“Cước dịch vụ 3G tăng giá 3 đại gia bắt tay “giã” người tiêu dùng”: Có hay không lợi ích nhóm?

(PL&XH) - Sau hàng loạt bài báo phản ánh về việc tăng cước dịch vụ 3G, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Công Thương kiểm tra lại việc 3 “ông lớn” trong ngành viễn thông đồng loạt tăng cước.

Đồng thời, sẽ xử lý nghiêm nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh.

Bất hợp lý

Mới đây, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Tùng đã ký Công văn số 8864/VPCP-KTTH về việc yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo Cục Quản lý cạnh tranh khẩn trương nắm tình hình vụ việc mà báo chí đã nêu. Theo đó, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh thì sẽ tiến hành điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Việc các nhà mạng Mobifone, Vinaphone và Viettel đồng loạt tăng cước dịch vụ 3G, kể từ ngày 16-10 đã gây ra bức xúc trong dư luận. Đáng nói, cả 3 “ông lớn” trong ngành viễn thông này đều đồng loạt tăng lên cùng một mức cước. Hơn nữa, việc tăng giá cước chưa có cơ sở, bất hợp lý trong thời điểm hiện nay.

Về phía người tiêu dùng (NTD), họ đều cho rằng, quyền lợi của mình bị “xâm phạm”, nhà mạng không “tôn trọng” NTD khi tự ý tăng giá mà không hề có sự trao đổi hoặc thỏa thuận với người sử dụng. Chị Việt Thanh, ở phố Trương Định, quận Hoàng Mai, cho biết, khi sử dụng dịch vụ chúng tôi đều ký hợp đồng, đăng ký sử dụng với nhà mạng và thực hiện mọi quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đầy đủ. Lẽ ra, trước khi tăng giá dịch vụ 3G nhà mạng cần phải có thăm dò xem phản ứng của dư luận ra sao.

“Việc làm này của các nhà mạng chẳng khác gì việc Truyền hình cáp Việt Nam trước đây, chỉ gửi thông báo sẽ tăng giá chứ không cho khách hàng có ý kiến gì cả. Với những ngành dịch vụ độc quyền như vậy thì khách hàng chẳng bao giờ là thượng đế cả”, chị Thanh lắc đầu ngán ngẩm.

Thực tế, điều mà dư luận quan tâm hiện nay là lý do vì sao lượng người sử dụng dịch vụ 3G tăng cao nhưng giá lại tự động tăng. Trong khi đó, chất lượng dịch vụ vẫn chưa được thay đổi, thậm chí trong vài ngày trở lại đây, tốc độ truy cập 3G còn chậm hơn so với trước đây.

Chất lượng dịch vụ 3G chưa tăng, sao vội tăng giá ...? Ảnh: Hà Linh

Lợi ích doanh nghiệp lớn hơn quyền lợi NTD?

Việc “bất ngờ” tăng giá dịch vụ 3G cho chúng ta thấy đã và đang tồn tại nhiều “lỗ hổng” trong quản lý của các cơ quan chức năng. Trao đổi với PV, thạc sỹ Hoàng Giang, giảng viên kinh tế một trường ĐH ở Hà Nội, nhận định, từ trước đến nay, ngành viễn thông vẫn luôn được coi là độc quyền. Ba doanh nghiệp (DN) trên đều chiếm lĩnh thị phần lớn trên thị trường. Do đó, khi cả ba DN cùng nhau tăng giá vào 1 thời điểm thì đáng lẽ ra Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) phải tham khảo và phối hợp với Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương để cùng phân tích và tìm hiểu rõ nguyên nhân của việc tăng giá, xem có hợp lý hay không?

Đồng quan điểm, PGS.TS Trương Đình Chiến, Trưởng khoa Marketing, trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng, do đây là một ngành độc quyền nên khi DN đòi tăng giá, cần phải có “bàn tay” của Nhà nước hoặc một “trọng tài” trung lập để đứng ra phân tích và cân đối giữa lợi ích của DN cũng như lợi ích của NTD. Chỉ khi các lợi ích này cân bằng thì quyền lợi NTD mới thực sự được đảm bảo. Trong trường hợp này, “cái thiệt” đang rơi về phía NTD khi mà họ không có nhiều sự lựa chọn về việc sử dụng dịch vụ 3G từ các nhà mạng khác.

Trái ngược với dư luận, đại diện Bộ TT&TT, Cục Viễn thông đều cho rằng việc tăng cước dịch vụ 3G của các DN là hợp lý bởi giá dịch vụ đang thấp hơn giá thành từ 35 - 68%. Đồng thời, Cục Viễn thông cũng cho rằng mức cước dịch vụ 3G tại nước ta đang thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình của các nước ASEAN.

Thực tế, khi so sánh mức cước dịch vụ giữa các quốc gia thì ngoài vấn đề giá cước chúng ta cũng cần phải quan tâm đến yếu tố thu nhập bình quân trên đầu người của mỗi quốc gia. Riêng với ngành độc quyền như viễn thông, thì cần phải cân đối thêm lợi nhuận của DN với quyền lợi của NTD sao cho phù hợp. Mọi việc tăng giá đều phải xem có ảnh hưởng và gây khó khăn đến cuộc sống của người dân hay không?

Trong lần tăng giá này, mức cước được điều chỉnh tăng từ 20 - 40% là quá lớn đối với NTD bởi chất lượng dịch vụ hiện nay chưa thực sự cao. Hơn nữa, thu nhập của người dân trong những năm gần đây bị “chững lại”, “chất lượng” cuộc sống đang giảm. Lẽ ra, ngành viễn thông phải giữ nguyên hoặc có thể giảm giá thành để cùng chia sẻ khó khăn với NTD trong giai đoạn hiện nay.

Người tiêu dùng có được bảo vệ...?

Đây có lẽ là câu hỏi mang tính “muôn thuở”. Từ trước đến nay, NTD chỉ biết kêu và... kêu chứ không thể làm được gì khác. Trong khi đó, chúng ta đang có rất nhiều các tổ chức, hiệp hội. Tuy nhiên, vai trò của họ không thực sự được thể hiện. Anh Mạnh Quyền, ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, cho biết, NTD mang tiếng có nhiều tổ chức như hội tiêu chuẩn và bảo vệ NTD Việt Nam,... nhưng chẳng có ai lên tiếng. Mà nếu có lên tiếng cũng chỉ “ỡm ờ” chứ không quyết liệt đấu tranh cho NTD. Trong khi đó, các cơ quan chức năng thường “ngồi trên trời làm chính sách” khiến cho khi thực hiện NTD sẽ chịu thiệt. Đơn cử như việc Bộ TT&TT đồng ý để 3 nhà mạng đồng loạt tăng giá, “ép” NTD phải bỏ thêm nhiều chi phí nếu muốn sử dụng dịch vụ 3G. Dường như, cơ quan quản lý mới chỉ có sự “cảm thông” cho DN chứ chưa hề biết và chia sẻ khó khăn cùng NTD.

Theo luật sư Ngọc Tú, Đoàn luật sư TP Hà Nội, thì, việc Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo Bộ Công Thương tìm hiểu về việc tăng giá cước 3G lần này là điều đáng ghi nhận. Đó là sự quan tâm của Chính phủ đối với quyền lợi của người dân. Đồng thời, cũng thể hiện sự quyết tâm “ngăn chặn” lợi ích của độc quyền nhóm trong lĩnh vực viễn thông. Nếu như Cục Quản lý cạnh tranh chứng minh được việc tăng giá cước dịch vụ 3G lần này không hợp lý thì có lẽ chúng ta cũng nên xem xét và xử lý nghiêm trách nhiệm của không chỉ riêng các nhà mạng, mà. Đồng thời, cũng cần điều tra kỹ xem có hay không lợi ích nhóm ở đây? Làm được vậy, môi trường cạnh tranh của ngành viễn thông mới thực sự trở nên lành mạnh và mới thấy được vai trò của các cơ quan quản lý trong việc bảo vệ quyền lợi NTD.

Hà Linh

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/2013102609576989p1005c1024/cuoc-dich-vu-3g-tang-gia-3-dai-gia-bat-tay-gia-nguoi-tieu-dung-co-hay-khong-loi-ich-nhom.htm