Cuộc lột xác định mệnh của miền ngã ba Đông Dương

Làng người B’râu hay còn gọi làng Đắc Mế ở ngã ba Đông Dương (thuộc xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) có một thời chìm trong đói nghèo, lạc hậu. Nhưng, những ngày giữa năm 2017 này, Đắk Mế đã có một cuộc “lột xác”kỳ diệu.

Hết rồi ngày đói

Cả làng Đắk Mế yên bình, ấm no hôm nay trước đây chỉ là một thung lũng hoang toàn, sơ xác. Già làng Thao Long, đã bước 81 mùa rẫy cũng phải thốt lên rằng: Thật thần kỳ quá. Mới ngày nào, cái nghèo, cái đói cứ bám dai dẳng, nay cái nghèo, cái khó ấy đã dần bị đẩy lùi thay vào đó là cuộc sống đổi thay, nhiều nhà đã có của ăn, của để, có phương tiện nghe nhìn, đi lại. Nói gì cho xa, mười năm trước muốn vào Đắk Mế này phải sắn quần cuốc bộ đấy”. Sau khi già làng Thao Long nói dứt lời, nguyên Trưởng ban quản lý khu kinh tế Bờ Y, ông Nguyễn Trọng Hảo, kéo tôi chạy ra giữa khu tái định cư và khoe: “Đấy, anh thấy không mọi chính sách và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đã được thực hiện một cách đúng đắn, linh hoạt. Hệ thống nhà tái định cư sẽ góp thêm nhiều niềm vui cho làng B’râu độc nhất của Tây Nguyên này.

Nhà kiên cố mọc lên san sát

Là người được Nhà nước cử đi học cái chữ, học làm cán bộ mấy năm liền, trưởng thôn Đắk Mế, ông Thao Lợi-Trưởng thôn Đắk Mế hồ hởi khoe; Không chỉ còn biết cầm cái cây chọc xuống đất rồi thả hạt bắp xuống như trước đâu mà người B’râu giờ đây đã biết canh tác theo kỹ thuật mới rồi. Cái bụng đã thấu tỏ dần những lợi ích của việc áp dụng khoa học kỹ thuật. Bởi vậy nên mấy năm nay, cái bụng lúc nào cũng no. Toàn thôn Đắk Mế hiện có 180 căn nhà xây kiên cố, số hộ khá giả là 80 hộ, hộ trung bình là 133 hộ, số hộ nghèo theo tiêu chí mới chỉ còn 19 hộ. Tổng diện tích lúa nước trong thôn là 268 ha, lúa rẫy là 21,8 ha; diện tích cây cà phê là 10,5 ha; cao su 55,10 ha; mì, bắp là 8090 ha; tổng đàn gia súc, gia cầm gần 650 con. Nhẩm tính một hồi, Thao Lợi quả quyết; cứ đà này chẳng mấy chốc mà Đắk Mế giàu như thị xã đâu. Sự giàu có no đủ đã làm cho khuôn mặt của từng người B’râu mình luôn rạng rỡ hơn đấy. Trước đây đói quằn ruột, làm sao mà vui được. Theo ông Nguyễn Trọng Hảo, con đường đi lên khấm khá của làng Đắk Mê trong tương lai sẽ được tiếp sức thêm khi quốc lộ 40 nối Bờ Y với hai nước bạn Lào và Cam-phu-chia đi qua làng, lúc đó dân làng Đắk Mế sẽ có cơ hội tiếp cận các nghề thương mại, dịch vụ và du lịch từ đó mang về những nguồn thu và nâng cao tầm hiểu biết với cuộc sống hiện đại.

Cùng nhau giữ gìn văn hóa

Cùng nhau giữ gìn văn hóa

Tròn 3 năm trước (năm 2014), làng Đắk Mế đón một niềm vui và tự hào nhất từ trước đến nay đó là danh hiệu “làng văn hóa” cấp tỉnh. Già làng Thao Long thổn thức chia sẻ rằng; ai cũng mừng rơn, cứ màn đêm buông xuống sau những giờ làm việc nhọc nhằn trên rẫy là đua nhau tập hát múa cồng chiêng. Đó là ngày hội lớn, những già làng như chúng tôi một lòng hứa sẽ giúp từng người B’râu giữ gìn bản sắc văn hóa của mình. Sống một lòng đoàn kết. Cứ ngày rãnh, già làng Thao Long lại đến từng nhà giảng giải cho họ hiểu muốn ấm cái bụng, muốn vui cái làng thì các gia đình, dòng họ phải gắn kết với nhau. Ông Thao Long cũng tự hào thổ lộ rằng; những ngày lễ Quốc khánh, mừng được mùa, người B’râu sẽ mở tiệc vui tưng bừng nhưng tuyệt đối không mê tín dị đoan và gây rối như từng xảy ra trước kia nữa đâu vì đã có 130 hộ/tổng số 233 hộ được xét gia đình văn hóa rồi mà. Mà gia đình văn hóa lại không giữ gìn thì sẽ mất danh hiệu đấy.

Một mùa rẫy nữa lại đang nẩy mầm xanh bạt ngàn. Đêm đến, tiếng chiêng Tha, chiêng Mẹ cất lên rộn rã. Chiêng Tha, chiêng Mẹ là báu vật, là máu thịt của người B’râu đấy. Cả Tây Nguyên này không còn ở đâu nhiều chiêng Tha như người B’râu ở làng Đắk Mế này. Còn bởi người Đắk Mế quyết gìn giữ. Đã có đợt người ta lùng sục mua với giá mấy con bò một chiếc chiêng quý nhưng không ai bán cả. Mất chiêng quý này là mất cả linh hồn người B’râu. Bởi sự tôn quý này nên gười B’râu chỉ dùng chiêng Tha trong các dịp lễ trọng đại như; cưới hỏi, hội làng...

Hà Nga

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/cuoc-lot-xac-dinh-menh-cua-mien-nga-ba-dong-duong-187252/