Cuộc sống ở nơi... tận cùng khổ đau

“Hơn 30 năm gắn bó với bệnh nhân phong, nhiều lúc chúng tôi phải nuốt nước mắt vào trong khi chứng kiến cuộc sống quá khổ sở của họ. Tưởng như cụm từ “canh toàn quốc” chỉ có trong cách nói vui về cuộc sống nghèo khổ của sinh viên…, thế mà ở làng phong này, phải ưu tiên lắm, nhiều cụ mới có “canh toàn quốc” để ăn cho dễ nuốt cơm”.

Bữa cơm của một bệnh nhân phong.

Bệnh viện phong Văn Môn ẩn mình trên triền đê sông Hồng, đoạn chảy qua xã Vũ Vân (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). giờ giấc sinh hoạt của bệnh nhân khác xa cuộc sống bình thường ngoài xã hội. Họ ăn trưa từ 9h30 và ăn tối từ 15h30... Để rồi, tầm 7h tối, hầu hết ánh điện trong những ngôi nhà đã tắt ngấm.

Hình như họ không muốn phải sống, phải đối diện với chính mình trong một màn đêm bao trùm quanh họ. Bởi mỗi khi trời chiều bảng lảng, khi những con gà tìm cách lên chuồng cũng là những lúc nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương ập đến trong đầu óc, trong trái tim họ.

Những dấu ấn ai cũng muốn quên

Có lẽ trong hơn 300 bệnh nhân nặng ở làng phong, không còn mấy người nhớ họ tìm được đường tới làng phong như thế nào. Với họ, những ký ức ấy nên quên đi, để họ được sống trọn vẹn với những người đồng cảnh ngộ, để cùng nhau chia ngọt sẻ bùi trong một xã hội thu nhỏ có diện tích 65.000 ha ở làng phong này.

Bác sỹ - Giám đốc Nguyễn Thế Bê.

Ở đây, họ có trạm y tế để điều trị bệnh, có ruộng để những người khỏe mạnh hơn có thể cấy hái, làm lụng. Họ còn có chùa để ngày ngày tụng kinh, làm lễ, quên đi những đau đớn thường gặp; những giáo dân thì có nhà thờ để được nghe những điều Chúa răn dạy mỗi ngày... Cảm giác như họ có đủ mọi thứ như những con người bình thường khác trong xã hội, có điều, sự đủ thứ ấy chỉ gói gọn bên trong cánh cổng đã nhuốm màu thời gian...

Bệnh viện phong Văn Môn là nơi điều trị bệnh phong ra đời sớm nhất ở Việt Nam (ra đời vào năm 1900). Bệnh viện đã từng điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân với đủ mọi khốn khó của thời kỳ đất nước còn chiến tranh, nghèo khó.

Từ những ngày mưa bão, cán bộ bệnh viện phải trực tiếp trèo lên mái nhà sửa chữa từng mảnh ngói bị hất tung do mưa, gió…

Từ những ngày phải gồng mình lên khắc phục những điểm ngập và di chuyển bệnh nhân đến những chỗ cao hơn…

Từ những ngày cả Bệnh viện phải sinh hoạt trong đèn dầu tù mù chỉ vì ngập lụt làm nổ tung đường điện…

Lặng lẽ đi cùng bệnh nhân phong hết cả cuộc đời làm nghề, nhiều cán bộ phục vụ trong trại phong vẫn còn nhớ những ký ức về những ngày chưa xa. Nguyên Giám đốc Bệnh viện, bác sĩ Bùi Huy Thiện kể trong day dứt: “Hơn 30 năm gắn bó với bệnh nhân phong, nhiều lúc chúng tôi phải nuốt nước mắt vào trong khi chứng kiến cuộc sống quá khổ sở của họ. Tưởng như cụm từ “canh toàn quốc” chỉ có trong cách nói vui về cuộc sống nghèo khổ của sinh viên…, thế mà ở làng phong này, phải ưu tiên lắm, nhiều cụ mới có “canh toàn quốc” để ăn cho dễ nuốt cơm”.

Nghe lại những ký ức này mà thấy xót xa cho số phận những con người không may mắn. Chúng tôi cứ ngỡ câu chuyện ấy đã xảy ra cách đây vài chục năm rồi…

Xóa sổ “Hội canh toàn quốc”

Mới chỉ cách đây một năm thôi, bệnh nhân phong được Nhà nước trợ cấp 360.000 đồng/người/tháng. Bệnh viện căn cứ vào số tiền, quy ra mỗi người được 13kg gạo, còn lại là tiền thức ăn, tiền đồ dùng sinh hoạt... và dành ra một chút cỏn con, gọi là có tiết kiệm cho bệnh nhân. Với số tiền ít ỏi đó, nhiều bữa cơm, các cụ chỉ ăn cơm trắng.

Suất cơm của bệnh nhân.

Trong số hơn 300 cụ đang sinh sống và điều trị ở bệnh viện, có khoảng 80 cụ bị bệnh rất nặng (như những người liệt, mù lòa, cụt cả chân tay...) được bệnh viện ưu tiên mỗi bữa có thêm 1 bát canh cho dễ nuốt. Bệnh viện gọi vui là “Hội các cụ ăn canh”, để phân biệt với bệnh nhân ở nhóm bệnh nhẹ hơn.

Tuy nhiên, tháng 6/2013, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình đã phải quyết định nâng mức hỗ trợ cho bệnh nhân phong lên 510.000 đồng/người/tháng khi đích thân xuống thăm bệnh viện. Nghe tin này, các cụ hân hoan ra mặt, bởi với các cụ, có thêm một đồng cũng đáng quý vô cùng.

Sau khi thống nhất dành một khoản cho các cụ tiết kiệm hàng tháng (để mua bữa sáng và thuốc bổ sung khi cần thiết), thì mỗi ngày các cụ sẽ được 4 lạng gạo và 3.500 đồng thức ăn. Nhân viên bếp sẽ căn cứ vào số tiền nhỏ nhoi ấy để nấu cơm cho các cụ. Bây giờ, cụ nào cũng có canh để ăn, cụ nào cũng có thức ăn để gắp, dù thức ăn, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có trứng, đậu và thịt.

Giám đốc Bệnh viện, bác sĩ Nguyễn Thế Bê vui vẻ cho biết: “Hội "canh toàn quốc" đã bị xóa sổ rồi, giờ các cụ còn có thể tăng gia thêm cá để có thêm nguồn thực phẩm. Chúng tôi nhờ các cha bên nhà thờ huy động ít tiền để mua cá, thả xuống 2 ao trong bệnh viện. Chúng tôi vận động các cụ còn khỏe mạnh, mỗi cụ đi cắt khoảng 10 kg cỏ một tháng để thả xuống ao nuôi cá, có thêm nguồn thức ăn cho các cụ và để dành đến Tết, có nguồn thu - chi cho các cụ một cái Tết tươm tất hơn. Gọi là tươm tất hơn thôi, chứ có khi các cụ cũng chỉ có thêm được cái bánh chưng, gọi là có hương vị Tết” - sau vài phút vui vẻ, bác sĩ Bê lại ngậm ngùi chia sẻ.

Trong câu chuyện về bệnh nhân phong, bác sĩ Bê còn kể lại thời kỳ phải đi vận động để các gia đình ngoài xã Vũ Vân nhận những đứa con của làng phong làm con nuôi để chúng được đi học: “Cháu nào cũng phải đổi họ hết thì mới đến lớp được, bởi nói gì thì nói, người đời vẫn kỳ thị những người bị bệnh phong lắm”. Bây giờ, trẻ con làng phong đã có thể đường hoàng đến lớp và cũng học giỏi, luôn là một đối thủ đáng gờm trong bảng xếp hạng cuối năm của cả trường.

Chị Nguyễn Khánh Huyền, một người dân Vũ Vân cho biết: “Trẻ con trong trại phong học giỏi lắm. Năm học vừa rồi, các em đỗ đại học khá nhiều. Hình như các em ấy ý thức được chỉ có con đường học hành mới thoát ly được cuộc sống ở trại phong nên ai cũng cố gắng phấn đấu”.

Có lẽ, những đứa bé ở làng phong học giỏi không phải chỉ để thoát nghèo mà còn như một cách để chúng tri ân những người thầy thuốc, những hộ lý đã tận tình chăm sóc, hỗ trợ ông bà, bố mẹ chúng hàng ngày.

(Còn tiếp)./.

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/cuoc-song-o-noi-tan-cung-kho-dau-198445.html