"Cừu đen" hay tiền lệ tốt?

Mấy hôm rồi BĐVN xảy ra một loạt chuyện, có chuyện nhỏ nhỏ cá nhân nhưng lại có chuyện to oạch khiến cả xã hội phải xáo động. Và, như thường lệ, phản ứng của những người đứng đầu và có trách nhiệm lại chẳng khiến xạ hội phản ứng dữ lắm.

Cầu thủ Đình Đồng

1. Có người gọi Đình Đồng là “con cừu đen”. Sở dĩ nói thế bởi anh xui xẻo, vô tình trở thành vật tế thần của những người lớn để ứng phó với làn sóng bất mãn ngày càng cao độ từ xã hội. Không thể tha thứ cho cầu thủ SLNA về hành vi bỏ bóng đạp người. Nó xứng đáng bị phạt. Phạt nặng. Nhưng nặng đến mức những 28 trận đấu, cấm mọi hoạt động trong cả một năm trời thì e là không bình thường.

Không bình thường bởi pha vào bóng của Đình Đồng, thực tế không xa lạ ở BĐVN. Cá nhân anh và cả không ít đồng đội, đồng nghiệp của anh vẫn làm hành động đấy, được trang bị tư duy và phản xạ ấy từ khi chưa lên đội 1. Nó vẫn diễn ra đâu đấy hàng tuần, khi thì ở sân chơi V.League, lúc ở hạng Nhất và thậm chí ở các giải trẻ. Án phạt nặng quá mức là một phần. Cái chính, tại sao lại là lúc này và vì sao suốt bao năm qua chẳng thấy “người ta” mạnh mẽ, rắn rỏi và quyết liệt đến thế?

Trần Đình Đồng (16-SLNA) Ảnh: NAM HẢI

Tiền vệ Mạnh Tú là cựu cầu thủ Nam Định và K.KH. Nay anh đang là chủ một nhà hàng mang tên anh gần sân bay Tân Sơn Nhất từng chia sẻ khi còn đá bóng, anh cũng là nạn nhân của thứ bóng đá bạo lực, vốn vẫn được hay gọi một cách hào khí hơn là đẳng cấp, bản lĩnh hay độ “chì”.

Khi đang còn độ trẻ và chỉ vừa chớm phát lộ tài năng, anh đã phải đi chỉnh lại cái đầu gối bởi một pha vào bóng ác ý. Đấy chỉ là một tình huống rất bình thường, trong một buổi tập bình thường. Sự khắc nghiệt và tàn nhẫn ấy đã làm thay đổi hẳn tư duy đá bóng của anh. Nó chẳng còn hồn nhiên nữa mà đậm chất tính toán, đề phòng và cả thủ đoạn giữa những người cùng kiếm cơm làm bóng đá. Có lẽ cũng bởi thế, với cá tính hiền lành của mình Tú “con” rất thanh thản giải nghệ sớm dù không phải không có lời mời.

Cũng hôm qua, cựu tuyển thủ U.23 Nguyễn Tuấn Phong – nay đang làm công tác giảng dạy tại trung tâm bóng đá PVF – nhìn nhận về tình trạng bạo lực hóa trong cách đá bóng của các đàn em đã đăng tải những chia sẻ của mình trên mạng xã hội: “Hãy tin vào luật nhân quả, cách đây một năm mình bị một cầu thủ bay đạp vào ống quyển phải ra sân, cũng may là chỉ bị sưng và chảy máu. Đúng một năm sau cầu thủ này lại bị giống tình huống như vậy nhưng còn nặng hơn mình nhiều lần vì gãy xương phải nhập viện. Nhưng dù sao cũng mong cho cầu thủ này sớm bình phục…..”.

Phải, hãy tin vào luật nhân quả!

2. Ông bà vẫn có câu “ác giả, ác báo”. Những cầu thủ nặng về lối đá bạo lực, nói như lời Tuấn Phong sẽ gặp lại quả báo. Nó cũng như việc trung vệ thép một thời Huy Hoàng từng ăn quả đắng và tưởng “đi” rồi trong một pha bóng tưởng triệt được ai ngờ bị người hạ. Nhưng, có thực sự lỗi là của “bọn cầu thủ mất dạy”, như lời các bầu bóng đá vẫn hay gọi?

“Dạy con từ thuở còn thơ”, ai cũng biết câu này cả. Trong bóng đá, hỏi vị nào cũng rất dễ và nhanh nghe được những điều quan trọng nhất trong đào tạo trẻ, đặc biệt là đạo đức, ý thức, tính chuyên nghiệp. Thông thường, kèm theo đấy sẽ là những bình phẩm chối tai về bọn cầu thủ “văn hóa lùn”, chẳng bằng cha ông ngày xưa… đại loại thế.

Nhưng, nếu bóng đá là phản ánh các mặt của xã hội thì cầu thủ cũng vậy. Bởi họ là hạt nhân, là tinh túy và cũng là sản phẩm hữu hình nhất của một nền bóng đá. Nói cầu thủ “mất dạy”, thay vậy phải nói những người có trách nhiệm đã đào tạo ra cái sự “mất dạy” ấy. Trong cái nền bóng đá nơi lòng tự trọng, trách nhiệm với đồng nghiệp và với nghề vẫn là thứ xa xỉ, thì là ảo tưởng nếu đòi hỏi cầu thủ phải có ý thức nghề như trời Âu.

3. Không có cái gì tự nhiên sinh ra. Quân U.19 của học viện HA.GL Arsenal JMG tạo tiếng vang, khiến đồng bào cả nước nức lòng yêu thương nhờ giỏi trên sân, mã thượng trong phong cách, tinh khôi trong tư duy chơi bóng và chuẩn mực trong giao tiếp. Đấy là nhờ cách dạy học và rèn giũa chặt chẽ, nghiêm túc của học viện, rõ hơn là bầu Đức vậy.

Nếu là thế thì ở mặt đối lập, việc rất nhiều cầu thủ khiến người ta khó chịu bởi lối đá bóng “mất dạy”, hung ác và coi rẻ tính mạng đồng nghiệp hay suy nghĩ nặng kim tiền, bán độ, cá cược thực chất cũng chẳng tự nhiên mà có. Cái gì cũng phải có quá trình. Mà riêng việc này chẳng còn là giai đoạn ngắn mà đã hòa nhập thành văn hóa bóng đá Việt rồi.

Ủng hộ quyết tâm chấn chỉnh văn hóa bóng đá của những người có trách nhiệm. Việc đưa ra án phạt nặng cho Đình Đồng là quyết định dũng cảm. Nhưng xin đừng buồn nếu sự ủng hộ nó chỉ chừng mực bởi truyền thống “ứng biến” của các vị khiến người ta, thực sự, không tin lắm về sự nhất quán. Liệu án phạt của Đình Đồng sẽ là chuẩn mực để từ đấy BTC các giải đấu cũng như VFF tham khảo để đưa ra những quyết định tương tự với các hành vi tương tự? Và, nó sẽ kéo dài bao lâu? Hay sẽ rồi lại ngay sau đấy xuề xòa xoa tay: “Em nó không cố ý”, dù cả cái xã hội này phải đầu tắt mặt tối kiếm cơm nhưng chỉ cần một cái liếc qua pha chiếu chậm là biết tay ấy cố tình triệt hạ nhau hay không rồi?

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/the-thao/cuu-den-hay-tien-le-tot-c9a171393.html