cách làm không mới, nhưng để đạt được hiệu quả, tùy thuộc vào sự dũng cảm đánh giá đúng bản chất sự việc, kiên quyết và kiên trì thực hiện.

TÚ NGUYÊN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/ban-doc/cuoc-chien-gianh-lai-via-he-noi-thang-noi-that-de-co-quyet-tam-644822.bld