Cuộc chiến ý tưởng giữa hãng cao cấp và bình dân

Các thương hiệu bình dân như Zara, ASOS, Topshop... thường xuyên 'học hỏi' ý tưởng của những ông lớn làng mốt.

Ngành thiết kế thời trang luôn đòi hỏi sự sáng tạo, không tránh khỏi chuyện bí ý tưởng, nhưng "vay mượn" thiết kế thường xuyên lại là chuyện đáng quan tâm. Bỏ qua những cuộc chạm trán ý tưởng đôi khi xuất hiện giữa các ông lớn trong ngành thời trang, việc “nhái” thiết kế dường như là “truyền thống” của các thương hiệu bình dân như Zara, Topshop, ASOS..., trở thành thách thức lớn với những thương hiệu cao cấp.

Dù nhìn rõ các ý tưởng của mình bị “mượn” trắng trợn nhưng các ông lớn của làng mốt vẫn phải cam chịu bởi thương hiệu bình dân quá khéo trong việc thiết kế lại. Bởi thay vì đầu tư cho đội ngũ thiết kế giỏi, các thương hiệu này lại tập trung lực lượng cho đội ngũ "xào nấu". Mỗi khi các thương hiệu lớn ra mắt các sản phẩm hot trên sàn catwalk, một số thương hiệu bình dân liền quan sát, thu thập phản hồi của khách hàng, sau đó nhanh chóng áp dụng với chút biến tấu và tung ra thị trường với mức giá rẻ hơn rất nhiều phiên bản gốc nhờ sử dụng chất liệu thông thường. Chỉ mất khoảng 3 tuần để các thương hiệu bình dân cho ra sản phẩm từ bản vẽ trong khi các thương hiệu lớn mất từ 1-2 tháng.

Các thương hiệu lớn cũng không có đủ bằng chứng cáo buộc và chứng minh quyền sở hữu trí tuệ. Vì vậy, các hãng bình dân sao chép thiết kế vẫn ung dung bán sản phẩm, thậm chí “ăn nên làm ra” nhờ nắm bắt được thị hiếu khách hàng, tiếp cận thị trường nhanh và không tốn tiền quảng cáo. Đơn cử như Zara, dù nhiều lần gây xôn xao với scandal “ăn cắp” thiết kế trắng trợn nhưng hãng này vẫn là một trong những thương hiệu thời trang thành công với mức doanh thu mà nhiều thương hiệu cao cấp như Chanel hay Prada phải ghen tỵ. Zara có hơn 1.800 cửa hàng bán lẻ tại 45 nước và mức tăng trưởng 20% mỗi năm.

Tiết kiệm thời gian, chi phí, "một vốn bốn lời", đồng thời các thương hiệu này vẫn được nhiều tín đồ thời trang ưa thích nhờ cập nhật nhanh xu hướng hot, giá thành phải chăng, phù hợp đại đa số các tầng lớp. Khách hàng được thỏa mãn niềm yêu thích thời trang mà không phải bỏ ra số tiền khủng để sở hữu, mặc dù đó không phải là các sản phẩm độc như thời trang cao cấp. Các thương hiệu lớn chỉ còn biết trông đợi vào những khách hàng thân tín và tìm kiếm khách hàng tiềm năng là những người hiểu rõ đẳng cấp thời trang, đam mê hàng hiệu thực thụ.

Cùng nhìn loạt ảnh so sánh ý tưởng giữa một số thương hiệu bình dân với thương hiệu cao cấp:

Lana

Nguồn Ngôi Sao: http://ngoisao.net/tin-tuc/phong-cach/thoi-trang/cuoc-chien-y-tuong-giua-hang-cao-cap-va-binh-dan-2959154.html