Cựu Bộ trưởng Tài chính Pháp được bầu làm Giám đốc IMF

Dominique Strauss-Kahn, cựu Bộ trưởng Tài chính Pháp, đã chính thức được bổ nhiệm là lãnh đạo mới của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), tiếp tục truyền thống kéo dài 6 thập kỷ qua - một người châu Âu lãnh đạo IMF.

Ông Strauss-Kahn đã giành được sự ủng hộ của châu Âu và Mỹ - các bên chi phối IMF. Ông đang ở thăm Chile khi quyết định của Hội đồng giám đốc điều hành IMF được tuyên bố hôm 28/9. Chiến thắng ’’Đây là một niềm vui, vinh dự và trách nhiệm đối với tôi. Tôi quyết tâm theo đuổi các cải cách cần cho IMF để tạo ra sự ổn định tài chính phục vụ cộng đồng quốc tế, đồng thời thúc đẩy sự tăng trưởng và việc làm’’, ông nói. Ông Strauss-Kahn sẽ nhậm chức Giám đốc điều hành IMF với nhiệm kỳ 5 năm, bắt đầu vào ngày 1/11. Giám đốc điều hành hiện nay, Rodrigo de Rato của Tây Ban Nha, sẽ từ chức vào thời gian đó vì các lý do cá nhân. Ông de Rato đã hoan nghênh quyết định bổ nhiệm trên. ’’Tôi biết ông Strauss-Kahn có kinh nghiệm, tầm nhìn và tận tụy với công việc. Đây là những nhân tố cần có để lãnh đạo thành công IMF trong giai đoạn quan trọng này’’, ông nói. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã ủng hộ nỗ lực của ông Strauss-Kahn và ca ngợi việc bổ nhiệm ông là một ’’chiến thắng vĩ đại của chính sách ngoại giao Pháp’’, khẳng định ảnh hưởng của Pháp trên trường quốc tế. Ông Strauss-Kahn đã vượt qua cựu Thủ tướng Séc Josef Tosovsky, ứng cử viên do Nga đề xuất. IMF là một tổ chức đa quốc gia, gồm 185 thành viên, có trách nhiệm trợ giúp tài chính cho các nước đang phát triển nhằm ổn định tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều sự chỉ trích về ảnh hưởng lấn át của các nước giàu. Kể từ khi IMF được thành lập sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, châu Âu thường lựa chọn giám đốc IMF - một thông lệ được coi là không công bằng. Nhiều thành viên IMF cũng không hài lòng về quyền bỏ phiếu và cơ cấu của hội đồng giám đốc IMF. Thách thức Ông de Rato đã nỗ lực trao nhiều quyền bỏ phiếu hơn cho các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ. Ông Strauss-Kahn nói rằng ông nhất trí với đường lối này, cho biết ưu tiên hàng đầu của ông ở cương vị mới là cải cách cơ cấu IMF. Vị giám đốc mới đối mặt với thách thức ngày càng tăng từ các đối thủ khu vực. Các nước ASEAN đang xây dựng một thể chế khu vực để chia sẻ dự trữ ngoại hối trong trường hợp xảy ra khủng hoảng. Các bộ trưởng tài chính Mỹ Latinh đã bắt đầu thành lập Ngân hàng Nam Mỹ. Ngân hàng này có thể đảm đương nhiều vai trò truyền thống của IMF về trợ giúp trong các cuộc khủng hoảng kinh tế và cán cân thanh toán. ’’Nguy cơ là ngày càng nhiều nước nói rằng họ không quan tâm tới IMF, rằng tiếng nói của họ quá nhỏ. Các nền kinh tế đang nổi muốn có nhiều tiếng nói hơn trong IMF là hoàn toàn chính đáng’’, ông Strauss-Kahn nói. Cùng lúc, Mỹ muốn IMF trở thành quan tòa trung lập phán xét về các chính sách ngoại hối của các nước thành viên, hy vọng ép Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác không can thiệp vào giá trị đồng tiền quốc gia nhằm giành lợi thế thương mại. Strauss-Kahn Khi làm bộ trưởng tài chính từ năm 1997 tới 1999 trong chính phủ của đảng Xã hội Pháp, ông Strauss-Kahn đã cắt giảm thâm hụt ngân sách để Pháp đủ tiêu chuẩn tham gia khối đồng tiền chung euro. Ông cũng thực hiện các chính sách mở đường cho việc tư nhân hóa một số công ty quốc doanh. Những thành công trên đã giúp ông giành được sự ủng hộ mạnh mẽ trong các thị trường tài chính, không phải trong đảng của ông. Ông cũng góp phần thực hiện tuần làm việc 35 giờ ở Pháp - một chương trình mà Tổng thống Sarkozy nói là làm nền kinh tế què quặt và làm giảm sức sản xuất. Tuy nhiên, ông Strauss-Kahn phải xây dựng lại sự nghiệp chính trị của ông sau khi buộc phải từ chức khỏi chính phủ của Thủ tướng Lionel Jospin năm 1999 do dính dáng tới một vụ bê bối tham nhũng. Sau đó, tòa án đã trả lại sự trong sạch cho ông, mở đường để ông cạnh tranh với Segolene Royal trong cuộc đua trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Xã hội. Ông Strauss-Kahn đã thua bà Royal song ủng hộ chiến dịch tranh cử của bà với ông Sarkozy, gọi Sarkozy là một ’’ứng viên nhỏ nhoi’’ và là một mối đe dọa của nền dân chủ’’.

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/thegioi/2007/09/746029/