Cuộc tình đầy sóng gió của chú rể nông dân và cô dâu trẻ con

“Tôi mơ được về nhà, cố gắng làm lụng để chuộc lại rẫy cho cha, sống êm ấm bên mái ấm gia đình với vợ và con trai. Tôi sẽ cho vợ đi học may. Mọi chuyện dù có thế nào thì tôi cũng không bao giờ trách cha mẹ vợ của mình.”

Võ Tấn Mẫn xoay tách trà bằng đôi tay thô ráp, nhíu đôi mắt tuổi 35 nhìn về khoảng sân rực nắng. Nghe dứt câu nói của anh, mấy người hàng xóm vỗ vai: “Cái thằng, bao giờ cũng lành như đất mà phải mang tiếng ở tù vì… giao cấu với chính vợ mình.”

Chuyện tình chấn động làng quê

Có khách ghé thăm đúng giờ cơm trưa, Mẫn lấy thêm chén đũa.

Mấy miếng thịt vụng về cháy sẹm do quá lửa, Mẫn ái ngại xoa đầu: “Nhà có hai cha con. Mẹ bị tai biến, huyết áp cao nên về quê rồi. Một tuần, tôi được về nhà thì cha con có sao ăn vậy.”

Hỏi chuyện tình yêu, Mẫn bẽn lẽn chỉ căn phòng sau lưng: “Xóm có ít con gái. Tôi lớn lên không được học hành gì, quanh năm cắm mặt với rẫy, ruộng. Thấy bé L. hay hay nên đem lòng thương. Cha L. nói ‘mày gọi tiếng cha, tao gả con gái’.

Rồi hai đứa có tình cảm với nhau, L. hay qua nhà tôi chơi, riết rồi em có bầu. Tôi bàn với cha mình chuyện cưới.”

Bà Ngàn, bà nội L. chen ngang: Thấy cháu mình hay qua nhà Mẫn, tui cũng can ngăn, sợ có chuyện. Đến khi có bầu, gia đình Mẫn đến xin cưới, cả nhà tui gật đầu. Nhà Mẫn nghèo nhưng rất biết sống, thằng cháu nội rể của tui lành như đất cục, rượu không uống, chỉ lo làm ăn. Ai ngờ, số phận đẩy đưa, nó phải đi tù vì cái tội rất kì cục: giao cấu với vợ mình.

Giờ thì cả xóm, cả xã biết chuyện Mẫn với L. cưới nhau rồi Mẫn bị công an bắt vì cô L có đến ba giấy khai sinh. Mẫn được tòa án cho tại ngoại để chờ xét xử. Con trai Mẫn và cô L đã thôi nôi xong.

“Nhiều đêm nằm trong trại, nhớ vợ, nhớ con phát khóc. Anh em phạm nhân hiểu chuyện, vỗ về rất nhiều. Các phạm nhân với tội giao cấu, hiếp dâm thường bị đánh, bị đối xử rất tệ, nhưng câu chuyện của tôi được nhiều người đồng cảm.” Mẫn kể.

Lại hỏi, nửa đùa, nửa thật: “Có biết “mùi đàn bà” trước đó chưa?”. Tưởng anh giận, ai ngờ, Mẫn nói thiệt như đếm: “Nhỏ giờ chưa nắm tay con gái. Hỏi L., có thương anh hông, thì L. nói thương. Chỉ có vậy mà tới, cũng không biết cách nào tránh thai. Nghe nói có con thì mừng hết lớn.”

Ước mơ một mái ấm gia đình

Ông Võ Tấn Minh, cha Mẫn kể, nhà ông nghèo tới mức Mẫn không được một ngày đến lớp. Mẹ Mẫn biết chút chữ thì dạy anh đọc, nhờ vậy mà cũng biết kí cái tên như người ta.

Mấy chục năm trước, gia đình ông Minh ở tỉnh Bến Tre. Cũng vì quá nghèo mà ông đưa cả vợ con lên ghe xuôi ngược khắp cánh đồng miệt thứ Tây Nam bộ rồi qua cả cánh đồng Campuchia kiếm cái ăn.

Nghề chính của nhà ông Minh là mua trái cây ở Chợ Lách, Bến Tre rồi chạy ghe lên Tây Ninh, qua Campuchia đổi lúa về bán lại.

Kiếp thương hồ ruổi rong, rày đây mai đó cứ lẩn quẩn với chén cơm, mỗi ngày lại dày thêm ước mơ về một mái nhà trên đất cho con cái ăn học.

Tính ông Minh lành, có người ở Tân Phú, Đồng Nai thương nhận làm con nuôi rồi cho ba mẫu đất (3 ha).

Những năm 90 của thế kỷ trước, ông bàn với vợ, bỏ sông về rừng.

Vậy là gia đình Mẫn neo lại chốn này đến ngày cưới vợ thì bị bắt vì giao cấu với trẻ em.

Bị giam gần một năm, mới vừa ra trại, Mẫn bàn với cha đem chai rượu qua nhà “nhạc phụ” xin kết lại tình cảm.

Mọi chuyện là quá khứ thì nên bỏ lại phía sau.

Ông Nguyễn Văn Linh, cha cô L. tỉnh dậy sau cơn say, thoáng ngập ngừng nhìn “thằng rể” nhỏ hơn 5 tuổi, lè nhè: “Tui đưa thằng Mẫn vô trại được thì cũng có thể đưa nó vô trại lần nữa”.

Mẫn van lơn, tay không rời thằng con đang bíu bô tập nói: “Cha thương thì vợ chồng con được nhờ. Có thể con sẽ bị tòa kêu án, đi tù, nhưng đó là chuyện của pháp luật, còn với gia đình, con không có lỗi khi thương em L.”

Ông Linh dường như bắt đầu xiêu lòng, nói cho một tuần để suy nghĩ. Mẫn vù về nhà, dốc 1,2 triệu tiền lưu kí ở trại giam mua 50 con gà con về nuôi, vì “xem thử nuôi gà có hợp đất không để mai mốt vợ chăn nuôi, còn mình làm rẫy”.

Gần một năm Mẫn bị tạm giam, ông Minh cầm cố rẫy điều được 70 triệu. Số tiền bé mọn đã “lên đường” vì bị người ta lừa. May mà luật sư Hồ Tố Trinh của văn phòng luật sư Người Nghèo ở TP.HCM biết chuyện đã bào chữa miễn phí.

“May mà cha chưa bán nhà, chứ không chúng tôi không biết ở đâu. Chỉ cần gia đình được đoàn tụ, tôi tin sức mình có thể chuộc lại được rẫy cho cha. Mấy bữa nay, tôi xin cha đi phụ hồ kiếm ít tiền sắm tết nhưng cha không cho. Thấy cha còng người đi nhuộm vải mướn hơn 100 ngàn đồng/ ngày kiếm bữa ăn mà thắt ruột”.

Bao giờ mở miệng, Mẫn cũng làm người ta thương vì cái tính lành như đất…

Thanh Nhã

Ảnh: Đàn gà của Mẫn tràn ngập giấc mơ về một gia đình, dù hạnh phúc còn lắm gập ghềnh…

Nguồn Thanh Niên: http://motthegioi.vn/xa-hoi/cuoc-tinh-day-song-gio-cua-chu-re-nong-dan-va-co-dau-tre-con-39970.html