Cuối tuần, vùng núi Bắc Bộ có mưa rất to và dông

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, hai ngày cuối tuần (17 và 18-6), Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa, mưa vừa, vùng núi mưa to đến rất to và rải rác có dông. Trong cơn dông có khả năng cao xảy ra tố, lốc, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa rất to và dông tập trung ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang; trung du Bắc Bộ có mưa vừa; vùng đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa nhỏ.

* Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Thái Nguyên cho biết: Qua kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn các công trình thủy lợi mới nhất, đã phát hiện tại đập chính hồ Núi Cốc, với tổng diện tích hơn 2.500 ha mặt nước có hiện tượng thấm nhỏ ở vai bờ tả phía hạ lưu đập. Hạ lưu bờ tả có hiện tượng thấm nhiều và lan rộng. Rãnh thoát nước hạ lưu đập tại cơ 32 và 42 bị đổ gãy chiều dài 200 m làm tụt các tấm lát mái và rãnh thoát nước chân mái hạ lưu bị đổ dài khoảng 8 m...

Tại hồ thủy lợi Nà Mạt xã Ôn Lương (huyện Phú Lương) cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn khi mái hạ lưu dưới cơ số 2 còn nhiều rãnh xói nhỏ, chân mái có nhiều điểm sũng nước, khối sạt chân đồi phía hữu đã phát triển đến giáp chân mái hạ lưu đập, tràn xả lũ, ta-luy bờ tả là bờ đất bị sạt lở nhiều. Một số đập thủy lợi khác cũng có tình trạng xuống cấp, hư hỏng như: đập Vai Bản, xã Hoàng Nông (huyện Đại Từ), đập Bản Ngoại, xã Bản Ngoại (Đại Từ), đập Thác Lầm, xã Định Biên (huyện Định Hóa)...

* Tại hội nghị “Phát triển nuôi trồng thủy sản các tỉnh phía bắc” được tổ chức ngày 16-6, tại Tuyên Quang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu các địa phương tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch nuôi trồng thủy sản phù hợp với tiềm năng, điều kiện tự nhiên và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tăng cường quản lý chất lượng giống thủy sản, đặc biệt là kiểm dịch giống; khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu và sản xuất con giống. Đồng thời, xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, các câu lạc bộ nuôi thủy sản để trao đổi thông tin, hỗ trợ sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao hiệu quả, giảm giá thành sản xuất.

* Đến nay trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có 47 chi hội nghề cá được trao quyền khai thác thủy sản với diện tích hơn 17.000 ha, chiếm gần 73% diện tích mặt nước đầm phá; ba chi hội nghề cá biển được giao quyền quản lý mặt nước vùng biển gần bờ. Toàn tỉnh đã thành lập được 23 khu bảo vệ thủy sản với tổng diện tích là hơn 614 ha, chiếm 2,79% diện tích đầm phá. Trong đó, có 18 khu bảo vệ thủy sản đã được đầu tư xây dựng hoàn thiện các trụ mốc ranh giới.

* Ngày 16-6, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hải Hà (Quảng Ninh) phối hợp các lực lượng chức năng khác tổ chức tiêu hủy 65 con lợn của gia đình ông Lương Văn Lượng, thôn 3, xã Quảng Long, huyện Hải Hà bị mắc dịch bệnh tai xanh. Trước đó ngày 13-6, gia đình ông Lượng thấy đàn lợn có nhiều dấu hiệu lạ, giống với biểu hiện của bệnh tai xanh. Sau khi có phiếu trả lời kết quả xét nghiệm, gia đình đã nhanh chóng bàn giao cho các cơ quan chức năng, tiến hành tiêu hủy để bảo đảm cho dịch bệnh không lây lan ra diện rộng.

Ngày 16-6, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai (PCTT) có Công điện số 06/CĐ-TW gửi Ban Chỉ huy PCTT các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa và các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Công thương về việc chủ động đối phó với diễn biến của mưa, lũ.

Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT đề nghị Ban Chỉ huy PCTT các tỉnh, thành phố và các bộ nêu trên triển khai thực hiện một số nội dung sau: Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; thông tin và cảnh báo kịp thời đến các cấp chính quyền địa phương và người dân nhất là ở vùng sâu, vùng xa biết để chủ động phòng tránh. Tổ chức kiểm tra rà soát an toàn tại các hầm lò, khai thác khoáng sản, hồ đập, công trình đang thi công, những nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, nhất là tại các địa bàn thường xuyên bị lũ chia cắt, thông tin cảnh báo đến người dân và triển khai các biện pháp ứng phó, sẵn sàng phương án sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm, bảo đảm an toàn cho người và tài sản. Khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa vụ đông xuân và diện tích rau, màu, nhất là tại các khu vực bãi sông, suối nhằm giảm thiệt hại do mưa, lũ gây ra. Bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn người qua lại tại các ngầm tràn, các đoạn đường thường xuyên bị ngập nước; bến đò ngang, đò dọc, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện, sẵn sàng lực lượng phương tiện cứu hộ, cứu nạn, nhất là tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ cao đoạn xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các khu vực thường xuyên bị chia cắt để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu. Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động triển khai các phương án ứng phó diễn biến mưa, lũ.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/33189202-cuoi-tuan-vung-nui-bac-bo-co-mua-rat-to-va-dong.html