Cuộc chiến vô vọng chống ma men

Với tu chính án 18 trong hiến pháp, Hoa Kỳ muốn xây dựng một xã hội khỏe mạnh về thể chất và đạo đức bằng cách cấm sản xuất, vận tải và tiêu thụ đồ uống có cồn. Khi thời kỳ cấm rượu kết thúc trước đây 80 năm, thậm chí tổng thống Roosevelt cũng chúc mừng - với một ly rượu Martini, thứ đồ uống mà ông vẫn lén lút nhấm nháp trong Nhà Trắng!

Nhịn thành quen?

Benjamin DeCasseres muốn đi vào lịch sử hôm 5/12/1933, khi cả nước Mỹ hồi hộp hướng về Utah. Trớ trêu thay, cái tiểu bang thủ phủ của dòng đạo Mormonism ghét rượu lại được đóng vai trò quyết định khi quyết định thông qua tu chính án 21 nhằm bãi bỏ lệnh cấm rượu có từ năm 1919. Nếu Utah bỏ phiếu thuận thì có nghĩa là đủ hai phần ba các bang đồng thuận.

DeCasseres, một nhà văn và nhà báo có tiếng ngông nghênh ở New York, đã nghĩ ra một vở đặc biệt. Ông ngồi đợi sẵn bên một quầy bar ở Manhattan, ngay cạnh chiếc điện thoại nối với văn phòng địa phương của thông tấn xã United Press, ngóng quyết định từ Utah.

Sau khi lệnh cấm ban ra, lò rượu North Cucamonga Winery ở Los Angeles phải đổ mấy triệu lít vang xuống cống

Khi tin vui bay đến, lập tức DeCasseres gọi một ly cocktail và dốc thẳng vào họng. Hai giây rưỡi sau khi chấm dứt lệnh cấm rượu, có lẽ ông là công dân Hoa Kỳ đầu tiên uống rượu một cách hợp pháp. Dù thế nào thì DeCasseres cũng nằm trong số mấy vạn dân New York nóng lòng đợi sau 13 năm khô mồm khô miệng. Ngày hôm đó toàn bộ cảnh sát New York nằm trong tình trạng báo động đỏ, song may mắn là trong cả thành phố vốn ngập đầy tội lỗi ấy không xảy ra gì đặc biệt. Dĩ nhiên, khó đào đâu ra Whiskey sau thời kỳ cấm hà khắc, song rượu vang và bia thì chảy như suối. Và từ Washington xa xôi, tổng thống Franklin D.Roosevelt cũng phấn khởi nâng ly.

Một số người khác thì tỏ ra vô cùng bối rối. “Tôi quên hẳn người ta đã uống rượu công khai ra sao. Cả một văn hóa uống đã tàn lụi. Chừng ấy năm trời, người ta quên thói quen đi vào quán, gọi một ly rượu mà không lo cảm thấy bàn tay nặng trịch của một gã cảnh sát đập lên vai”, nhạc sĩ Alec Wilder tả rất đúng tâm trạng người dân.

Cảnh sát Detroit phát hiện một lò rượu lậu

Moonshine - ánh trăng chết chóc

Đó chính là tâm trạng của mỗi người Mỹ từ 16/1/1920, khi lệnh cấm rượu bia có hiệu lực toàn quốc, thậm chí một số bang còn hăng hái đi trước. Khi xứ Cờ Hoa non trẻ ra đời, nó thu nạp đủ thứ dân tứ chiếng, và nghề làm bia rượu cũng theo họ du nhập. Các chủ quán rượu, với dụng ý tăng doanh số, bày thêm trò đánh bạc và mại dâm. Trong xã hội Mỹ dần dần sinh ra phong trào chống bia rượu và các tệ nạn xã hội đi kèm, như Liên minh chống quán rượu Anti-Saloon League hay Hội Phụ nữ Thiên Chúa giáo chống rượu Woman’s Christian Temperance Union, và rốt cục chính phủ cũng phải vào cuộc.

Nước Mỹ muốn có cuộc sống lành mạnh, không có gì sai, song lệnh cấm bia rượu trên thực tế đã thành mầm mống cho tội phạm có tổ chức. Các băng đảng mafia như của Al Capone hay Meyer Lansky tìm ra nguồn thu dồi dào mới, đồng thời cũng tăng cường cuộc chiến chinh phạt lẫn nhau để giành lãnh địa. Đặc biệt ngành nấu rượu Canada phát triển rực rỡ để đáp ứng cơn khát bên quốc gia láng giềng. Từ 1923 đến 1929, lượng rượu lậu tuồn qua Mỹ tăng đột biến từ 0,5 lên hơn 5 triệu lít. Rượu chảy qua hầm ngầm, trên xe tải, qua đường biển hay đường bộ - hầu như không khả năng nào được loại trừ để kiếm vài Dollar từ món hàng nóng hổi. Các đầu lĩnh mafia phân chia khu vực và cung cấp đầy đủ cho mạng lưới quán rượu. Lãi suất quá cao, đủ mua cả bộ máy cảnh sát và biên phòng.

Một nguồn dồi dào khác tên là moonshine, ám chỉ rượu nấu lậu khi trời tối. Và dĩ nhiên ở đây cũng lắm kẻ táng tận lương tâm, pha đủ thứ vào Whiskey. Theo thống kê không đầy đủ, cho đến năm 1927 có khoảng 5 vạn người Mỹ chết vì ngộ độc rượu rởm, chưa kể hàng vạn nạn nhân khác bị liệt, mù, tâm thần…

Dân Mexico tìm cách đưa rượu qua Rio Grande vào Texas

Người giàu cũng khát

Người dân vẫn uống rượu, phớt lờ lệnh cấm. Khi túm được một gã chở rượu lậu ở Washington D.C., người ta vớ được một danh sách dài, toàn các công dân khả kính của thủ đô. Lúc ra tòa, Al Capone có nói: “Tôi chỉ bán rượu cho giới thượng lưu”, rồi hắn ngó về phía thẩm phán: “Những người như ngài là khách hàng ruột của tôi”.

Ở Mỹ xuất hiện vô số các quán bar mang tên Speakeasy (“Thì thầm”), đó là những địa chỉ có thể thoải mái nhậu nhẹt, dĩ nhiên chỉ được truyền miệng và không gây ồn ào. “Tôi rất khoái Speakeasy. Là khách ruột, người ta có thể yên tâm là không bao giờ bị mua phải đồ kém chất lượng”, Alec Wilder say sưa kể. Khi lệnh cấm bắt đầu, riêng New York có chừng 16.000 quán Speakeasy. Đến năm 1929 thành phố này đã có 30.000 quán - hình như lệnh cấm tăng độ khát của dân nhậu? 3.000 thanh tra bia rượu hoàn toàn bất lực trước làn sóng bán công khai ấy, chưa kể là họ nhận lương rẻ mạt và do vậy toàn đến từ những nghề còn tồi tệ hơn. Một cuộc tuyển dụng năm 1927 cho thấy trong số 12.000 người đến phỏng vấn có tới 60% trượt ngay vòng đầu, dù chỉ đòi hỏi kiến thức tiểu học. Sau này người ta còn phát hiện ra một thanh tra kỳ cựu… mù chữ!

Một lúc nào đó, chính phủ cũng nhận ra sự bất lực trước “ý chí nhân dân”, và Roosevelt, tổng thống tương lai của đảng Dân chủ - như nhiều kẻ độc miệng phỏng đoán - nhờ phấn đấu bãi bỏ lệnh cấm mà được đủ phiếu bầu vào tòa Bạch Ốc năm 1932. Và nước Mỹ cũng không thể từ chối một khoản thuế dồi dào từ rượu bia sau khủng hoảng kinh tế 1929.

Quyết định bỏ cấm rượu chỉ còn là vấn đề thời gian. Hai nghị viện tổ chức vài buổi điều trần lấy lệ trước khi bỏ phiếu, và như ta biết, ngày 5/12/1933 Utah chấp thuận tu chỉnh hiến pháp, và Benjamin DeCasseres được khoan khoái gọi ly cocktail hợp pháp đầu tiên…

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/the-gioi/cuoc-chien-vo-vong-chong-ma-men-n20140417150319650.htm