Cuộc họp sau SEA Games: VFF đổ lỗi tại Hữu Thắng

Lãnh đạo VFF đã đổ lỗi thất bại của U22 Việt Nam tại SEA Games là do BHL và HLV Hữu Thắng.

Chiều tối 12/9, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã có cuộc họp mặt với truyền thông về các vấn đề hậu SEA Games 29.

Cuộc họp có mặt của Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh, Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn Trần Quốc Tuấn, Trưởng ban HLV quốc gia Nguyễn Sĩ Hiển và HLV ĐT nữ QG Mai Đức Chung.

Nhận định về sai sót dẫn tới việc U22 Việt Nam bị loại ở SEA Games 29, cả ông Hoài Anh, Quốc Tuấn và HLV Sĩ Hiển đều thống nhất chung với quan điểm trách nhiệm về thất bại này thuộc về BHL và HLV Hữu Thắng

"Sai sót dẫn tới thất bại là vì vấn đề phân phối lực lượng không chuẩn cũng như nhiều thời điểm làm tâm lý cho cầu thủ không tốt, dẫn tới sai lầm cá nhân. Trách nhiệm ấy thuộc về BHL và HLV Nguyễn Hữu Thắng", đại diện lãnh đạo VFF cho biết.

Cũng theo VFF chia sẻ, nhiều người trong đó có ông Lê Hoài Anh cũng ở bên cạnh, thường xuyên góp ý với HLV Hữu Thắng về các vấn đề lực lượng, tâm lý, đặc biệt khi đội hình chính - phụ không chênh lệch trình độ nhiều. Tuy nhiên, có vẻ như những lời góp ý này không tác động được tới HLV Hữu Thắng.

VFF có cuộc họp báo chí mổ xẻ thất bại tại SEA Games 29.

Sau thất bại tại SEA Games, NHM bóng đá nước nhà mong lãnh đạo VFF lên tiếng nhận trách nhiệm, đồng thời theo như bầu Đức từng nói là "Lãnh đạo VFF cần phải nghỉ hết để người có năng lực lên thay".

Nhưng theo kết quả cuộc họp này, chưa một vị lãnh đạo nào của Liên đoàn đứng ra nhận trách nhiệm và xin từ chức (ngoài bầu Đức). Không những thế, sai lầm của U22 Việt Nam lại đổ hết lên đầu HLV Hữu Thắng.

Thậm chí một vị lãnh đạo VFF còn cho rằng chiến lược gia xứ Nghệ này nhận lỗi với mong muốn rút kinh nghiệm để tiếp tục hành nghề sau này.

Nhưng nhìn lại, liệu bóng đá Việt Nam không thành công ở các giải đấu lớn, nhất là SEA Games có phải đơn thuần là lỗi của HLV hay không?. VFF đã thay thế rất nhiều HLV cho tuyển Việt Nam, từ thời HLV Calisto rời ghế sau khi AFF Cup 2010 không thành công, rồi đến HLV Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc, Miura, Hữu Thắng, nhưng bóng đá Việt Nam cũng chẳng khá hơn là bao.

Cần phải nhắc lại, VFF đóng vai trò rất lớn trong quá trình tập huấn của U22 Việt Nam. Công tác tập huấn, địa điểm hay đối tượng đều được VFF sắp đặt. Tuy nhiên, nhìn nhận lại cả quá trình mới thấy chất lượng của quá trình tập huấn vẫn là dấu hỏi đầy nhức nhối.

Đầu năm 2017, U22 Việt Nam bỗng dưng được tập trung để thi đấu giao hữu với U22 Malaysia. Đáng nói, đợt tập trung này không nằm trong quãng thời gian của FIFA hay bất cứ giải đấu nào khác. Gom quân rồi đá một trận xong trả về.

“Quân xanh” U22 Malaysia tưởng chừng là đối thủ ngang cơ nhưng các vị khách tỏ ra quá yếu nên chiến thắng 3-0 chỉ khiến cho người hâm mộ thêm phần ảo tưởng về sức mạnh của đội nhà.

Sau khi kết thúc vòng loại U23 châu Á, VFF có cả một chiến lược hẳn hoi với đối tác chính là Hàn Quốc. U22 Việt Nam được thi đấu với Tuyển các ngôi sao K-League rồi tập huấn ở xứ Kim chi theo dạng đài thọ của phía bạn.

Câu chuyện “quân xanh” luôn là yếu điểm của bóng đá Việt Nam. Thông thường trước các giải đấu lớn ở khu vực, ĐTQG hay U23 Việt Nam đều có những trận giao hữu song đối thủ lại quá yếu hoặc không thi đấu hết sức. Vô hình trung, điều này khiến các đội bóng bị rơi vào vòng xoáy ảo tưởng và có những tính toán sai lầm khi bước vào giải đấu chính thức.

Vũ Quang

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-thao/ben-le-tran-dau/cuoc-hop-sau-sea-games-vff-do-loi-tai-huu-thang-3342955/