Cuộc đối thoại bất thành

(PL&XH) - Một bà lão tuổi gần 70, quê ở huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa cũng đến Cty COLECTO "đòi con". Bà lão tên Hường, hiện có ba người con đang làm việc tại Cty OLEN TEXTIL.

Như báo PL&XH đã có bài phản ánh, cuối tháng 10-2011, thân nhân các gia đình có con em đi xuất khẩu lao động tại Liên bang Nga (LB Nga) đã đồng loạt kéo đến trụ sở của Cty Xuất khẩu lao động và Thương mại du lịch (tên giao dịch là COLECTO), thuộc Hội Nông dân Việt Nam. Cty này là đơn vị đã đưa người đi xuất khẩu lao động tai LB Nga. Họ đến Cty với mục đích "đòi người".

Một số thân nhân người lao động muốn sự việc nhanh chóng được giải quyết.

Thân nhân người lao động mong ngóng con em từng ngày…

Ngày 31-10-2011, trước ý kiến của thân nhân các gia đình có con em đang làm việc tại Cty OLEN TEXTIL, thuộc TP Ryazank, LB Nga có nguyện vọng muốn đưa con em mình về nước, đại diện Cty COLECTO đã tiếp nhận và hẹn tất cả thân nhân của những người này vào một buổi làm việc khác và sẽ cùng phối hợp, đưa ra phương án giải quyết cụ thể. Liên tục trong các ngày, từ 7-11 đến 12-11, thân nhân của người lao động các tỉnh thành: Hải Phòng, Thanh Hóa, Hưng Yên, Phú Thọ, Thái Bình… đã kéo đến Cty COLECTO "đòi người". Nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi đã diễn ra nhưng chưa tìm được một phương án cụ thể, tối ưu, được tất cả các bên đồng tình.

Theo quan điểm của tập thể thân nhân người lao động: "Việc cần thiết nhất là Cty COLECTO và Cty OLEN TEXTIL phải có trách nhiệm phối hợp đưa con em chúng tôi về. Con em chúng tôi làm việc bên ấy đồng lương còn chẳng đủ sống, huống chi đến việc gửi tiền về nhà. Khi mà hợp đồng lao động không đúng với thực tế thì việc phá vỡ hợp đồng là đương nhiên". Trước phương án được Cty COLECTO đưa ra đó là các gia đình phải hỗ trợ đóng góp một phần kinh phí để đưa người lao động về nước, ông Đặng Minh Tuyết, quê huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình bức xúc: "Chúng tôi không "bán" con nên vì lẽ gì mà phải đi "chuộc"? Bây giờ gia đình chúng tôi cạn kiệt về kinh tế rồi, lấy đâu ra tiền mà "chuộc" con về? Con chúng tôi đi xuất khẩu lao động với mong ước đổi đời, nhưng viễn cảnh ấy đã không xảy ra, chẳng lẽ đến khi về nước phải gánh một khoản nợ khổng lồ, đến bao giờ trả nổi?"

Một bà lão tuổi gần 70, quê ở huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa cũng đến Cty COLECTO "đòi con". Bà lão tên Hường, hiện có ba người con đang làm việc tại Cty OLEN TEXTIL. Để cho các con có tấm vé xuất ngoại, gia đình bà đã phải đi vay lãi hơn 60 triệu đồng. Khi biết các con làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, đồng lương ít ỏi, không giống trong hợp đồng, liên tục phải tăng ca, tăng giờ… bà Hường xót con lắm, nhưng cũng chẳng biết làm thế nào. Để có tiền đóng lãi, bà Hường đã phải lên Hà Nội và may mắn xin được giúp việc cho một gia đình, hàng tháng với số tiền ít ỏi, bà lại gom góp gửi về đóng lãi. Nói chuyện với PV Đường dây nóng 098811123, báo PL&XH, nước mắt bà chảy dài trên hai gò má với ước vọng các con mau chóng được trở về.

Cuộc đối thoại bất thành

Cho đến chiều ngày 12-11, việc thống nhất phương án đưa người lao động về nước vẫn chưa được các bên thông qua. Theo phương án của tất cả thân nhân người đi xuất khẩu lao động trình bày, họ muốn con em mình trở về một cách bình an, kinh phí để đưa con em họ về là phía đơn vị đưa người đi lao động và đơn vị sử dụng lao động phải chi trả, bởi vì các gia đình đã hết khả năng để lo một phần kinh phí.

Phía Cty COLECTO chưa chấp nhận phương án đó và hẹn thân nhân người lao động ngày 14-11 đến giải quyết tiếp. Các gia đình chỉ có nguyện vọng duy nhất: "Muốn Cty COLECTO giải quyết sự việc một cách nhanh chóng, triệt để, để gia đình chúng tôi không phải đi lại vất vả và để ổn định lại cuộc sống".

Minh Sơn

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20111116094554282p1005c1027/cuoc-doi-thoai-bat-thanh.htm