Cuộc chiến không khoan nhượng, không chùn bước - Bài 2: Sức mạnh của 'trên dưới đồng lòng'

Với tinh thần 'không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào' trong phòng, chống tham nhũng đã góp phần làm trong sạch bộ máy cán bộ, củng cố niềm tin của nhân dân, nâng tầm vị thế, uy tín và hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.

Cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và các bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các đơn vị, tổ chức có liên quan tại phiên tòa xét xử sơ thẩm. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Thực tế từ công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã khẳng định công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo và thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả; tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng; đồng thời khẳng định quyết tâm rất cao của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”.

Điều này được minh chứng qua hàng loạt các vụ án đã được phát hiện và xử lý trong thời gian qua. Trong đó, nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Như các bị can trong các vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á; vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan; vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần tập đoàn FLC, Công ty Chứng khoán BOS, Công ty cổ phần Xây dựng Faros và các công ty có liên quan; vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh; vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và mới đây nhất là các vụ án liên quan đến Tập đoàn Thuận An, Tập đoàn Phúc Sơn…

Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chính là để làm trong sạch bộ máy, để hệ thống chính trị phục vụ ngày một tốt hơn quyền và lợi ích của nhân dân, cũng như xứng đáng với niềm tin và sự phó thác của nhân dân. Chính vì vậy, việc điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi tham nhũng, tiêu cực đều được thực hiện triệt để trên tinh thần không khoan nhượng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Đơn cử như vụ án tại Công ty Việt Á, chỉ sau 6 tháng điều tra đã có 38 cá nhân bị khởi tố, trong đó có cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cùng hàng loạt giám đốc CDC, cán bộ Sở Y tế các tỉnh, thành phố… Kết quả xử lý này được cán bộ, đảng viên, nhân dân hoan nghênh, đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.

Có thể nói, với sự vào cuộc mạnh mẽ, tình hình tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân; tạo động lực mới, khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo, chủ trì cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Báo cáo tại Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 3/2024 mới đây, ông Dương Thanh Bình, Trưởng Ban Dân nguyện cho biết, cử tri và nhân dân đánh giá cao những chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia, ổn định và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước trong tình hình quốc tế có nhiều biến động, khó khăn và phức tạp. Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân cũng bày tỏ sự tin tưởng của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân cả nước vào quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước.

Cơ sở của đánh giá trên chính là Việt Nam vẫn có bước phát triển trong bối cảnh thế giới thời gian qua có nhiều bất ổn với các cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, giữa Israel và Iran, đồng thời suy thoái kinh tế toàn cầu xảy ra trầm trọng kể từ đại dịch COVID-19 gây nhiều hệ lụy cho cả thế giới, kinh tế Việt Nam vẫn có những bước phát triển vượt bật và đạt được nhiều thành tựu đáng kể.

Theo đó, nếu như năm 2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh và diễn biến khó lường trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết các quốc gia trên thế giới, kinh tế của Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới, với mức tăng trưởng GDP đạt 2,91%. Bước qua năm 2021, nền kinh tế Việt Nam gặp phải khó khăn chưa từng có do đại dịch COVID-19 đã trực tiếp tác động tới mọi mặt, nhưng GDP vẫn tăng trưởng ấn tượng với 2,58%. Sang năm 2022, kinh tế Việt Nam đã có một “bệ phóng” tốt khi tăng trưởng đạt 8,02%, thuộc diện cao nhất trên thế giới. Đến năm 2023, Việt Nam lại tiếp tục có mức tăng trưởng kinh tế đạt 5,05% trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn có nhiều biến động khó lường.

Không những thế, Việt Nam cũng đã đạt được nhiều thành tựu trên mặt trận ngoại giao kinh tế khi đã ký kết được 16 Hiệp định thương mại tự do (Free Trade Area - FTA) với các nước và khu vực; trong đó có hai hiệp định quan trọng là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Đặc biệt, chưa bao giờ vị thế, uy tín và hình ảnh Việt Nam độc lập, tự chủ, phát triển năng động, là bạn bè thủy chung, chân thành, là đối tác tin cậy, tích cực lại nổi bật trên trường quốc tế như hiện nay. Trong đó, những chuyến thăm lịch sử như chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden; chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình... đã tạo nên bước phát triển mới trong đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Sáng 11/9/2023, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Những kết quả trên một lần nữa khẳng định mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời giữ vững ổn định kinh tế - xã hội, phát triển đất nước là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp thực tiễn.

Tuy nhiên, bên cạnh sự tin tưởng, phấn khởi của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, vẫn có những luồng dư luận cho rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm, thậm chí làm chậm sự phát triển đất nước. Đây được xem là nhận thức sai lệch của những cá nhân thiếu bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng không kiên định, có động cơ dung túng, bao che cho các hành vi tham nhũng, tiêu cực; làm giảm quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân ta trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. “Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng và xây dựng, làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định.

Phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, phức tạp; dù "không có tiếng súng" nhưng cũng đầy chông gai và nguy hiểm. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, "trên - dưới đồng lòng", “dọc ngang thông suốt”, cùng với việc hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, nạn tham nhũng chắc chắn sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi; niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước chắc chắn sẽ được củng cố, nâng cao hơn nữa.

Bài 3: Luận điệu xảo trá, mưu đồ nham hiểm

Minh Thuyết/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/goc-nhin/cuoc-chien-khong-khoan-nhuong-khong-chun-buoc-bai-2-suc-manh-cua-tren-duoi-dong-long-20240425170105246.htm