Cuộc chiến trong bóng tối của ông chủ NSA

Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) nằm bên trong căn cứ Fort Meade, bang Maryland, được coi là một "thành phố tuyệt mật" có bưu cục, sở cứu hỏa và lực lượng cảnh sát riêng với hàng chục ngàn người thường xuyên di chuyển hối hả giữa hơn 50 tòa nhà.

Tướng Keith Alexander.

Nằm lọt thỏm bên trong những hàng rào điện và được đông đảo binh sĩ vũ trang hạng nặng bảo vệ chặt chẽ, "thành phố" cũng được che chắn bằng những chướng ngại vật chống xe tăng, được giám sát liên tục bởi mạng lưới dày đặc các camera an ninh và thiết bị dò chuyển động cực kỳ nhạy cảm. Để ngăn ngừa bất cứ tín hiệu điện tử nào rò rỉ ra ngoài, những bức tường bên trong "thành phố" được phủ một lá chắn bằng đồng bảo vệ và các ô cửa sổ cũng được lắp mắt lưới đồng mảnh.

Đây là lãnh thổ tuyệt mật của Keith Alexander. Quyền lực của vị tướng quân đội 4 sao này bao trùm cả 3 tổ chức lớn - ông là Giám đốc NSA, Cơ quan tình báo lớn nhất thế giới; lãnh đạo Cơ quan An ninh trung ương (CSS); và chỉ huy Bộ tư lệnh Không gian mạng (US. CYBERCOM).

Điều hành những nỗ lực chiến tranh mạng của nước Mỹ, hiện nay Keith Alexander cùng với lực lượng khổng lồ của ông dễ dàng hủy diệt những trang thiết bị và cơ sở hạ tầng của bất cứ kẻ thù nào. Alexander nhấn mạnh rằng, những vũ khí mạng trong thế kỷ XXI cũng mang tính quyết định như vũ khí hạt nhân.

Keith Alexander và đội quân trong bóng tối

Vào giữa thập niên 2000, Keith Alexander và đội quân hùng hậu hơn chục ngàn chiến binh mạng dày dạn kinh nghiệm của ông phối hợp với Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Cơ quan Tình báo Mossad của Israel tạo ra vũ khí nguy hiểm gọi là virus Stuxnet, được thiết kế nhằm phá hủy những thiết bị mạng trong cơ sở hạt nhân ở Natanz của Iran.

Thành công của chiến dịch phá hoại chỉ được mọi người biết đến vào năm 2010, sau khi Stuxnet lây lan ra diện rộng và được phát hiện bởi các nhà nghiên cứu an ninh độc lập. Bất chấp sự đưa tin nóng hổi của giới truyền thông toàn cầu về Stuxnet, giới chức Washington vẫn chưa bao giờ công khai thừa nhận nước Mỹ đứng đằng sau cuộc tấn công hủy diệt quy mô này.

Theo tiết lộ của tờ The New York Times, vào năm 2007, Bộ Quốc phòng Mỹ cho phép NSA khởi động chiến dịch mạng tấn công những thiết bị ly tâm ở cơ sở làm giàu uranium Natanz của Iran. Một trong những bước đầu tiên của Keith Alexander là lập bản đồ các mạng máy tính ở Natanz. Nhóm hacker của Phòng chiến dịch xâm nhập thích ứng (TAO) - bộ phận tuyệt mật của NSA và chỉ có một số ít quan chức biết đến sự tồn tại của nó - chịu trách nhiệm thực hiện thách thức. TAO có nhiệm vụ phát triển kỹ thuật tin học cho phép cộng đồng tình báo Mỹ phá hủy hay gây thiệt hại cho các hệ thống viễn thông và máy tính nước ngoài bằng cuộc tấn công mạng theo lệnh từ tổng thống.

Năm 2007, TAO đã xâm nhập thành công hàng ngàn hệ thống máy tính nước ngoài, đọc lén e-mail của nhiều mục tiêu trên khắp thế giới. Theo tiết lộ của một cựu quan chức NSA liên quan đến chiến dịch Stuxnet, TAO tìm kiếm những lỗ hổng an ninh mạng của Natanz và phát triển các vũ khí cần thiết để phá hủy từ xa những cỗ máy ly tâm của Iran. Bước tiếp theo là tạo ra một "đầu đạn kỹ thuật số", một nhiệm vụ được giao cho CIA đảm trách.

Trạm nghe lén của NSA trên Núi Quỷ ở Berlin.

Để hoàn thành chiến dịch Stuxnet, NSA cũng cần đến sự hỗ trợ của một người Iran tên là Ali Ashtari - người về sau tuyên bố là điệp viên của Mossad nhưng Israel phủ nhận điều này. Để đối phó, Iran thành lập một cơ quan phản gián mới có nhiệm vụ tìm kiếm, phát hiện những gián điệp hạt nhân. Và, Ashtari nằm trong tầm ngắm của tổ chức mới do ông ta nhiều lần xuất hiện tại những khu vực nhạy cảm.

Năm 2006, chính quyền Iran cho biết đã bắt giữ Ashtari và đưa ra xét xử vào tháng 6/2008 tại Tòa án Cách mạng Iran. Sáng ngày 17/11/2008, Ashtari bị treo cổ tại nhà tù Evin ở Tehran. Nhưng, không chỉ có Ashtari mà còn có thêm nhiều người khác giúp NSA và Mossad lây truyền Stuxnet. Chưa đầy 2 tuần sau khi hành hình Ashtari, chính quyền Iran bắt giữ 3 người khác và buộc tội họ làm gián điệp cho Israel.

Nhưng Stuxnet mới chỉ là sự khởi đầu của NSA. Lầu Năm Góc còn yêu cầu Quốc hội phê duyệt khoản tiền lên đến 4,7 tỉ USD vào năm 2014 (hơn năm 2013 gần 1 tỉ USD) để mở rộng "các chiến dịch không gian mạng", bất chấp ngân sách chung dành cho CIA cùng với các cơ quan tình báo khác giảm xuống chỉ còn 4,4 tỉ USD! Được chính quyền Mỹ bơm tiền thoải mái, Keith Alaxander mặc sức tuyển mộ hàng ngàn chuyên gia máy tính, hacker... để "lập trình" thêm nhiều vụ tấn công khác.

Tháng 5/2010, trước khi Stuxnet được phát hiện, một tổ chức mới nhằm đối phó với kẻ thù trong cuộc chiến tranh mạng chính thức hoạt động - đó là US. CYBERCOM - và Keith Alexander (lúc đó mới được thăng cấp lên tướng 4 sao) chịu trách nhiệm điều hành). Dưới sự chỉ huy của Keith Alexander, US. CYBERCOM trở thành bộ máy khổng lồ với hàng ngàn điệp viên cũng như khoảng 14.000 nhân sự được tuyển chọn kỹ lưỡng từ các lực lượng thuộc quân đội Mỹ.

Bên trong tổng hành dinh NSA ở Fort Meade, Maryland.

Cũng trong thời gian này, một khu phức hợp mới trị giá 3,2 tỉ USD được xây dựng bên trong Fort Meade, gọi là Site M. bao gồm trạm phát điện riêng có công suất 150 megawatt, 14 tòa nhà chiếm diện tích gần 100 hecta, 10 khu đỗ xe rộng lớn cùng với nhiều phòng lạnh và gian nồi hơi. Không gian chứa các siêu máy tính chỉ có 50 chuyên viên điều khiển, song trung tâm chiến dịch mạng biên chế hơn 1.300 người. Nói tóm lại, bất chấp tình trạng bị cắt giảm nhân sự lẫn tài chính trong chính quyền liên bang, đế chế của Keith Alexander vẫn phát triển mạnh và bền vững.

Vài năm qua, các nhà thầu quốc phòng Mỹ cũng bắt tay vào việc thành lập cơ sở của họ song song với sự bùng bổ xây dựng tại Fort Meade - như là General Dynamics mở cửa cơ sở riêng gần trụ sở NSA, Tập đoàn quốc tế các ứng dụng khoa học (SAIC) cho khánh thành tòa nhà Trung tâm Không gian mạng (CIC) cao 7 tầng và Tập đoàn công nghệ mạng CSC dựng lên Trung tâm An ninh mạng (VCSC). Ngoài ra, Công ty tư vấn Booz Allen Hamilton - do cựu Giám đốc NSA Mike McConnell lãnh đạo các chiến dịch không gian mạng - cũng thành lập cơ sở nằm cạnh trụ sở NSA.

Và để hỗ trợ cho NSA, Tập đoàn Boeing cho xây dựng Trung tâm Chiến dịch mạng (CEC) do tướng quân đội về hưu Barbara Fast điều hành chiến dịch mạng. Các nhà thầu quốc phòng Mỹ muốn chứng tỏ rằng họ am hiểu tường tận thế giới quan của Alexander.

Trong thời Chiến tranh lạnh, NSA cho xây dựng hàng trăm trạm nghe lén bí mật trên khắp thế giới phục vụ cho Bộ chỉ huy Tình báo tín hiệu (SIGINT) của Mỹ. Và, có lẽ nổi bật nhất là trạm nghe lén khổng lồ trên một ngọn núi nhân tạo cao 115 mét ở Berlin và được gọi theo tiếng Đức là Teufelsberg (Núi Quỷ), còn lính Mỹ và đồng minh gọi là "The Hill" (Ngọn đồi). Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, Núi Quỷ ngưng hoạt động và bị bỏ hoang.

Chuyên viên kỹ thuật Iran tại nhà máy năng lượng hạt nhân ở Bushehr, Iran.

Sau khi khối Đông Âu tan rã và cùng với sự ra đời của những công nghệ tiên tiến như vi sóng và điện thoại di động, Keith Alexander chuyển hướng hoạt động của NSA đến mạng lưới các vệ tinh của SIGINT mang các tên mã như là Vortex, Magnum, Jumpseat và Trumpet. Theo Hiệp ước UKUSA ký kết năm 1948 giữa Mỹ và các đồng minh thân cận, các cơ quan tình báo tín hiệu của Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand cùng chia sẻ với nhau mọi dữ liệu nghe lén.

"Chuyên gia trí não"

Keith Alexander sinh ngày 2/12/1951 ở Onondaga Hill, vùng ngoại ô thành phố Syracuse, bang New York. Năm 1970, dưới thời Tổng thống Richard Nixon, Alexander được nhận vào Học viện Quân sự Mỹ ở West Point. Tháng 4-1974, ngay trước khi tốt nghiệp, Alexander cưới cô bạn học thời trung học là Deborah Lynn Douglass và cũng sống ở Onondaga Hill.

Thời Chiến tranh lạnh, Alexander làm việc trong các căn cứ bí mật của NSA ở Mỹ và Đức, chứng tỏ năng lực tuyệt vời của một chiến binh tình báo điện tử. Năm 2001, Alexander là tướng 1 sao lãnh đạo Bộ tư lệnh An ninh và Tình báo quân đội, mạng toàn cầu của quân đội Mỹ bao gồm 10.700 điệp viên và chuyên gia nghe lén điện tử.

Tháng 3/2001, Alexander tuyên bố trên tờ Post-Standard của Syracuse rằng, công việc quan trọng của ông là phát hiện những mối đe dọa an ninh nước Mỹ. Ông nói: "Chúng tôi đương đầu với kẻ thù. Đó là một bàn cờ và không ai muốn thua trận". Nhưng, chỉ 6 tháng sau đó, Alexander và phần còn lại của cộng đồng tình báo Mỹ gánh chịu thất bại thảm hại sau vụ khủng bố ngày 11-9. Alexander ra lệnh cho đội quân gián điệp điện tử trong quân đội của ông khởi động chương trình do thám bất hợp pháp các cuộc gọi điện thoại và e-mail của công dân Mỹ, bao gồm cả những người không dính dáng gì đến khủng bố cũng như những cuộc gọi riêng tư giữa các nhà báo và bạn đời của họ.

Năm 2003, Keith Alexander - "sủng thần" của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld lúc đó - được bổ nhiệm làm Phó tham mưu trưởng phụ trách tình báo tín hiệu của quân đội Mỹ. Ngày 1/8/2005, Rumsfeld bổ nhiệm Alexander - giám sát chương trình nghe lén bất hợp pháp, lừa dối cả các thành viên trong Ủy ban Tình báo Hạ viện. Bên trong chính quyền Mỹ, Keith Alexander là nhân vật vừa được nể trọng vừa bị mọi người kinh sợ.

Một cựu sĩ quan cao cấp CIA giấu tên cho biết: "Chúng tôi gọi ông ta là Hoàng đế Alexander bởi vì những gì ông ta muốn đều trở thành hiện thực. Ông ta có thể đòi hỏi được nhiều thứ từ Quốc hội và Nhà Trắng".

Alexander cho biết, ông sẽ về hưu vào năm 2014. Sau khi rút lui khỏi NSA, Alexander chắc chắn để lại đằng sau cả một đế chế rộng lớn, nơi tạo ra ranh giới ngày càng mờ ảo giữa chiến tranh quy ước và chiến tranh không gian mạng. Với quyền lực và đầu óc hết sức tinh khôn của mình, Keith Alexander được gán cho biệt danh là Alexander "chuyên gia trí não"

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/hosomat/2013/8/81180.cand