Cuộc chiến không tiếng súng

Thời gian gần đây, hàng trăm quốc gia trên thế giới liên tiếp hứng chịu các vụ tiến công mạng quy mô lớn, với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Bất chấp nỗ lực tăng cường biện pháp phòng ngừa và ứng phó của các nước, thế giới đang đối mặt nguy cơ mất an ninh mạng nghiêm trọng.

Chỉ hơn một tháng sau khi mã độc Wannacry càn quét khoảng 300 nghìn máy tính tại 150 quốc gia, một vụ tiến công mạng đòi tiền chuộc khác tiếp tục xảy ra trên phạm vi toàn cầu vào cuối tháng 6 vừa qua, với mã độc có tên là Petrwrap. Nga và U-crai-na là những quốc gia đầu tiên hứng chịu hậu quả. Tại U-crai-na, hàng loạt máy tính của chính phủ, ngân hàng, doanh nghiệp và sân bay đồng loạt bị dính mã độc Petrwrap. Tập đoàn dầu mỏ Rosneft của Nga cũng nằm trong số những doanh nghiệp bị Petrwrap tiến công. Chỉ vài giờ sau khi phát tán, mã độc nhanh chóng lan ra phạm vi toàn cầu, gây ảnh hưởng ít nhất 65 quốc gia. Hàng nghìn máy tính bị tê liệt, trong khi nhiều cảng biển, nhà máy và văn phòng trên thế giới đã phải đóng cửa. Nhiều chuyên gia đánh giá, việc tìm ra giải pháp ngăn chặn vụ tiến công mạng lần này có thể kéo dài hơn vụ Wannacry.

Với lợi thế không giới hạn về địa lý, thời gian nhưng có thể được thực hiện trên diện rộng và gây thiệt hại lớn, các vụ tiến công mạng đang ngày càng phổ biến, trở thành mối đe dọa an ninh đối với nhiều quốc gia. Ủy viên Liên hiệp châu Âu (EU) phụ trách vấn đề an ninh G.Kinh nhận định, các vụ tiến công mạng xảy ra gần đây đặc biệt nguy hiểm khi nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng như bệnh viện, sân bay, ngân hàng… Tin tặc thường yêu cầu nạn nhân trả một khoản tiền chuộc nhất định để dữ liệu máy tính được khôi phục. Tuy nhiên, giới chuyên gia nghi ngờ, mục đích chính của các vụ tiến công không phải để tống tiền, mà nhằm đánh cắp dữ liệu, thu thập thông tin cá nhân người dùng, đồng thời phá hủy và làm tê liệt hệ thống mạng của các quốc gia. Cơ quan Tình báo nội địa Đức (BfV) thừa nhận, hoạt động do thám và tiến công mạng là "những quả bom hẹn giờ", đang ngầm khai thác dữ liệu, phá hoại các hệ thống hạ tầng quan trọng của nước này.

Không phải sau khi xảy ra các vụ tiến công mạng gần đây, các quốc gia mới có ý thức phòng vệ trước nguy cơ tiềm ẩn từ in-tơ-nét. Nhiều nước đã coi an ninh mạng là một bộ phận trong tổng thể chiến lược quốc phòng chung. Năm 2009, Mỹ tuyên bố, hệ thống cơ sở hạ tầng mạng là tài sản chiến lược cấp quốc gia của nước này. Anh thành lập Trung tâm An ninh mạng nhằm ngăn chặn các cuộc tiến công, nhất là nhằm vào các doanh nghiệp Nga, Nhật Bản, các nước EU… đều xây dựng các cơ quan chuyên trách về lĩnh vực an ninh mạng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, với tốc độ phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, tần suất tiến công mạng đang diễn ra dày đặc hơn, khiến hệ thống bảo mật truyền thống không thể kịp thời ngăn chặn. Hơn nữa, không phải quốc gia nào cũng có năng lực tự bảo vệ trước các cuộc tiến công mạng, nhất là khi việc xây dựng một đội ngũ mạnh và liên tục được cập nhật các tiến bộ công nghệ, đòi hỏi sự đầu tư lớn.

Ngay sau vụ càn quét của mã độc Petrwrap, chính phủ các nước đang nỗ lực tìm kiếm một giải pháp bền vững nhằm đối phó nguy cơ an ninh phi truyền thống này. EU tuyên bố hỗ trợ 10,8 triệu ơ-rô cho 14 quốc gia EU tăng cường khả năng phòng thủ trước các vụ tiến công mạng. Các nước thành viên NATO kêu gọi tăng cường phối hợp phòng thủ, chủ trương đưa ra phản ứng tập thể trước một cuộc tiến công mạng nhằm vào một quốc gia thành viên. Ô-xtrây-li-a thành lập đơn vị tác chiến không gian mạng nhằm bảo vệ và sẵn sàng đáp trả khi các mục tiêu quân sự trọng yếu bị đe dọa… Đây sẽ là cuộc chiến dài hơi, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các quốc gia.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/33570202-cuoc-chien-khong-tieng-sung.html