Cuộc khẩu chiến bất thường

Vấn đề hạt nhân I-ran vốn đã phức tạp nay lại càng diễn biến khó lường. Không chỉ Oa-sinh-tơn đang gây sức ép mạnh mẽ để có một gói trừng phạt thứ 4 của HĐBA LHQ đối với I-ran, mà ngay cả Nga cũng đã buộc phải "lên tiếng" trước thái độ cứng rắn của Tê-hê-ran.

Đúng như dự tính, thỏa thuận ba bên I-ran vừa ký với Thổ Nhĩ Kỳ và Bra-xin về trao đổi nhiên liệu hạt nhân không làm thỏa mãn Oa-sinh-tơn cũng như các nước đang gây sức ép với I-ran về chương trình hạt nhân. Thỏa thuận ba bên nói trên được coi là chưa đủ sức nặng để tạo niềm tin. Các cường quốc đã nhất trí một dự thảo về gói trừng phạt thứ 4 mà Mỹ đề xuất để trình HĐBA LHQ. Oa-sinh-tơn cho biết, cả Nga và Trung Quốc cũng tán thành. Vậy nhưng Tổng thống I-ran A-ma-đi-nê-giát vẫn cứng rắn cảnh báo Tê-hê-ran sẽ không đàm phán với các cường quốc nữa nếu những nước này từ chối thỏa thuận ba bên. Đồng thời ông A-ma-đi-nê-giát nhấn mạnh Mỹ sẽ “mất cơ hội lịch sử để cải thiện mối quan hệ với Tê-hê-ran” nếu bác bỏ thỏa thuận. Thái độ cứng rắn này đã khiến Nga, quốc gia mà I-ran vẫn coi là bức bình phong lớn cho mình trước các lệnh trừng phạt quốc tế, cũng phải lần đầu lên tiếng tỏ thái độ nghiêm khắc. Ngoại trưởng Nga Xéc-gây La-vrốp (Sergei Lavrov) tuyên bố việc Tê-hê-ran kiên quyết giữ nguyên lập trường của mình trong vấn đề hạt nhân sẽ gây ra “những hậu quả hết sức nghiêm trọng”. Đáp lại, Tổng thống A-ma-đi-nê-giát cũng lên án việc Nga ủng hộ Mỹ về dự thảo gói trừng phạt mới với lời lẽ gay gắt chưa từng có. Ông cho rằng sự ủng hộ này của Nga là trái với mối quan hệ láng giềng và hữu nghị giữa hai nước. Tổng thống I-ran trách móc Krem-lin và cảnh báo Tổng thống Nga Mét-vê-đép nên thận trọng hơn. Ông khẳng định, sự ủng hộ của Nga đối với Mỹ là không thể chấp nhận được và rằng Mát-xcơ-va nên xem xét lại quyết định của mình hoặc đối mặt với việc bị Tê-hê-ran coi như kẻ thù. Ông Xéc-gây Pri-khốt-cô (Sergei Prikhodko), Cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của Điện Krem-lin đã bác bỏ những lời công kích này và nhấn mạnh Nga không ngả về phía Mỹ cũng chẳng thiên vị I-ran. Ông Pri-khốt-cô nói: “Bất kỳ chủ nghĩa cực đoan chính trị khó đoán nào, hay sự thiếu minh bạch hoặc không thống nhất trong việc đưa ra các quyết định có ảnh hưởng và gây quan ngại tới toàn bộ cộng đồng thế giới đều không thể chấp nhận được đối với chúng tôi”. Đây có thể coi là cuộc khẩu chiến bất thường giữa Mát-xcơ-va và Tê-hê-ran bởi trong nhiều năm qua, Nga vẫn luôn ủng hộ giải pháp thương lượng ngoại giao để giải quyết vấn đề hạt nhân I-ran. Tuy nhiên, hẳn Nga cũng không hài lòng khi những nỗ lực thuyết phục Tê-hê-ran công bố chi tiết và đầy đủ về chương trình hạt nhân của mình đến nay vẫn bất thành. Giải quyết dứt điểm vấn đề hạt nhân I-ran cũng là mục tiêu của Mát-xcơ-va, vậy nhưng trên thực tế nó luôn rơi vào bế tắc khiến Nga lắm phen phải “đau đầu”. Vì vậy, quyết định tỏ thái độ cứng rắn với Tê-hê-ran lần này, Nga hy vọng sẽ gia tăng áp lực lên I-ran để có được sự nhượng bộ của quốc gia Hồi giáo này. Nếu thành công, nó sẽ giúp Nga tránh được rơi vào tình huống “khó xử" khi quan hệ giữa Mát-xcơ-va và Oa-sinh-tơn đang ngày càng được cải thiện. Việc đánh giá mức độ tổn hại quan hệ giữa Nga và I-ran vào lúc này có thể là hơi sớm vì dù sao "va chạm" mới chỉ dừng lại ở một cuộc khẩu chiến. Nhiều khả năng, Nga sẽ vẫn giữ thái độ cứng rắn song sẽ không để nó đi quá xa tới mức phá vỡ hoàn toàn mối quan hệ đôi bên vì sẽ không có lợi cho Nga. Thương mại hai chiều giữa Nga và I-ran đã tăng đáng kể, đạt 3 tỉ USD vào năm ngoái. Nga đã ký hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên cho I-ran và bán hàng tỉ USD vũ khí cho Nhà nước Hồi giáo này. Còn khả năng có hay không I-ran phải chịu một lệnh trừng phạt mới, phần nhiều sẽ phụ thuộc vào thái độ và hành xử của Nhà nước Hồi giáo này trước khi bản dự thảo gói trừng phạt được đưa ra bỏ phiếu chính thức tại HĐBA LHQ. Hạnh Nguyên

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/3/102/102/113415/Default.aspx