Cuộc trò chuyện đầu năm với giám đốc mới của World Bank

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) ông Ousmane Dione trông có vẻ bình dị khi tiếp chuyện với cánh phóng viên ở quán cà phê Lâm, một quán cà phê lâu đời bậc nhất Hà Nội.

Đến nhận nhiệm sở ở Việt Nam chưa lâu để thay bà Victoria Kwakwa, ông Dione nói ông đã quen và yêu thích cuộc sống ở đây. Ông kể về những người ông gặp, những món ăn ông thích, những tuyến phố cổ ông dạo, và những cửa hàng ông ghé đến.

Ông Ousmane Dione. Ảnh Vũ Hân.

Câu chuyện đó là tất nhiên. Có mấy ai là người nước ngoài đến đây sinh sống và làm việc lại không có tình cảm với Hà Nội cơ chứ? Song, câu chuyện của ông lại gây tò mò cánh phóng viên chúng tôi khi Hà Nội đang chịu cảnh tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm nghiêm trọng mà hầu như tất cả đều cảm thấy bức bách.

Trong khi đó, dự án xe buýt nhanh BRT do World Bank tài trợ lại đang gây tranh cãi nhiều chiều. Một phóng viên hỏi về cảm nhận cá nhân của Giám đốc WB về dự án này.

Xem video: Trung Quốc lập 'ngân hàng điểm' cho học sinh vay khi bị điểm thấp

Khá bất ngờ, ông Dione nói thẳng: “Đây là tuyến BRT đầu tiên, nên trong quá trình thực hiện ở Việt Nam, chúng tôi phải nói thật là vừa học, vừa làm để rút ra cái gì làm được, cái gì không làm được. Nhưng dự án tiếp theo thì chúng ta đã có bài học rồi. Không nên lặp lại một lỗi lần thứ hai.

ôi cũng có trách nhiệm đóng góp vào việc giải quyết vấn đề giao thông ở Hà Nội bởi vì bản thân tôi sống ở Thành phố này tôi phải có trách nhiệm với nó.

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) ông Ousmane Dione

Ông giải thích, cần chú ý đến nhiều khía cạnh khác nhau của dự án này, như nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, hay có chương trình xã hội đi kèm. Ví dụ tăng cường giao thông công cộng thì có giải pháp gì cho những người đang sử dụng phương tiện cá nhân? “Tôi tin, dự án đầu tiên có thể có chậm trễ, nhưng dựa án tiếp theo thì chúng ta đã có được bài học”.

Ông kêu gọi sự nhận thức của người dân và chính quyền: “Hà Nội đã làm một làn đường riêng dành cho buýt nhanh mà người đi xe máy, ôtô cũng muốn đi vào làn đường đấy thì chẳng có ý nghĩa gì nữa cả. Tôi nghĩ ngoài vai trò của lãnh đạo Thành phố, báo chí cũng phải có vai trò trong việc nâng cao ý thức của người dân”.

Chốt lại chuyện giao thông, ông Dione nói: “Tôi cũng có trách nhiệm đóng góp vào việc giải quyết vấn đề giao thông ở Hà Nội bởi vì bản thân tôi sống ở Thành phố này tôi phải có trách nhiệm với nó”.

Lại những chuyện gây đau đầu.

Câu chuyện với Giám đốc WB , tất nhiên, không thể không đề cập đến những vấn đề vĩ mô. Tôi hỏi, ông có thể điểm danh những vấn đề lớn nhất mà chúng tôi đang phải đối mặt.

Ông nêu ba điểm, thứ nhất là năng suất lao động quá thấp; thứ hai là phát triển doanh nghiệp trong nước; và cuối cùng là tình trạng đói nghèo còn lại ở một số vùng.

Những điều ông nói, thú thật, cách nhà báo chúng tôi đã nghe nhiều. Hầu như tất cả các thách thức đó, và nhiều hơn nữa, đã được nhận diện từ lâu.

Chính ông Dione đã giải thích rất rõ về điểm nghẽn năng suất lao động thấp trong một diễn đàn đối thoại với Chính phủ gần đây. Theo ông, xu thế giảm mức tăng năng suất lao động vẫn tồn tại và gây quan ngại. Mức tăng năng suất lao động của Việt Nam chưa đạt 4% và có xu thế đi xuống. Trong khi đó tỷ lệ tăng năng suất lao động của Trung Quốc là trên 7%, của Hàn Quốc là 5% khi các nước này còn ở cùng trình độ phát triển như hiện nay của Việt Nam. Tốc độ tăng năng suất lao động như hiện nay khó có thể đảm bảo tăng trưởng cho Việt Nam theo kịp quỹ đạo tăng trưởng của Hàn Quốc hay Singapore.

Để chấm dứt tình trạng này cần thúc đẩy, khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển bằng nhiều biện pháp, tạo sân chơi bình đẳng cho các thành phần kinh tế, khuyến khích các thành phần kinh tế kết nối và cạnh tranh nhằm tạo ra những chuỗi giá trị hiệu quả trong và ngoài nước.

Ông cũng thúc giục cần đổi mới mạnh hơn để tạo ra những thể chế thị trường hiệu quả thì mới có thể đạt được các mục tiêu trên. Ngoài ra cũng cần áp dụng cơ chế thị trường trong phân bổ vốn và đất đai. Có như vậy mới đảm bảo tài nguyên được phân bổ cho các mục đích sử dụng hiệu quả nhất. Nếu thiết lập được và đảm bảo thị trường đất đai vận hành hiệu quả thì đó sẽ là một thành quả đáng kể trong kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020. Đó sẽ là nhân tố quan trọng mang lại lợi ích kinh tế và xã hội to lớn cho người dân và doanh nghiệp tư nhân.

Trong cuộc trò chuyện, tôi bổ sung thêm rằng, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường chắc chắn sẽ là thách thức rất lớn cho Việt Nam, song chưa được quan tâm đúng mực. Thảm họa biển và ngập lụt khắp các tỉnh miền Trung, nạn xâm ngập mặn do nước biển dâng, và thiếu nước từ sông Mê Kông có lẽ sẽ còn đến dồn dập hơn, đe dọa gây ra những xáo trộn về kinh tế và xã hội mà ít người lường được. Ông Dione gật đầu đồng tình.

Cuộc trò chuyện bên bàn cà phê giữa Giám đốc WB và cánh nhà báo kéo dài cả sáng. Đó là một trải nghiệm thú vị, vì đây là lần đầu tiên một giám đốc World Bank gặp gỡ cánh báo chí trong một quán cà phê đơn sơ ở Hà Nội, chứ không phải trong các phòng hội nghị ở khách sạn 5 sao như thông lệ.

Trong 4 năm tới của ông ở đây, tôi mong muốn, ông sẽ để lại những dấu ấn cá nhân cho sự phát triển của đất nước, mà nói một cách rất đơn giản, là đưa ra các tiêu chuẩn mà thế giới văn minh vẫn đang làm lâu nay cho Việt Nam.

>>> Đọc thêm: Đề xuất buộc người điều khiển ô tô phải mở tài khoản ngân hàng

Nguồn: Tư Giang/TBKTSG Online

Nguồn: thesaigontimes.vn

Tin tài trợ

Nguồn VTC: http://vtc.vn/cuoc-tro-chuyen-dau-nam-voi-giam-doc-moi-cua-world-bank-d300402.html