Cướp vợ - Nỗi đau những vầng trăng chưa tròn, cần xóa bỏ

Vừa qua trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh một nhóm thanh niên đang bắt ép một cô gái trẻ ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) về làm vợ. Sự việc gây phẫn nộ trong cộng đồng mạng.

Đây không phải là lần đầu tiên hiện tượng cướp vợ xảy ra mà xưa nay, một số vùng ở miền tây Nghệ An vẫn diễn ra chuyện này. Nhiều bé gái đã phải làm vợ, làm mẹ khi mới 13, 14 tuổi…

Tục lệ tốt đẹp bị biến tướng

Ngày 4/2, trên mạng xã hội xuất hiện clip dài hơn 2 phút, ghi lại cảnh nhóm thanh niên bắt ép một cô gái về làm vợ giữa ban ngày, trước sự chứng kiến của nhiều người. Trong clip, cô gái van xin, gào khóc thảm thiết và chống cự quyết liệt, nhất định không chịu đi theo nhóm thanh niên này nhưng bất thành.

Cô gái bị nhóm thanh niên bất về làm vợ hôm 3/2 ở Quỳ Hợp.

Vụ việc được xác định xảy ra tại ngã ba xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp. Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch UBND xã Châu Lộc, xác nhận sự việc xảy ra tại địa phương vào ngày 3/2. Sau đó chính quyền và công an huyện đã vào cuộc xác minh. Cô gái bị bắt là Vi Thị H (24 tuổi), trú tại bản Quắm, xã Liên Hợp, còn nhóm thanh niên trú cùng địa phương.

Theo ông Hưng thì sự việc xảy do một thanh niên tên Q trong nhóm có tình cảm với H nhưng lại không được cô đồng ý. Biết H sẽ đón xe vào miền Nam làm ăn nên Q nhờ một số thanh niên giúp sức để thực hiện việc bắt vợ. “Cô gái sau đó được giải thoát và đã vào miền Nam làm ăn. Huyện đang chỉ đạo công an làm rõ hành vi của nhóm thanh niên, đồng thời tuyên truyền để người dân sớm nhận thức và dần bỏ phong tục này", ông Hưng nói.

Thường vào mùa xuân ở một số vùng đồng bào dân tộc Thái, Mông ở miền tây xứ Nghệ có tập tục cướp vợ. Trước đây, tập tục này là một nét đẹp văn hóa nhằm giảm bớt những phiền hà về cưới hỏi do cha ông để lại. Nhưng thời gian gần đây nó đã bị biến tướng thành hủ tục gây kinh hoàng cho không ít chị em. Nhiều bé gái đã phải làm vợ, làm mẹ khi đang tuổi vị thành niên.

Bản làng heo hút ở miền Tây Nghệ An, nơi có hủ tục cướp vợ

Như trường hợp chị Lô Thị H ở bản Tèo, xã Châu Cường bị cướp về làm vợ năm 13 tuổi. Lô Thị N ở Châu Hồng bị cướp vợ năm 16 tuổi… Không ít cô gái tuổi học trò bị cướp ngay trước cổng trường. Nhiều thầy cô giáo trường cấp 3 nội trú huyện Quỳ Hợp đến nay vẫn không quên được tiếng kêu thét kinh hoàng của cô học trò bị cướp về làm vợ vào đêm 8/1/2007.

Cô giáo Nguyễn N ngậm ngùi: Mấy năm trở lại đây do nhà trường và các cấp, ngành tuyên truyền và giáo dục nhiều nên vấn nạn cướp vợ đã giảm chứ trước đây cứ mỗi đợt xuân về, trường lại vắng bóng nhiều em gái do hủ tục cướp vợ. Đau lòng lắm. Mà không riêng ở huyện Quỳ Hợp, tại nhiều bản làng miền biên viễn Kỳ Sơn, tập tục cướp vợ hầu như năm nào cũng xảy ra. Những bé gái bị cướp đa phần ở tuổi vị thành niên...

Cô giáo Nguyễn N kể: Đêm đó, có 6 thanh niên đến trước cổng trường. Họ nhờ một nữ sinh vào rủ em Lô Thị Thủy, học sinh lớp 11 đi chơi. Thủy vừa ra đến cổng trường thì bị nhóm thanh niên xông vào bắt ép lên xe chở về làm vợ. Lúc đó, Thủy la hét và kêu cứu dữ dội. Nghe tiếng kêu cứu, thầy giáo Trần Minh Đạt cùng với một số giáo viên đã phóng xe đuổi theo. Cuộc rượt đuổi qua những cánh rừng diễn ra rất gay cấn và căng thẳng.

Nhóm thanh niên còn dùng hung khí đe dọa quay lại tấn công. Lúc đó anh Đạt phải điện báo công an huyện can thiệp. Rất may có lực lượng cảnh sát đang làm nhiệm vụ ở gần đó đã giải cứu em Thủy kịp thời.

Đáng buồn hơn, trong số các đối tượng đi cướp vợ có cả cán bộ xã. Lữ Văn B là Phó Bí thư Đoàn xã Châu Tiến đã đến Trường PTTH Dân tộc nội trú bắt nữ sinh Lô Thị H (16 tuổi) về làm vợ. Sau đó, B đã bị kỷ luật Đảng, cách chức Phó Bí thư Đoàn xã.

Nỗi đau và hệ lụy

Theo các chuyên gia tâm lý, những bé gái còn non dại chưa có kiến thức gì về cuộc sống hôn nhân và gia đình cũng như sức khỏe sinh sản, mà sớm về làm vợ, làm mẹ thì cuộc sống rất vất vả, không hạnh phúc, dẫn đến tan vỡ gia đình. Những cuộc hôn nhân ấy chẳng xuất phát từ tình yêu hai phía mà còn không hợp pháp vì hầu như không có sự xác nhận của chính quyền. Vì thế phần lớn đều rơi vào bi kịch.

Nỗi vất vả của những người mẹ nhí ở Kỳ Sơn.

Dẫn chứng trường hợp chị chị Lô Thị H ở bản Tèo, xã Châu Cường bị cướp về làm vợ năm 13 tuổi. Đến năm 21 tuổi chị đã có 3 mặt con. Đói nghèo bủa vây, chồng lười biếng rồi nghiện hút nên hai vợ chồng bỏ nhau. H đưa các con về nhà ngoại. Không thể kể hết nỗi cơ cực của chị H khi một mình phải vừa làm chồng vừa làm cha, nuôi 3 đứa con trên vùng đất cằn, đá sỏi.

Cũng đã có nhiều vụ tự tử xảy ra như trường hợp chị Y.N (SN 1984, trú tại xã Đoọc Mạy) đã nhảy sông tự vẫn, để lại 2 con nhỏ. Được biết, N bị cướp vợ từ khi 15 tuổi. Lấy chồng không có tình yêu là một nỗi đau không dễ gì khỏa lấp. Những tưởng có con thì tình cảm vợ chồng có thể cải thiện nhưng càng ngày "gia đình trẻ con" ấy càng xảy ra nhiều xung đột.

Người chồng mỗi lần say rượu thường về hành hạ vợ. Không chịu đựng được, hai người đành chia tay. Cái tuổi học trò trong trắng ngây thơ của N đã bị đánh cắp. Và khi nghĩ quẩn, N đã nhảy cầu để giải thoát.

Ông Lầu Nênh Chư - nguyên cán bộ xã Mường Lống kể lại: Giữa năm 2009, đối tượng Xồng Bá Kh đem lòng yêu thương cô Lầu Tồng D, cô gái đẹp nhất bản Phà Xắc nhưng D không thích nên Xồng Bá Kh đã tìm cách cướp cô gái đẹp này. Hôm đó, Kh đi chợ Huồi Đun thì gặp D trong chợ. Kh lấy xe máy chờ D ở cổng chợ để chở về. D không chịu nhưng Kh và nhóm bạn đã bế D lên xe máy rồi chạy thẳng về nhà.

Lễ hội mùa xuân là dịp để trai bản đi cướp vợ

Chạy được một quãng, D nhảy xuống đường, gãy chân. Nhưng Xồng Bá Kh và nhóm bạn vẫn chở D về nhà mình. 3 ngày sau, khi gia đình Kh chuẩn bị làm đám cưới thì D đã ra vườn hái lá ngón ăn tự tử và chết ngay sau đó.

Được biết, trong những năm qua, tại Kì Sơn đã có nhiều trường hợp tử vong do ăn lá ngón, trong đó chủ yếu các tnạn nhân của từ hủ tục cướp vợ.

Hủ tục cần xóa bỏ

Theo người dân các địa phương ở các huyện Quỳ Hợp và Kỳ Sơn thì cướp vợ là tập tục lâu đời của đồng bào dân tộc Thái, Mông, thời gian gần đây đã bị biến tướng. Trước đây, nạn bắt ép làm vợ xảy ra nhiều nhưng nay qua tuyên truyền, giáo dục đã giảm nhiều.

Tuy nhiên, để chấm dứt tập tục cướp vợ là rất khó vì nó đã ăn sâu bám rễ trong đồng bào. Vả lại ở Kỳ Sơn rừng núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, bản của người Mông đều gần biên giới, có bản đi bộ hai ba ngày đường mới tới nơi, đời sống đồng bào rất lạc hậu.

Tập tục cướp vợ ở miền tây xứ Nghệ bị biến tướng đã kéo theo nỗi đau và hệ lụy. Đây là vấn đề nhức nhối làm đau đầu chính quyền địa phương và các nhà xã hội học. Nhiều ý kiến rằng, chính quyền cần tuyên truyền pháp luật dân sự, pháp luật về hôn nhân gia đình đến người dân, nhất là những vùng đang tồn tại hủ tục bắt vợ. Nhà nước có chính sách, biện pháp bảo vệ các công dân nam, nữ xác lập hôn nhân tự nguyện, tiến bộ.

Nói chung, ở xã hội văn minh thì hủ tục cướp vợ cần được dẹp bỏ.

Minh Thư

TS.LS Nguyễn Trọng Hải, Trưởng Văn phòng Luật sư Trọng Hải và cộng sự (trụ sở tại Nghệ An):

Hành vi cướp vợ có dấu hiệu của tội “Bắt giữ người trái pháp luật” (quy định tại Điều 157, Bộ luật Hình sự năm 2015). Nếu bắt cô gái về làm vợ trái với ý muốn người này, thì người thực hiện cũng có dấu hiệu của tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ (Điều 181, Bộ luật Hình sự năm 2015); vi phạm khoản b, Điều 5, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (nghiêm cấm cưỡng ép kết hôn).

TIẾN DŨNG

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/cuop-vo-noi-dau-nhung-vang-trang-chua-tron-can-xoa-bo-post186589.html