Cuộc đời bóng ma của cô gái bị ép tiếp ba người một đêm ở Hong Kong

Jean không biết trả hết nợ trong bao lâu, chỉ biết công việc đó đã hủy hoại mình khi phải tiếp "ba khách một tối" trong quán bar Hong Kong, nơi cô được thuê trên giấy tờ là "người giúp việc".

Vào những tối khá khẩm, Jean kiếm được 4.000 đôla Hong Kong (515 USD) cho "mamasan" - bà chủ chứa quản lý cô và 12 gái điếm nữa trong quán. Còn những tối vắng khách, bà chủ sẽ đánh đập hoặc ép cô dùng ma túy liều cao cùng "johns" - từ lóng chỉ khách hàng, làm họ vui vẻ, theo SCMP.

"Cuộc sống ở đó như địa ngục, tôi vật vờ như một bóng ma", cô gái Philippines nhớ lại. "Khách hàng hỏi mua cocain, ma túy đá, cần sa, mọi thứ họ muốn. Họ sẽ ép tôi phải hít cùng. Chúng tôi kiếm được rất nhiều tiền bằng việc sử dụng ma túy cùng khách".

Jean, một cô gái Phillipines bị lừa gạt tới Hong Kong bán dâm. Ảnh: SCMP

Cuộc sống ở Hong Kong khác xa so với cuộc sống tốt đẹp và thoải mái làm phục vụ trong nhà hàng mà Jean được hứa hẹn, khi công ty môi giới lao động tới nhà dụ dỗ cô năm 2014. Lúc đó, Jean là mẹ đơn thân, đang nuôi con gái 4 tuổi mà không được gia đình hỗ trợ, đành tuyệt vọng nhận lời tới Hong Kong.

Jean đến Hong Kong bằng visa du lịch. Công ty môi giới đưa cô sang nói rằng Jean mắc nợ một khoản lớn, gồm tiền vé, visa và sinh hoạt phí. Để trả nợ, cô phải đi làm gái.

"Việc trả nợ giống như tra tấn", cô nói. "Nhưng chúng không quan tâm, không cần biết khách hàng đối xử tệ bạc với chúng tôi như thế nào".

Trường hợp của Jean không phải cá biệt. Năm ngoái, Hong Hong bị xếp vào danh sách theo dõi của Bộ Ngoại giao Mỹ về tình trạng buôn bán người toàn cầu, sau Triều Tiên.

Bộ Ngoại giao Mỹ báo cáo, kẻ buôn bán người thường dụ dỗ những phụ nữ dễ bị tổn thương ở Philippines và Thái Lan đến Hong Kong, kèm lời hứa tạo công ăn việc làm. Khi tới nơi, chúng tịch thu hộ chiếu và ép họ bán dâm với lý do trả nợ.

Cùng thời gian với báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra, phiên tòa xét xử Rurik Jutting, nhân viên ngân hàng Anh tại Hong Kong, về tội giết hai người phụ nữ Indonesia mà Jutting gặp tại khu đèn đỏ Loan Tử, càng khiến dư luận quan tâm về tệ nạn mại dâm ở Hong Kong.

Nghi phạm Rurik Jutting trong vụ án sát hại hai phụ nữ Indonesia trong khu đèn đỏ Loan Tử. Ảnh: SCMP

Quán bar Jean làm việc không khác mấy với nơi Jutting gặp gỡ hai nạn nhân. Bên môi giới xin visa lao động giúp việc hai năm cho Jean, chủ hợp đồng là quán bar, nơi cô làm việc cùng phụ nữ nhiều quốc tịch khác.

"Ở đó nhiều người lắm, đếm không xuể", Jean nói. "Có người Colombia, Philippines, Indonesia, Thái Lan. Tôi bị lừa, các cô ấy cũng bị lừa, rồi bị ép bán dâm, hộ chiếu bị lấy mất".

Công ty môi giới không nói rõ Jean nợ bao nhiêu. Cô ước tính mình nợ khoảng 20.000 USD.

Giá qua đêm với một gái mại dâm khoảng 650 USD. Khoản này có thể hoặc không bao gồm ma túy. Trong đó, 515 USD sẽ về tay chủ quán hoặc mamasan, phần còn lại cho gái điếm. Tuy nhiên, đa số họ sẽ không được giữ lại khoản thu nhập này, mà bằng cách nào đó, nó sẽ về tay bên môi giới để "trả nợ".

"Tôi rất khổ sở khi nhớ lại chuyện này", Jean tâm sự.

Buôn bán người

Theo định nghĩa của Liên Hợp Quốc, buôn bán người là các hoạt động trái phép hoặc hợp pháp vận chuyển người từ nơi này sang nơi khác với mục đích cưỡng ép lao động hoặc bóc lột tình dục. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, lợi nhuận từ nạn buôn bán người ước tính khoảng 150 tỷ USD mỗi năm.

Nurul Qoiriah, trưởng đại diện văn phòng Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại Hong Kong cho biết, nạn nhân bị bóc lột tình dục "thường được tìm thấy trên đường phố, hoặc làm việc trong những cơ sở kinh doanh tình dục như câu lạc bộ thoát y vũ, nhà chứa, nơi sản xuất phim khiêu dâm, hộp đêm, quán bar, quán spa..."

"Nạn buôn bán tình dục ở Hong Kong là một hình thức tội phạm ngầm, thách thức người thực thi pháp luật trong việc xác định nạn nhân. Trong hầu hết tình huống, nạn nhân không thể trốn khỏi bọn buôn người", Qoiriah nhận định.

Jean cho biết quán bar cô làm trước đây có đồng sở hữu là một cảnh sát Hong Hong. Nó đã đóng cửa.

Một người bán dâm trả lời phỏng vấn ở Thái Tử, khu phía bắc bán đảo Cửu Long, Hong Kong. Ảnh: SCMP

Trong một động thái không liên quan đến vụ trên, Ủy ban Độc lập Chống tham nhũng Hong Kong (ICAC) ngày 25/1 đã bắt giữ 12 người, bao gồm ba cảnh sát, vì tình nghi tham nhũng trong một chiến dịch truy quét hai câu lạc bộ đêm.

ICAC cho biết những cảnh sát này có thể đã "nhận khoản hối lộ đáng kể bằng tiền mặt hoặc dưới nhiều hình thức khác từ nhà kinh doanh hộp đêm" để đổi lấy việc lén đưa tin về các chiến dịch của cảnh sát.

Theo Qoiriah, những kẻ buôn người có vô số cách ngăn chặn nạn nhân tìm kiếm giúp đỡ.

"Chúng có thể đe dọa giao nộp nạn nhân không có visa hợp lệ hoặc giấy phép lao động cho chính quyền, hoặc đe dọa nạn nhân rằng cảnh sát sẽ gây tổn thương họ nếu cố tìm cách xin giúp đỡ", Qoiriah nói.

"Tôi từng bị nhiều mamasan đánh. Họ quẳng tôi vào tường. Mamasan kiểm soát chúng tôi", Jean cho biết.

Theo Qoiriah, nạn nhân khó xác định vì họ thường phụ thuộc vào kẻ ngược đãi, sợ bị trục xuất hoặc bỏ tù, không biết mình có quyền gì cũng như không biết đến khái niệm buôn người; họ cũng cảm thấy sợ hãi và xấu hổ.

"Trừ phi đã trải qua việc này rồi, nếu không rất khó để hiểu nỗi đau đớn sợ hãi đó. Nó làm tê liệt con người", Marcela Santos, một người giúp đỡ Jean cho biết.

"Những phụ nữ này mắc hội chứng Stockholm", bà nói. "Họ hy vọng 'mamasan' sẽ đối xử tử tế với mình. Chủ chứa giống như mẹ họ, nhưng nắm kiểm soát tâm trí họ".

Santos giúp Jean trốn thoát. Bà mua vé máy bay về Philippines cho cô. Bà cũng gặp gỡ 8 phụ nữ Philippines khác, những người bị ép đi bán dâm thông qua nhiều mạng lưới buôn bán người. Đa số tới Hong Kong làm việc bằng thị thực giúp việc.

"Jean hoàn toàn không biết bên môi giới làm gì bởi mamasan lo việc xin visa. Đó là cách họ kiểm soát tình hình, đảm bảo nạn nhân không biết tí nào về xung quanh. Nạn nhân không có kỹ năng đặt câu hỏi, hoặc không có ý nghĩ sẽ thoát khỏi tình trạng này", bà nói.

Thủ đoạn

Liz, một cô gái làm việc ở quán bar khác Jean, được nhà tuyển dụng hứa hẹn cho làm phục vụ nhà hàng trước khi tới Hong Kong. Tuy nhiên, đặt chân tới nơi, nhà tuyển dụng và hai người đàn ông Philippines đã kèm chặt Liz để đảm bảo cô không gây rắc rối, cho tới khi Liz phát hiện công việc thật sự là gì.

Liz dùng visa du lịch. Cứ hai tuần một lần, cô phải ngồi xe khách đêm tới Trung Quốc đại lục rồi quay lại Hong Kong để tránh việc lưu trú quá hạn. Bên môi giới tạo một địa chỉ giả tại khách sạn cho Liz và những nạn nhân khác để trình hải quan. Liz phải trả tiền phòng khách sạn cho môi giới, cho dù cô không hề sử dụng.

Một nguồn tin cảnh sát cho biết các băng nhóm tội phạm có tổ chức thường đưa người nhập cư trái phép vào Hong Kong làm gái mại dâm.

Kat, một cô gái Philippines 23 tuổi, bán dâm trong một quán bar Hong Kong từ tháng 12 năm ngoái cho biết phải làm ba đến bốn tháng nữa để trả nợ.

"Tôi bị sốc. Có ba phụ nữ nữa ở quán bar cũng giống tôi. Lúc nào tôi cũng sống trong sợ hãi. Mỗi lần ra ngoài đi khách là mỗi lần mạo hiểm", bà mẹ đơn thân nói. "Tôi không còn lựa chọn".

Kat tiết lộ cô bị ép phải tham gia "tiệc tùng buông thả", nơi ma túy, thuốc kích thích sử dụng tràn lan.

Mamasan cho phép cô giữ lại tiền hoa hồng từ đồ uống bán cho khách trong quán bar. Một ly thức uống bình thường trong quán bar Hong Kong giá khoảng 13 USD. Chủ quán sẽ giữ một nửa, nửa còn lại là tiền hoa hồng cho gái điếm. Họ phải ngồi cùng khách suốt buổi, còn khách hàng có thể sờ mó họ bất cứ khi nào mình muốn.

Bằng cách này, hồi tháng một, Kat đã gửi 645 USD về Philippines cho con gái nhỏ và mẹ đang ốm.

Pháp luật

"Mỗi lần nghĩ về những phụ nữ đang làm việc trong quán bar, lòng tôi nặng trĩu", bà Santos nói. "Tôi nghĩ về cảnh đen tối, sự cô đơn, nỗi đau ngoài việc khách hàng, mamasan và chủ quán lạm dụng thể chất mà họ phải chịu đựng. Tôi nhớ tới một cô gái từng nói rằng phải cố xóa đi nỗi xấu hổ và ghê tởm bằng cách cầu nguyện hàng đêm. Làm thế nào để giúp cô ấy đây?"

Cục An ninh Hong Kong cho biết luật pháp địa phương không có điều luật chuyên về phòng chống nạn buôn người nhưng có luật hình sự cho tội buôn bán người và hình phạt từ 10 năm tới tù chung thân.

Sandy Wong, chủ tịch Ủy ban chống buôn bán người, thuộc Liên đoàn Nữ Luật sư Hong Kong, cho biết:

"Chúng tôi không có luật cụ thể về buôn bán lao động. Vì thế, trước mắt, có thể cần cải cách luật. Tuy nhiên đây không chỉ là vấn đề tăng cường nhận thức của chính phủ mà còn cả của cộng đồng để làm luật chặt chẽ hơn", bà nói.

Một cuộc biểu tình của người hành nghề mại dâm tại Loan Tử. Ảnh: SCMP

Năm ngoái, cảnh sát Hong Kong và Sở Di trú đã đưa ra cơ chế sàng lọc và xác định nạn nhân tiềm năng của nạn buôn bán người. Danh sách nạn nhân dễ bị tổn thương được mở rộng tới người bán dâm, người lao động bất hợp pháp, người nhập cư trái phép. Hơn 1.000 cán bộ thực thi pháp luật, công tố viên, Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội đã được đào tạo về nạn buôn bán người năm ngoái.

Một tổ chức phi chính phủ (NGO) ở Hong Kong ước tính hiện có khoảng 20.000 người hành nghề mại dâm tại đây.

Tuy nhiên, Ann Lee, phát ngôn viên của Zi Teng, một tổ chức hỗ trợ người hành nghề mại dâm, cho biết con số có thể lên tới 500.000 phụ nữ. Họ hành nghề bằng nhiều phương thức như làm nhân viên tiệm mát xa, tiệm spa, gái gọi hoặc bán dâm tự do. Cô cho biết, cứ 50 người thì có một người dưới 18 tuổi.

"Chúng ta cần xét đến quy luật cung cầu", chủ tịch Wong nói. "Mặc dù cảnh sát đã nỗ lực truy quét các cơ sở mại dâm, nhưng nhiều nơi vẫn công khai hoạt động. Nếu chúng ta không chấm dứt được nhu cầu, sẽ luôn có kẻ sẵn sàng dùng trăm phương nghìn kế tạo nguồn cung. Việc phạt người mua dâm ở Thụy Điển là biện pháp hiệu quả, nên được noi theo".

Thụy Điển đã hình sự hóa pháp luật mại dâm, thiên về trừng phạt người mua dâm hơn là người bán dâm. Luật pháp nước này cũng hỗ trợ phụ nữ muốn từ bỏ nghề bán dâm.

Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng trừng phạt khách hàng càng làm người bán dâm dễ bị tổn thương.

"Nếu phạt khách hàng, họ sẽ không trả tiền mua dâm. Ngành công nghiệp này sẽ đổi xuống hoạt động ngầm và càng khó cho các nhân viên xã hội tiếp xúc với người bán dâm", Lee nhận định.

Mở rộng nguồn cung

Các băng nhóm tội phạm có tổ chức cũng lừa gạt và cưỡng ép phụ nữ châu Phi tới Hong Kong và Trung Quốc đại lục bán dâm. Năm 2013, Esthner, một cô gái Tazania, tới Thẩm Quyến bằng visa du lịch rồi bị cưỡng ép quan hệ tình dục với nhiều người đàn ông mỗi ngày trong ba tháng để trả nợ. Cô cũng tới Hong Kong, lang thang trên đường phố cả đêm để tìm khách.

Su, một bà mẹ đơn thân, có hai con trai, cũng tới từ châu Phi. Cô hy vọng tìm được việc làm trong khách sạn và phát hiện "chẳng có việc nào cả, chỉ có việc bán dâm". Su bị lấy hộ chiếu, mắc kẹt ở Hong Kong, "không biết đi đâu, không xu dính túi". Cô cho biết đã kiếm ít nhất 40.000 USD trong 4 tháng cho kẻ đưa cô tới Hong Kong.

Một tổ chức NGO khác đã giúp đỡ 200 phụ nữ Nepal bị ép tới Hong Kong bán dâm kể từ năm 1996. Nạn nhân sống tại Chungking Mansions, khu ổ chuột giá rẻ nhất Hong Kong.

Các loại bao cao su, đồ chơi tình dục, bày trong văn phòng của Zi Teng, một tổ chức hỗ trợ người bán dâm tại Hong Kong. Ảnh: SCMP

Trở lại với Jean, bà mẹ đơn thân 25 tuổi. Cô đã quay lại Manila, đang hồi phục sau chấn thương tâm lý và cai nghiện ma túy. Bà Santos đã tới Philippines thăm Jean, giúp cô tìm việc.

"Con gái là niềm sống của tôi. Tôi đang học để tốt nghiệp cấp ba", Jean nói. "Tôi không biết sẽ kiếm được việc gì. Tôi muốn sống cuộc đời của người bình thường, sống ngẩng cao đầu".

Theo Hồng Hạnh/Vnexpress

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/cuoc-doi-bong-ma-cua-co-gai-bi-ep-tiep-ba-nguoi-mot-dem-o-hong-kong-141204/