Cuộc gặp ngẫu hứng khiến Trump chọn trùm dầu khí làm ngoại trưởng Mỹ

Khi không thật sự hài lòng với ứng viên ngoại trưởng nào, cuộc gặp với cựu bộ trưởng quốc phòng đã khiến ông Trump đưa ra một quyết định bất ngờ.

Cựu bộ trưởng quốc phòngRobert M. Gates. Ảnh:AP

Ngày 2/12, Donald Trump ngồi trong văn phòng tại tháp Trump, đối mặt với sự lựa chọn quan trọng nhất trong quá trình xây dựng nội các mới. Sự do dự của ông làm dấy lên cuộc chiến giữa các trợ lý hàng đầu.

Một số người ủng hộ Mitt Romney, người từng chỉ trích ông Trump nặng nề trong chiến dịch tranh cử. Nhiều người khác thì ủng hộ thân tín trung thành Rudolph Giuliani hay thượng nghị sĩ Bob Corker hoặc tướng nghỉ hưu David Petraeus. Ông Trump, người ghét bị tạo áp lực khi ra quyết định quan trọng, nói rằng ông cần thêm thời gian. Ông dường như có nghi ngại với tất cả ứng viên này.

Hôm đó, ông Trump tiếp một vị khách là cựu giám đốc Cục Tình báo Trung ương (CIA) và cựu bộ trưởng quốc phòng Robert M. Gates. Ông Trump hỏi ông Gates ý kiến về các ứng viên. Sau khi Gates chia sẻ suy nghĩ, có vẻ như ông Trump đã "tìm được lối ra", một nguồn tin thân cận nói.

Ông Trump hỏi ông Gates liệu còn người nào khác để cân nhắc cho vị trí ngoại trưởng không.

"Tôi đề cử Rex", ông Gates nói, đề cập đến Rex Tillerson, giám đốc điều hành tập đoàn dầu khí ExxonMobil. Ông Gates cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng ông vốn không đến gặp ông Trump với ý định khuyên tổng thống đắc cử chọn Tillerson. Thực tế, cuộc gặp giữa hai người khá ngẫu hứng. Một ngày trước đó, Gates gặp người được ông Trump chọn làm Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn và ông Flynn đã gợi ý ông Gates gặp tổng thống đắc cử vào hôm sau.

Ngoài ra, vài ngày trước đó, cựu ngoại trưởng Condoleezza Rice cũng đề xuất Tillerson với Phó tổng thống đắc cử Mike Pence. Rice và Gates, người cùng điều hành một công ty tư vấn có quan hệ đối tác với ExxonMobil, đã cùng nhau kết luận rằng Tillerson có thể cung cấp cho ông Trump làn gió mới.

Ông Trump "có vẻ thích thú", ông Gates nói. "Ông chưa từng nghĩ đến phương án đó".

Kết quả là một quyết định bất ngờ, ông Trump đã chọn trùm dầu khí cho vị trí ngoại giao hàng đầu đất nước. Điều đó phản ánh cách suy nghĩ của tổng thống đắc cử chưa từng làm việc trong chính phủ - ông đang áp dụng phong cách không chính thống để ra những quyết định có thể định hình thế giới.

Ứng viên sáng giá đứt gánh

Trước cuộc gặp của tổng thống đắc cử với cựu bộ trưởng quốc phòng Gates, cựu thị trưởng New York Rudolph Giuliani là ứng viên sáng giá nhất, theo sau ông là Mitt Rommey.

Giuliani là người hậu thuẫn trung thành trong chiến dịch tranh cử của ông Trump và được nhiều đồng minh của tỷ phú ủng hộ. Tuy nhiên, ông Trump ngày càng lo ngại rằng ông Giuliani, 72 tuổi, không phù hợp với công việc. Ông Trump tâm sự với bạn bè rằng ông Giuliani đã qua thời hoàng kim và có thể không đủ thể lực và tinh thần kỷ luật để đi lại toàn cầu và đàm phán các vấn đề tế nhị.

Không chỉ vậy, ban chuyển giao quyền lực của ông Trump còn lo lắng về cái tôi quá lớn của ông Giuliani. Một nguồn tin thân cận nói rằng cựu thị trưởng từ chối xem xét vị trí ở Bộ An ninh Nội địa hay Bộ Tư pháp mà chỉ khăng khăng muốn vào Bộ Ngoại giao.

"Ông ấy đã đi quá xa", nguồn tin nói. "Ông ấy trở thành một ngôi sao. Ông Trump không thích nhiều hơn một ngôi sao. Khi anh ra tối hậu thư rằng 'tôi chỉ muốn đúng vị trí đó' thì nó chỉ phản tác dụng".

Vào ngày lễ Tạ ơn, khi ông Trump đi nghỉ với gia tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago ở Palm Beach, Florida, ông tập trung cân nhắc về Mitt Romney. Ông Romney đã chỉ trích gay gắt ông Trump trong hành trình tranh cử, thậm chí còn gọi tỷ phú là "kẻ lừa đảo".

Ông Trump thích ý tưởng hòa giải với "cựu thù", nhưng các trợ lý và những người ủng hộ thì không thích viễn cảnh giao một công việc lớn như vậy cho Romney.

Theo Washington Post, trở ngại thứ hai là Romney và Trump có cách nhìn khác biệt về Nga. Ông Romney đã gọi Nga là kẻ thù địa chính trị hàng đầu của Mỹ, trong khi ông Trump nói ông muốn có quan hệ chặt chẽ với Moscow. Ông Romney biết ông có quan điểm mâu thuẫn với ông Trump nhưng hy vọng việc đó cung cấp sự cân bằng trong chính quyền, người thân cận với Romney cho biết.

"Có sự khác biệt trong quan điểm, và tôi tin rằng đó là mối lo ngại với cả hai", cựu thống đốc Utah Mike Leavitt nói.

Rex Tillerson, người được ông Trump đề cử làm ngoại trưởng Mỹ. Ảnh:Reuters

Vì vậy, sau cuộc gặp với ông Gates ngày 2/12, ông Trump đã dồn sự chú ý cho Tillerson. Washington Post nói rằng ông Trump không quen trùm dầu khí từ trước. Ông mời ông Tillerson đến tháp Trump, hai người gặp nhau hai lần vào ngày 6/12 và 10/12. Ngày 13/12, ông Trump xác nhận đề cử ông Tillerson vào vị trí ngoại trưởng.

Ông Gates quen biết ông Tillerson thông qua công việc tại một tổ chức cho thanh thiếu niên. Sau đó, họ có mối quan hệ làm việc khi Exxon Mobil trở thành khách hàng của RiceHadleyGates, công ty tư vấn quốc tế của cựu bộ trưởng quốc phòng.

Ngay từ khi có thông tin rò rỉ rằng Tillerson nhiều khả năng được chọn làm ngoại trưởng, các nhà phê bình đã ngay lập tức chỉ ra ông có quan hệ gần gũi với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã làm việc với Exxon Mobil về giao dịch năng lượng. Ông Tillerson còn được Điện Kremlin trao Huân chương Hữu nghị năm 2013.

Tuy nhiên, ông Gates nói rằng kinh nghiệm của ông Tillerson trong việc kinh doanh tại những nơi khó khăn trên thế giới là một tài sản giá trị.

"Sẽ là sai lầm khi nhầm lẫn giữa một mối quan hệ thân thiện với tình bạn. Rex là người thực tế, cứng rắn" hiểu rõ ông Putin cũng như quan điểm và động cơ của ông ấy, ông Gates nói.

VnExpress

Rex Tillerson, người được ông Trump đề cử làm ngoại trưởng Mỹ. Ảnh:Reuters

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/quoc-te/cuoc-gap-ngau-hung-khien-trump-chon-trum-dau-khi-lam-ngoai-truong-my-30851.html