Cuộc đua vào Quốc hội Séc

ND - Hôm nay, 28-5, cử tri Séc bắt đầu đi bỏ phiếu trong cuộc bầu QH trước thời hạn, diễn ra trong hai ngày, nhằm lựa chọn 200 nghị sĩ Hạ viện, nhiệm kỳ bốn năm tới. Theo kết quả thăm dò dư luận, nhiều khả năng Đảng Dân chủ xã hội (CSSD) trung tả sẽ dẫn đầu trong cuộc bầu cử QH lần này và Đảng Cộng sản (KSCM) sẽ có ghế trong chính phủ mới.

Cuộc bầu cử diễn ra sau khi Chính phủ liên minh ba đảng của Thủ tướng CH Séc M.Tô-pô-la-nếch sụp đổ (tháng 3-2009) do không vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện. Chính phủ bị chỉ trích quản lý kinh tế yếu kém và sai lầm trong cải cách, trong đó có cải cách thuế thu nhập, hệ thống y tế và cắt giảm ngân sách và đây là lần đầu tiên một chính phủ đương nhiệm bị sụp đổ, kể từ khi CH Séc tách khỏi Tiệp Khắc năm 1993. Việc toàn bộ thành viên Chính phủ của Thủ tướng Tô-pô-la-nếch buộc phải ra đi vào thời điểm nhạy cảm, khi Séc đang đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên Liên hiệp châu Âu (EU) đã đặt ra những thách thức lớn với chính phủ lâm thời, do Thủ tướng G.Phi-sơ đứng đầu. Trong khi đó, Séc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, với tăng trưởng kinh tế giảm khoảng 4% đến 5% GDP và tỷ lệ thất nghiệp lên tới 10% trong năm 2009. Chính phủ của Thủ tướng Phi-sơ từng tuyên bố sẽ từ chức nếu QH Séc không thông qua kế hoạch "thắt lưng buộc bụng", gồm tăng thuế và cắt giảm chi tiêu nhằm giảm thâm hụt ngân sách hiện ở mức 7,5% GDP, xuống còn 5,2% GDP vào năm tới. Chính phủ dự kiến tăng các khoản thu về thuế thêm 50 tỷ cua-ron (2,92 triệu USD) và cắt giảm chi tiêu khoảng 25 tỷ cua-ron (1,46 triệu USD). Theo các chuyên gia kinh tế, trong năm 2010, kinh tế Séc có những tín hiệu khả quan hơn và có thể đạt mức tăng trưởng khoảng 1% đến 2%. Sản xuất công nghiệp được kỳ vọng tăng trưởng trở lại, sau khi suy giảm tới 13% năm 2009. Tuy nhiên mức tăng trưởng kinh tế của Séc có thể bị giảm khoảng 0,8% GDP, do gói siết chặt ngân sách của chính phủ. Ngay trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử, chính trường Séc có nhiều xáo trộn, khi Chủ tịch Hạ viện Séc M.Vơ-lơ-sếch thuộc đảng CSSD tuyên bố từ chức và từ bỏ sự nghiệp chính trị do bị cáo buộc lợi dụng chức quyền dung túng một cộng sự gần gũi sử dụng trái phép 25 triệu cua-ron (khoảng một triệu ơ-rô) để xây dựng khách sạn thay cho kế hoạch xây dựng tổ hợp thể thao. Vụ bê bối liên quan Chủ tịch Hạ viện Vơ-lơ-sếch đã gây tác hại đến uy tín của CSSD đối với cử tri Séc và dự báo ảnh hưởng lớn đến sự ủng hộ đối với CSSD tại cuộc bầu cử QH lần này. Đảng Dân chủ Công dân (ODS) cũng mất điểm ngay trước thềm bầu cử, do hàng loạt nhân vật quan trọng của ODS bị bắt giữ hồi tháng 2 vừa qua, do bị cáo buộc nhận hối lộ bốn triệu cua-ron. Vấn đề người nước ngoài là chủ đề tranh cử chính của các chính đảng trong cuộc bầu cử QH Séc lần này. CSSD cam kết sẽ sửa đổi một số điểm trong chính sách ngoại kiều, thiết lập một cơ quan nhập cư thống nhất và khẳng định sẽ ưu tiên cho những người di cư đến từ các nước Đông và Nam Âu. Trong khi đó, ODS cho rằng không nên thành lập các cơ quan chức năng mới quản lý người lao động nước ngoài, mà cần tập trung chuyển đổi quyền lực của các cơ quan chức năng hiện hành. KSCM cam kết sẽ bảo đảm điều kiện công bằng cho những người nước ngoài trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp tại Séc tăng cao. Đảng TOP 09 muốn xóa bỏ vai trò trung gian của các văn phòng dịch vụ cho những người nước ngoài. Liên hiệp Đảng Dân chủ và Cơ đốc giáo - Đảng Nhân dân Tiệp Khắc (KDU-CSL) cam kết bảo đảm cho người đạo Hồi có công ăn việc làm và hòa nhập xã hội Séc. Đảng Những vấn đề Công cộng muốn hạn chế số lượng tội phạm hình sự. Đảng Xanh đề nghị đào tạo không mất phí cho người nước ngoài và hứa sẽ thiết lập một hệ thống cấp phép cư trú linh hoạt hơn giúp giảm thiểu số lượng người lao động trái phép. Còn Đảng Liên minh dự kiến sẽ có chính sách nghiêm ngặt hơn đối với người nước ngoài, đồng thời không muốn để EU quyết định chính sách di cư... Theo kết quả cuộc điều tra dư luận do Trung tâm thăm dò STEM tiến hành ngày 17-5, CSSD có thể dẫn đầu trong cuộc chạy đua vào QH Séc với 33,2% số phiếu; ODS được khoảng 23%; KSCM 12,7% và TOP 09 với 10% số phiếu ủng hộ của cử tri. Nhiều cuộc thăm dò dư luận ngay trước bầu cử cho thấy, cánh tả có thể tập hợp được khoảng 92 đến 103 ghế QH mới của Séc nếu tiến hành liên minh. Tuy nhiên, hiện có nhiều kịch bản về liên minh giữa các chính đảng sau khi có kết quả bầu cử chính thức. Dư luận đánh giá, đảng Cộng sản Séc sẽ có ghế trong chính phủ mới sau gần 20 năm, nếu liên minh với CSSD.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=175624&sub=135&top=45