'Cuộc di tản Dunkirk' và tài năng của bậc thầy Nolan

Sau hai tuần công chiếu, bộ phim đề tài lịch sử về cuộc Chiến tranh Thế giới II “Cuộc di tản Dunkirk” của đạo diễn bậc thầy Nolan vẫn làm mưa làm gió, càn quét các phòng vé trên thế giới, khi liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng doanh thu phim ăn khách nhất tuần với doanh thu tổng 234,1 triệu USD.

Cảnh phim “Cuộc di tản Dunkirk”. Ảnh do CGV cung cấp.

Chỉ tính riêng tại Bắc Mỹ, tổng doanh thu là 102 triệu USD. Dunkirk hứa hẹn sẽ còn tiếp tục hốt bạc khi trình chiếu tại Italia (31.8), Trung Quốc (1.9) và Nhật Bản (9.9) sắp tới. Còn tại Việt Nam, dù vẫn hút khách nhưng chỉ ở những buổi đầu, còn về sau vắng dần, có lẽ vì phim kén khán giả, cũng vì lớp trẻ dường như không mặn mà với phim chiến tranh.

Đắm chìm vào phim

Chiều 2.8, phòng chiếu 4DX suất 17h20 ở Vincom Bà Triệu (Hà Nội) chỉ có chưa tới 20 người. Nhưng từ khi bắt đầu cho đến phút cuối cùng, khán giả bị mê đi, đắm chìm vào những cảnh quay ấn tượng với những điểm nhìn đa dạng, từ trên cao, xiên chéo, ngang mắt người và từ dưới lên, cùng với những chi tiết đắt giá trên nền nhạc của nhà soạn nhạc tài danh Hans Zimmer - tất cả dưới sự chỉ đạo của nhạc trưởng tài ba Christopher Nolan.

Sự khốc liệt của cuộc chiến được thể hiện mạnh mẽ ở nhiều phân cảnh. Gương mặt thất thần của người lính trẻ, bàn tay thò ra vẫy của viên phi công bị kẹt trên biển, những dòng người bơi lội vật vã trong dòng nước xiết trên biển như những con kiến bò trên miệng chảo khi tàu bị ngư lôi phóng, những lính trẻ chui vào tàu chờ thủy triều lên trở thành bia đạn cho quân Đức bên ngoài… Hay như nhân vật anh lính trên tàu bị bom của Đức bắn trúng, được cứu sống, cũng trở nên hoảng loạn, không còn là mình…

Khâu dựng phim ấn tượng khi khán giả nghẹt thở với hai cuộc chiến căng thẳng đối mặt với cái chết cùng lúc diễn ra trên biển và trên không. Và dĩ nhiên trên nền sinh tử đó, những giá trị nhân văn về cuộc sống được bộc lộ.

Hẳn người xem cũng như tôi khó quên hình ảnh hai cha con ông lão Dawson dũng cảm, kiên định lái con tàu dân sự ra biển cứu những người mắc kẹt, câu chuyện về những người lính, từ dũng cảm đến thoái chí, thậm chí đôi lúc trở nên tàn bạo với người lính đồng minh…

Hai chữ quê nhà trở nên thân thương và được nhắc đến nhiều. “Họ không thể về nhà. Quê nhà sẽ tìm đến họ”. Và điều ám ảnh những người lính được cứu sống lành lặn trở về trong khi hàng loạt binh sĩ khác phải bỏ mạng là sống sót trở về có phải là một điều gì đáng tự hào? Nhưng quê nhà không đón họ như những kẻ hèn nhát mà như những người thân may mắn thoát khỏi tử thần…

“Cuộc di tản Dunkirk” khó kể mà phải xem mới có thể cảm hết giá trị của phim.

Bộ phim có sự tham gia của các tên tuổi gạo cội: Tom Hardy, Cillian Murphy, Mark Rylance, Kenneth Branagh, Aneurin Barnard, Jack Lowden, James D’Arcy, Barry Keoghan, Tom Glynn-Carney và nam ca sĩ của nhóm One Direction - Harry Styles…

Từ một sự kiện - chiến tích vĩ đại trong lịch sử

“Cuộc di tản Dunkirk” được xây dựng dựa trên một sự kiện từng diễn ra vào những tháng đầu tiên của Chiến tranh Thế giới II và có ảnh hưởng rất lớn tới kết cục của cuộc chiến khốc liệt này. Đạo diễn của bộ phim từng chia sẻ rằng những gì đã xảy ra ở Dunkirk là một trong những chiến tích vĩ đại nhất mà chúng ta từng lập được trong lịch sử nhân loại. Đó là một cuộc chạy đua với thời gian, và ranh giới giữa sự sống với cái chết chưa bao giờ mong manh tới như vậy.

Dunkirk kể về chiến lược quan trọng nhất của quân đội Anh trong Chiến tranh Thế giới II - chiến dịch Dynamo lịch sử (kéo dài từ 26.5 tới 4.6.1940) do Thủ tướng Anh Winston Churchill phát động. Đây là một trong những sự kiện quân sự quan trọng nhất của Thế chiến II, với mục tiêu giải cứu quân đội viễn chinh Anh tại Dunkirk, Pháp, khi họ đứng trước nguy cơ bị phát xít Đức tiêu diệt. Khi bị quân đội Đức bao vây, người Anh chỉ còn có thể tháo lui bằng đường biển. Họ sử dụng tất cả các phương tiện có trong tay, kể cả xuồng lẫn tàu đánh cá nhỏ, để thoát khỏi vòng kiềm tỏa.

Kết thúc chiến dịch, khoảng 218.000 lính Anh, 120.000 lính Pháp và Bỉ được giải cứu, 68.000 quân viễn chinh Anh bị thiệt mạng và bị bắt làm tù binh.

Độc nhất vô nhị Nolan

Cái tên Christopher Nolan từ lâu đã quen thuộc trong làng điện ảnh thế giới, từ những phim đầu tiên ông làm. Nhưng chỉ khi ông viết kịch bản, đạo diễn và sản xuất loạt phim bom tấn “The Dark Knight”, bắt đầu với “Batman Begins” vào năm 2005, “The Dark Knight” vào năm 2008 và “The Dark Knight Rises” vào năm 2012, thì Nolan mới trở thành một tượng đài Hollywood. Christopher Nolan đã thổi một luồng gió mới cho hình tượng siêu anh hùng Batman, khi biến series phim này không chỉ là các tác phẩm siêu anh hùng hành động đơn thuần, mà lồng ghép nhiều thông điệp về chính trị, xã hội vào phim.

Năm 2010, Nolan tiếp tục chinh phục khán giả thế giới với bộ phim thuộc thể loại khoa học viễn tưởng “Inception” do ông đạo diễn, viết kịch bản và sản xuất. Với doanh thu hơn 800 triệu USD, “Inception” đã trở thành bộ phim của năm và chiến thắng vang dội với 4 giải Oscar cùng 4 đề cử ở các hạng mục khác. Cá nhân Nolan đã nhận đề cử DGA và PGA cho Đạo diễn xuất sắc nhất và Nhà sản xuất xuất sắc nhất cùng giải thưởng WGA cho Kịch bản gốc xuất sắc nhất.

Năm 2014, ông trở lại ghế đạo diễn và sản xuất cho bộ phim khoa học viễn tưởng “Interstellar” với sự tham gia của các diễn viên Matthew McConaughey, Anne Hathaway, Jessica Chastain, John Lithgow, Casey Affleck và Michael Caine. Và một lần nữa, phim lại làm rạng danh Nolan khi nhận được 5 đề cử Oscar, 4 đề cử BAFTA và giành giải thưởng Oscar và BAFTA cho Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất.

Luôn tìm kiếm những thách thức, lần này Nolan không sa vào những siêu anh hùng hay thế giới ảo thực của những giấc mơ, mà ông làm phim về một sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng đối với thế giới.

Nolan chia sẻ rằng ông mong muốn có thể đưa khán giả đồng hành cùng các nhân vật trên bờ biển Dunkirk, trên boong của con tàu gỗ Moonstone và cả trên khoang của chiếc máy bay tiêm kích. Ông muốn dẫn dắt khán giả vào một hành trình đầy ắp những cung bậc cảm xúc, để họ tin rằng mình từng thực sự được đứng ở đó, vào thời khắc lịch sử đó và hiểu được tâm tư, tình cảm của những người đã từng cùng nhau tạo nên “phép màu Dunkirk”.

Và “Cuộc di tản Dunkirk” đã làm được điều đó một cách xuất sắc.

VIỆT VĂN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/giai-tri/cuoc-di-tan-dunkirk-va-tai-nang-cua-bac-thay-nolan-689689.bld