Cựu binh Hà thành lập bảo tàng chiến tranh tại gia

Hơn 20 năm qua, người cựu chiến binh, thương binh hạng 4/4 Nguyễn Mạnh Hiệp vẫn lặn lội khắp nơi tìm kiếm kỷ vật chiến trường nơi ông và đồng đội từng tham gia chiến đấu năm xưa để mang về làm bảo tàng.

Ghé thăm Bảo tàng Chứng tích chiến tranh của ông Hiệp (phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội), chúng tôi được nghe kể rất nhiều về thời gian ông tham gia quân ngũ cũng như quá trình thành lập Bảo tàng của ông.

Năm 1967, dù thuộc diện miễn nhập ngũ vì có anh trai hi sinh trên chiến trường, nhưng ông vẫn tình nguyện vào bộ đội. Ông cùng với sư đoàn 320B của mình đã trải qua bao trận đánh khốc liệt, giành được nhiều chiến thắng vẻ vang khiến quân địch sợ hãi. Trong đó, trận đánh ông nhớ nhất là trận đánh tan cuộc càn quét của 13 tiểu đoàn địch tại đồi Abia, nơi được coi là đồi băm thịt.

Cuối năm 1969, ông Hiệp bị thương nặng và được điều trị tại đoàn an dưỡng 580. Sau đó, ông được điều về làm cán bộ khung, huấn luyện và chuyển quân bổ sung cho các đơn vị. Cuối năm 1972, ông chuyển ngành về công tác tại Bộ Văn hóa, rồi Bộ Giao thông vận tải và làm việc ở đây đến lúc nghỉ hưu.

Chia sẻ về ý tưởng xây dựng bảo tàng của mình, ông Hiệp cho biết: “Tôi đã định làm bảo tàng từ những năm 1990 nhưng lúc đó, tài chính gia đình còn gặp nhiều khó khăn cùng với số hiện vật có được chưa nhiều nên bị hoãn lại”.

Mãi đến cuối năm 2009, vợ và mấy người con của ông mới góp đủ số tiền gần 1 tỉ đồng để ông xây dựng một bảo tàng với kiểu kiến trúc Gothic hai tầng trên diện tích 100m2 đất của gia đình để trưng bày hiện vật.

Mặc dù trong cơ thể đang mang nhiều thương tật, trong đó có mảnh đạn găm ở đầu và một ở mạng sườn nhưng hơn 20 năm qua, năm nào ông cũng lặn lội từ Bắc vào Nam rồi ngược lên Tây nguyên... thậm chí sang cả nước bạn Lào để tìm và sưu tầm những kỷ vật thời chiến.

Hễ hay tin ở đâu người dân tìm được các kỷ vật như nhật ký, bom mìn, quân trang và vật dụng của bộ đội ta hoặc địch còn sót lại là ông tìm đến hỏi mua bằng được. Gần đây nhất, ông mới mang về bảo tàng của mình 3 quả bom từ chiến trường Khe Sanh (Quảng Trị).

Hiện bảo tàng của ông Hiệp thu hút rất nhiều sự quan tâm của đông đảo người dân. Ông cho biết: “Lập bảo tàng ra, trước là mong lưu giữ lại những hiện vật đã từng gắn bó với bản thân và đồng đội, sau là để giới thiệu cho giới trẻ ngày nay biết được những chiến tích oai hùng của ông cha thời vào sinh ra tử để có được nền hòa bình như ngày nay”.

Một số hình ảnh về Bảo tàng chứng tích chiến tranh của ông Hiệp:

Đạn pháo, lựu đạn các loại…được ông Hiệp cất công sưu tầm ở nhiều nơi về bảo tàng tại gia.

Các loại đạn súng trường trong bảo tàng nhiều vô số kể.

Hiện ông Hiệp sưu tầm được 8 quả bom. Trong ảnh là 2 quả bom loại nhỏ được ông dựng trước cửa bảo tàng.

Cây nhiệt đới cắm trên thân bom được quân đội Mỹ thả xuống để phát hiện đường đi của bộ đội ta.

Ông Hiệp đang giới thiệu đạn pháo 175mm, loại đạn được coi là “vua chiến trường” của quân đội Mỹ. Bên cạnh là các loại đạn 155mm.

Áo và huy hiệu của bộ đội Cụ Hồ sử dụng trong chiến tranh.

Các mảnh vỡ máy bay địch.

Mặt nạ chống hơi độc của quân đội Mỹ.

Một chiếc áo giáp của phi công Mỹ đã bị trúng đạn trong chiến tranh.

Ông Hiệp giới thiệu chiếc điện thoại mà bộ đội ta thu được của lính Mỹ.

Ngoài các hiện vật, ông còn sưu tập được hàng trăm bức ảnh khác nhau ghi lại những khoảnh khắc của thời kì chống Mỹ cứu nước.

Lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam treo trước nhà trong dịp 30.4 để nhớ về một thời đã qua.

Hàng ngày có rất nhiều người đến tham quan, tìm hiểu về Bảo tàng của ông.

Triệu Quang

Nguồn Thanh Niên: http://motthegioi.vn/phong-su/cuu-binh-ha-thanh-lap-bao-tang-chien-tranh-tai-gia-68463.html