Cuộc đổ bộ của người Thái

Những năm gần đây, Việt Nam chứng kiến sự “đổ bộ” ồ ạt của các doanh nghiệp Thái Lan. Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Thái Lan - Việt Nam dí dỏm so sánh môi trường đầu tư của Việt Nam hấp dẫn như “người tình của thế giới” (darling of the World). Và người Thái không muốn chậm chân, chỉ đứng từ xa chiêm ngưỡng “người tình”, trong khi các nhà đầu tư khác đã có mặt từ lâu.

Trong khi hàng Thái đang tràn ngập Việt Nam và kim ngạch thương mại hai nước tăng trưởng mạnh, thực tế cho thấy Việt Nam luôn là nước nhập siêu và hàng hóa của Việt Nam không xâm nhập nhiều được tại Thái. Ảnh: MINH KHUÊ

Đối tác thương mại lớn trong ASEAN

Cuối tháng 8-2016, bất chấp thời tiết xấu do ảnh hưởng của cơn bão số 3, rất nhiều bà nội trợ vẫn đội mưa tới khuôn viên của Cung Văn hóa Hữu Nghị (Hà Nội), nơi đang diễn ra Tuần lễ hàng Thái Lan 2016.

Bà Minh Thảo, 55 tuổi, ở quận Ba Đình, trong khi khệ nệ khuân mấy chai nước giặt “mua 2 tặng 1”, cho biết: “Mai là đóng cửa hội chợ rồi, chiều nay bão về, nên giờ tôi phải tranh thủ đi”. Bà khen nước giặt của Thái mùi thơm dễ chịu, dùng không “hao” như các sản phẩm nội và giá cả phải chăng

Lướt qua gần 100 gian hàng tại hội chợ, được quảng cáo là các “sản phẩm chất lượng cao, nổi tiếng” từ các công ty Thái Lan, chúng tôi thấy có nhiều hàng hóa rất bình thường, những chiếc rổ nhựa, khay nhựa, mắc quần áo nhựa, thậm chí cả những hộp bông ngoáy tai. Theo quan sát của phóng viên trong buổi sáng 19-8, rất nhiều người đã tấp nập mua bán những sản phẩm này. Điều đó cho thấy, hàng hóa Thái Lan có sức hút nhất định đối với người tiêu dùng Việt.

Hiện nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Thái đã đi học tiếng Việt để xúc tiến thương mại vào Việt Nam.

“Các sản phẩm của Thái Lan được ưa chuộng tại Việt Nam do chất lượng tốt, giá hợp lý và đánh trúng thị hiếu người tiêu dùng”, đại diện của một nhà xuất, nhập khẩu hàng Thái có mặt tại hội chợ cho biết.

Theo số liệu được ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) nêu ra tại phiên khai mạc một ngày trước đó, trong năm 2015, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Thái Lan đạt mức tăng trưởng 8,3% so với năm 2014, bất chấp bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực gặp nhiều khó khăn. Kim ngạch song phương trong nửa đầu năm 2016 cũng đã tăng 5% so với cùng kỳ năm 2015.

“Thái Lan hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN, trong khi đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Thái Lan trong ASEAN”, ông Nam nói.

Ông Sanan Angubolkul, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Thái Lan - Việt Nam, trong chuyến thăm Việt Nam cùng Bộ trưởng Ngoại giao Don Pramudwinai (hồi tháng 7) thừa nhận, hàng hóa Thái Lan đã tràn ngập thị trường Việt Nam trong những năm gần đây.

Ông Sanan dẫn số liệu của mình cho biết, trong năm năm 2010-2015, kim ngạch thương mại song phương đã tăng trưởng 40%. Theo số liệu của ông Sanan thì kim ngạch thương mại năm 2015 của Thái Lan và Việt Nam đạt 13 tỉ đô la Mỹ, tăng 10% so với năm trước.

“Tận dụng lợi thế địa lý, doanh nghiệp Thái chủ động sang Việt Nam mở rộng sản xuất kinh doanh để tiết giảm chi phí, từ đó giá cả hàng hóa rẻ hơn”, ông nói.

Bộ trưởng Ngoại giao Don Pramudwinai trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng 7 cho biết, hai nước sẽ nỗ lực thúc đẩy kim ngạch song phương lên 20 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020.

“Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) với dân số 600 triệu người và tổng GDP hơn 3.000 tỉ đô la Mỹ chính là cơ hội để mở rộng hợp tác kinh doanh giữa hai bên hướng đến thị trường chung”, ông Pramudwinai nhấn mạnh.

Tuy nhiên, đáng chú ý là trong khi hàng Thái đang tràn ngập Việt Nam và kim ngạch thương mại hai nước tăng trưởng mạnh, thực tế cho thấy Việt Nam luôn là nước nhập siêu và hàng hóa của Việt Nam không xâm nhập nhiều được tại Thái.

Đầu tư nhiều lĩnh vực

Không phải bây giờ, các doanh nghiệp Thái mới chú ý tới thị trường Việt Nam. Tập đoàn thức ăn chăn nuôi CP của Thái đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1998 và làm mưa làm gió trong lĩnh vực này suốt hàng chục năm qua. Tập đoàn SCG cũng đã có mặt ở Việt Nam từ năm 1992 và hiện đã có 21 công ty hoạt động trong đủ lĩnh vực từ sản xuất giấy, nhựa tổng hợp, bê tông tươi tới thương mại quốc tế.

Nhưng sự đổ bộ của người Thái gần đây đã thu hút được sự chú ý sau khi tập đoàn Central Group hoàn tất thương vụ mua lại hệ thống siêu thị Big C Việt Nam với giá trị hợp đồng gần 1,1 tỉ đô la Mỹ. Trước đó, Central Group cũng đã mua lại 49% cổ phần của chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim.

Trong lĩnh vực bán lẻ, liên tiếp xuất hiện tên tuổi của Thái Lan như tập đoàn Thai Charoen Corp (TCC) mua lại hệ thống siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam với giá 876 triệu đô la Mỹ. Berli Jucker (công ty con của TCC) mua lại Family Mart, rồi đổi tên B’s mart.

Không chỉ có vậy. Trong lĩnh vực năng lượng, gần đây, Công ty RATCH Co., Ltd đã làm việc với Bộ Công Thương và bày tỏ sự quan tâm đối với dự án Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 3. Trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, Công ty Hemaraj sẽ đầu tư xây dựng hai dự án khu công nghiệp WHA Hemaraj 1 và 2 tại Nghệ An với tổng diện tích hơn 3.100 héc ta.

Bộ trưởng Ngoại giao Don Pramudwinai cho biết, trong năm 2015, tổng đầu tư của Thái Lan vào Việt Nam đạt trên 8 tỉ đô la Mỹ, đứng thứ 11. Năm 2016, Thái Lan đặt mục tiêu vượt lên vị trí số 10.

“Rất nhiều doanh nghiệp lớn của Thái đã vào Việt Nam và số vốn đầu tư của Thái sẽ tiếp tục tăng”, ông Don Pramudwinai khẳng định với báo chí nhân chuyến thăm của ông hồi tháng 7. “Các nhà đầu tư, doanh nhân Thái không muốn thua kém các nước Nhật Bản, Hàn Quốc trong việc đầu tư kinh doanh tại Việt Nam”, ông lý giải.

Phó chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Thái Lan - Việt Nam Tussin Mahamongkol, người tháp tùng Bộ trưởng Ngoại giao, thì lý giải: “Việc Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại với các nước và khu vực trên thế giới tạo lợi thế để thu hút FDI, bên cạnh các yếu tố khác như công nhân giá rẻ...”.

Đại sứ Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam Manopchai Vongphakdi hồi tháng 5 cho biết, đã có gần 2.000 doanh nghiệp Thái Lan hiện bày tỏ ý định đầu tư vào Việt Nam. Ông Tussin tiết lộ thêm, hiện nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Thái đã đi học tiếng Việt để xúc tiến thương mại vào Việt Nam. Bản thân ông Tussin cũng nói thạo tiếng Việt, có vợ là người Việt Nam.

Ông Sanan Angubolkul cho biết, mặc dù thị trường “người tình thế giới” rất hấp dẫn, nhưng để có thể thu hút thêm nhiều dự án đầu tư từ Thái Lan, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện chất lượng kết cấu hạ tầng, hệ thống vận chuyển (logistics), nguồn nhân lực. Đó là điều rất quan trọng với các nhà đầu tư.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/151057/cuoc-do-bo-cua-nguoi-thai.html/