'Cướp biển Caribbean' và những bộ phim hải tặc hay nhất

Bên cạnh 'Cướp biển Caribbean', 'Thuyền trưởng Phillips', 'Hook' hay loạt 'Black Sails' là các tác phẩm phim ảnh cuốn hút xoay quanh những vị vua không ngai ngoài biển cả.

Captain Blood (1935): Thành công nhất trong số các tiểu thuyết được chuyển thể thành phim điện ảnh của nhà văn Rafael Sabatini là Captain Blood. Lấy bối cảnh thế kỷ XVII, nội dung phim là câu chuyện về một bác sĩ bị buộc tội phản quốc và bán làm nô lệ. Nhưng ông đã trốn thoát để rồi trở thành một tay cướp biển lừng lẫy. Tác phẩm là mốc son trong sự nghiệp tài tử huyền thoại Errol Flynn.

The Sea Hawk (1940): Bộ phim thường được giới phê bình coi là khuôn mẫu cho hình tượng cướp biển trên màn ảnh sau này, xoay quanh Geoffrey Thorpe - gã cướp biển khét tiếng được Nữ hoàng Anh Elizabeth I thuê để tấn công đoàn tàu chở vàng của Tây Ban Nha. Câu chuyện trong The Sea Hawk không chỉ nói về những kẻ sống ngoài vòng pháp luật, mà còn nhắc nhở về lòng yêu nước, sự dũng cảm của con người trong thời chiến.

The Crimson Pirate (1952): Sau khi tấn công và chiếm được tàu chiến của quân đội Anh, thuyền trưởng mưu trí Vallo - người còn mang biệt danh Hồng y Hải tặc - muốn bán số vũ khí trên tàu cho quân kháng chiến chống lại nhà vua Tây Ban Nha do El Libre lãnh đạo. Nhưng bởi tình yêu dành cho Consuelo, tức con gái của El Libre, Vallo đã quyết định thay đổi. Hình ảnh cướp biển trong phim được xây dựng với “gam màu sáng”. Họ đều là những con người hài hước, dí dỏm, luôn sống với niềm đam mê, hoài bão và chính nghĩa.

Blackbeard's Ghost (1968): Peter Ustinov sắm vai hồn ma tên hải tặc khét tiếng trở về từ cõi chết là Râu Đen. Lão bị nguyền rủa bởi bà vợ phù thủy rằng linh hồn mình sẽ mãi lang thang, vất vưởng, không thể siêu thoát. Cách duy nhất để hóa giải lời nguyền đó là Râu Đen phải làm một việc tốt trong đời. Mang nội dung đậm tính nhân văn, Blackbeard’s Ghost là lựa chọn hài hước, phù hợp cho đối tượng khán giả gia đình.

The Goonies (1985): Thuộc dòng phiêu lưu, tác phẩm của đạo diễn Richard Donner từng lôi cuốn rất nhiều trẻ em trong thập niên 1980. The Goonies kể về một nhóm bạn thân với đủ thành phần nhí nhố, bị truy đuổi bởi đám tội phạm trong khi đi tìm kho báu bị chôn vùi và từng thuộc về tên cướp biển huyền thoại Willy “một mắt”. Cái cách mà nhóm Goonies và gia đình Fratellis đối đầu gợi nhớ cho khán giả về hình tượng những gã cướp biển kinh điển trên màn ảnh.

Hook (1991): Bom tấn của đạo diễn Steven Spielberg mang đến cho khán giả góc nhìn mới lạ về nhân vật không tuổi lừng danh Peter Pan. Trong phim, diễn viên quá cố Robin Williams sắm vai Peter Pan khi đã lớn, buộc phải chiến đấu lại Thuyền trưởng Hook sau khi bị hắn bắt cóc con cái. Trở về Neverland, người hùng thách đấu đối thủ truyền kiếp để giải cứu hậu duệ, đồng thời giành lại tuổi xuân.

Treasure Planet (2002): Treasure Planet là câu chuyện về những gã hải tặc ngoài không gian, chuyên căng buồm giữa vũ trụ bao la để tìm kiếm kho báu huyền thoại. Tác phẩm hoạt hình từng bị coi là “bom xịt” khi chỉ thu 38 triệu USD so với nguồn ngân sách lên tới 140 triệu USD. Nhưng trải qua 15 năm, phim sở hữu lượng fan riêng biệt và có được chỗ đứng trong lòng những ai đam mê thể loại khoa học viễn tưởng.

Pirates of the Caribbean (2003 - nay): Quả không ngoa khi nói rằng, Johnny Depp đã tạo ra hình ảnh cướp biển huyền thoại thông qua Jack Sparrow. Không chỉ hài hước, gã thực sự lém lỉnh, ma mãnh, thậm chí quái dị. Bên cạnh Jack Sparrow, loạt phim bom tấn của Disney còn mang đến bức tranh đa diện về giới hải tặc, từ những người luôn giữ vững danh dự, niềm tin, cho đến những kẻ bần tiện, ranh ma. Phần năm của loạt phim, Salazar báo thù, mới ra mắt khán giả và tiếp tục theo chân Jack Sparrow trong trận chiến với hồn ma của thuyền trưởng Tây Ban Nha Salazar (Javier Bardem).

Captain Phillips (2013): Dựa trên cuốn hồi ký A Captain's Duty của thuyền trưởng Richard Phillips, bộ phim kể lại quãng thời gian ông phải đối mặt với sức ép từ những tên cướp biển vùng Somali ngoài biển khơi. Đám hải tặc châu Phi xấu xa, độc ác, nhưng đồng thời nhận được sự cảm thông từ khán giả bởi nguồn gốc, hoàn cảnh của chúng. Chính điều đó đã tạo ra giá trị nhân văn cho Captain Phillips, và bộ phim giúp tài tử vô danh Barkhad Abdi trong vai gã cướp biển Muse nhận đề cử Oscar, chứ không phải Tom Hanks.

Black Sails (2014 - nay): Lấy ý tưởng từ cuốn tiểu thuyết Đảo châu báu của Robert Louis Stevenson, loạt phim truyền hình xoay quanh chuyến hành trình vô tận của thuyền trưởng Flint và đoàn thủy thủ trong 20 năm. Dưới sự thể hiện của Toby Stephens, Flint hiện lên như một trong những cái tên khét tiếng nhất của giới cướp biển hồi thế kỷ XVIII, tức thời kỳ vàng son của chúng. Loạt phim tràn ngập cảnh hành động chiến đấu và đã lôi cuốn khán giả qua bốn mùa phim.

Ngọc Nhi
Ảnh: Outnow

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/cuop-bien-caribbean-va-nhung-bo-phim-hai-tac-hay-nhat-post752144.html