Cuộc sống 'không như mơ' trên tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan

Trước chuyến thăm thường niên của tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan tới Singapore, phóng viên Channel News Asia có cơ hội tiếp cận nhóm tác chiến tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, vốn được coi như “một thành phố di động ở giữa đại dương" này.

Dưới đây là bài viết của nhà báo Gaya Chandramohan kể lại chuyến đi thú vị của mình:

“Sau khi dành cả buổi chiều để xem các chiến đấu cơ cất cánh từ khoang bay của siêu hàng không mẫu hạm, giờ đã đến lượt chúng tôi được rời khỏi USS Ronald Reagan trên chiếc máy bay hậu cần C-2A Greyhound. Với đôi tai bịt kín bằng tai nghe cách âm, tôi hầu như không nghe thấy gì ngoại trừ tiếng gầm của động cơ. Mồ hôi tôi bắt đầu vã ra khi màn khói mù tỏa ra trước mắt.

Đột nhiên, một phi hành đoàn đứng phía trước máy bay hét lớn: “Chúng ta bắt đầu đi. Chúng ta bắt đầu đi!”. Tiếng rít của kim loại và hơi nước lấp đầy cabin khi chiếc máy bay bắt đầu tăng tốc. Tất cả chúng tôi như bị ném vào không trung.

Trong khoảng vài giây, tôi như bị treo bên trong bộ áo giáp, không trọng lượng và bối rối không biết điều gì đang diễn ra khi chiếc máy bay đang từ 0 đột ngột lên đến vận tốc 220 km/h chỉ trong hai giây, ra khỏi 300 m đường băng của tàu USS Ronald Reagan và tiến thẳng tới eo biển Singapore.

Và rồi tôi bắt đầu thư giãn hơn trên ghế ngồi của mình khi chiếc C-2A Greyhound lướt nhẹ trên bầu trời. Chúng tôi đang bỏ lại phía sau cả một “thành phố di động giữa lòng đại dương”.

Với độ dài 334 m, sức nặng 97.000 tấn. cao tương đương 20 tầng trên mặt nước, siêu hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan là “nơi ở” của hơn 5.000 người. 17 chiến đấu cơ đậu trên khoang bay rộng hơn 180 m2 dành cho việc cất cánh, hạ cánh và đỗ máy bay.

Các chiến đấu cơ chuẩn bị cất cánh trên tàu sân bay USS Ronald Reagan. Nguồn: CNA

Một nhóm nhỏ các phóng viên đã hạ cánh xuống tàu sân bay này vào khoảng 13h chiều sau 90 phút bay từ căn cứ không quân Paya Lebar. Chúng tôi đã được thông báo về môi trường nguy hiểm mà chúng tôi sắp bước vào.

Hàng chục thủy thủ đoàn đang có mặt ở trên boong tàu, màu áo khác nhau cho thấy vai trò khác nhau của họ. Những người mặc áo vàng là người điều khiển máy bay chiến đấu; áo xanh lá cây là đội bảo dưỡng chiến đấu cơ; áo xanh nước biển chỉ dẫn những loại máy bay khác và những người mặc áo đỏ là ban hậu cần.

Chúng tôi di chuyển khá vất vả mới qua được các làn đường băng và luôn được nhắc nhở về tầm quan trọng phải đứng sau những vạch kẻ trắng và đỏ. Chúng tôi quan sát những người làm kỹ thuật kiểm tra các thiết bị máy bay lần cuối trước khi bước ra khỏi khu vực đường băng. Họ ra hiệu cho phi công và cả những người điều khiển chiến đấu cơ mặc áo vàng cũng lùi lại để máy bay cất cánh.

Mặc dù đã đứng sau các đường kẻ theo quy định nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được tác động cực mạnh của sức xô đẩy mà động cơ máy bay tạo ra khi chạy trên đường băng dài 300 m. Thế nhưng, trên tàu sân bay này, không ai có thời gian để… ngáp. Ngay khi chiếc máy bay này cất cánh, chúng tôi lại di chuyển sang làn khác để chuẩn bị cho một chiến đấu cơ khác làm nhiệm vụ. Một trong những người mặc áo vàng bảo tôi rằng họ phải làm tới 12 tiếng/ ngày, bất kể thời tiết.

Tại buồng kiểm soát, chúng tôi gặp những người điều khiển chiến đấu cơ và ban hậu cần, chịu trách nhiệm sắp xếp tất cả các hoạt động trên. Ngồi quanh một chiếc bàn được gọi là “ouija board” (bảng thẻ), mọi chuyển động của tất cả các máy bay đều được miêu tả lại bằng hình ảnh và liên lạc tới khu vực trên cùng của tàu sân bay.

Đài chỉ huy là nơi tất cả mọi sự định vị diễn ra. Chúng tôi tới nơi đúng lúc tàu sân bay chuẩn bị rẽ phải và tôi quan sát thấy có 10 thủy thủ đoàn tham gia vào quá trình này để đảm bảo chuyển động được hoàn tất một cách nhịp nhàng.

Điều khiến tôi ấn tượng là có rất nhiều thủy thủ đoàn trẻ tuổi ở tàu sân bay USS Ronald Reagan. Rất nhiều đàn ông và phụ nữ làm việc ở đây chỉ trong khoảng từ 18 đến 22 tuổi. USS Ronald Reagan có 5 phòng tập gym cũng như có thể truy cập internet dễ dàng. Tuy nhiên, chỉ với 3 tiếng ngắn ngủi trên tàu, các phóng viên chúng tôi khó có thể phản ánh đầy đủ cuộc sống của 5.000 con người ở đây, những người đã dành từ 6 đến 9 tháng lênh đênh trên biển, cách xa quê hương của mình."

Dưới đây là chùm ảnh của phóng viên Channel News Asia về tàu sân bay USS Ronald Reagan:

Những người chỉ dẫn chiến đấu cơ ra dấu cho máy bay cất cánh.

Làn khói bốc lên từ máy bay chiến đấu trên tàu USS Ronald Reagan.

Tàu sân bay lớp Nimitz có sức chứa khoảng 17 chiến đấu cơ.

Người mặc áo màu xanh lá cây là thuộc đội kỹ thuật, bảo dưỡng.

Mỗi màu áo thể hiện một vị trí khác nhau.

Phi công chuẩn bị cho máy bay cất cánh.

Đường băng trên boong tàu USS Ronald Reagan dài khoảng 300 m.

Các thủy thủ đoàn thường xuyên phải làm việc 12 tiếng mỗi ngày.

USS Ronald Reagan (C\VN-76) là một siêu hàng không mẫu hạm thuộc lớp Nimitz chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Vào buổi lễ xuất xưởng vào năm 2001, USS Ronald Reagan là con tàu đầu tiên được đặt theo tên của một vị cựu tổng thống vẫn sống.

Khu vực bàn mô tả các hoạt động của chiến đấu cơ trên tàu sân bay.

Mọi hoạt động sẽ được báo cáo cho ban chỉ huy liên tục.

Không được dựa vào "bảng thẻ".

Khoang chỉ huy của tàu USS Ronald Reagan.

Vào tháng 1/2014, Hải quân Hoa Kỳ thông báo rằng, USS Ronald Reagan sẽ thay thế USS George Washington trở thành soái hạm của Nhóm tác chiến tàu sân bay 5 và lệnh tấn công thông qua Căn cứ Hải quân Yokosuka (Nhật Bản), như là một phần của Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ.

Tuệ Minh (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/cuoc-song-khong-nhu-mo-tren-tau-san-bay-my-uss-ronald-reagan-post230121.info