Cứu giếng Thiên Quan (Văn Miếu - Quốc Tử Giám): Cẩn trọng để không làm mất hồn cốt di tích

Giếng Thiên Quang - một hạng mục quan trọng của Khu Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) đang có dấu hiệu xuống cấp. Nền đất bị sụt lún, móng của đoạn tường lan can bị trôi ra - ảnh hưởng nghiêm trọng đến kiến trúc chung của khu di tích. Theo các chuyên gia, cần phải thực hiện ngay việc tu sửa để bảo vệ, nhưng không được làm mất đi vẻ cổ kính, hồn cốt của khu di tích.

Giếng Thiên Quang đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng và đang được quây tôn để bảo vệ. Ảnh: TRẦN VƯƠNG

Xuống cấp nghiêm trọng

Cùng với Khuê Văn Các, giếng Thiên Quang là một hạng mục quan trọng trong khu Nội tự với tổng diện tích khoảng 900m2, móng được xây gạch vồ đặc, hệ thống tường lan can bao quanh giếng được xây gạch chỉ đặc trát vữa ximăng xen kẽ các ô hoa văn bằng gốm. Giếng hình vuông, xung quanh có đường nhỏ lát gạch để có thể dạo quanh giếng, vào cửa Đại Thành hoặc rẽ sang hai vườn bia Tiến sĩ ở hai bên. Đây là một hạng mục quan trọng phản ánh giá trị về mặt kiến trúc, có ý nghĩa to lớn về mặt tâm linh trong khu di tích.

Tuy nhiên, hạng mục này đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Nền đất bị sụt lún, một số đoạn móng kè không còn bảo đảm tính bền vững, nhiều đoạn móng bị trôi ra. Sức chịu lực của các khu vực quanh giếng không được đảm bảo. Hiện nay toàn bộ khu vực giếng Thiên Quang đã được bảo vệ bằng hàng rào tôn, phía ngoài được bao bọc và trang trí bằng các hình ảnh của khu di tích.

Anh Dương Văn Viết (Bắc Ninh) - khách tham quan khu di tích - cho hay: “Vị trí giếng Thiên Quang là nơi hầu hết ai đến cũng đứng lại để chụp hình lưu niệm. Nhưng hiện tại giếng đang được bao phủ bởi hàng rào và những bức tranh nên cảnh quan không được thoáng rộng như trước. Rất mong các cơ quan chức năng nhanh chóng có phương án tu sửa để bảo tồn di tích”.

Theo TS Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Khảo sát ban đầu cho thấy giếng đang có những dấu hiệu xuống cấp. Do ảnh hưởng lên xuống của mực nước bên trong giếng gây tác động xâm thực vào khối xây có chất lượng thấp, nền đất yếu dễ bị cuốn theo gây sạt lở tạo thành hàm ếch dưới móng, kéo theo sự lún sụt khối xây móng. Hàng gạch cuối cùng dưới đế móng hiện tại đã bị lún tụt khiến nước tràn vào bên trong đế móng, gây xói mòn đất bên dưới đế móng, khiến cho móng càng dễ bị lún sụt dẫn đến phá hủy công trình. Khu vực này cũng có khá nhiều người đi lại, tập trung nên tác động lên nền đất yếu khiến mặt nền bị sụt lún.

Không được làm mất vẻ cổ kính

TS Lê Xuân Kiêu cũng cho hay, Trung tâm đã tổ chức các cuộc họp lấy ý kiến về việc này. Đơn vị cũng đã gửi các văn bản đến Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và các ngành chức năng xin ý kiến về việc sửa chữa, tu bổ hạng mục này. Hiện nay khu vực giếng đang được bao bọc bởi các hình ảnh, hoạt động của Văn Miếu từ xưa đến nay. Điều này giúp bảo vệ du khách không bị nguy hiểm do sự xuống cấp của hạng mục và cũng nhằm giới thiệu hình ảnh của khu di tích lịch sử đặc biệt này.

Trao đổi với PV Lao Động, PGS-TS Đinh Thị Vân Chi - nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Văn hóa Hà Nội - cho hay: “Việc hạng mục của khu di tích xuống cấp cần phải được nhanh chóng có phương án tu bổ, sửa chữa, tránh để hư hỏng. Tuy nhiên đây là một di tích quốc gia đặc biệt, do đó việc tái tạo, tu sửa như thế nào cần phải lấy ý kiến các chuyên gia văn hóa, nhà khoa học một cách kỹ lưỡng, thận trọng. Tiến hành sửa chữa, nâng cấp nhưng không làm mất đi cái hồn cốt và giữ được kiến trúc cổ kính của công trình”.

Vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có văn bản báo cáo UBND TP.Hà Nội xin ý kiến chỉ đạo để nghiên cứu kế hoạch khảo sát, đánh giá tổng thể hiện trạng giếng Thiên Quang và xây dựng phương án tu bổ nhằm giữ gìn cảnh quan, kiến trúc khu vực giếng và đảm bảo an toàn đối với hoạt động tham quan, tìm hiểu của du khách tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

“Việc sửa chữa, cứu giếng Thiên Quang là hết sức cần thiết. Giếng là một công trình đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lớn về mặt kiến trúc, tâm linh, do đó khi tiến hành sửa chữa, tu bổ phải giữ được tính nguyên trạng và phù hợp với quy hoạch tổng khu di tích. Việc tu bổ không được làm mất đi nét cổ kính vốn có và thay đổi về mặt kiến trúc tổng quan. Công tác này cũng phải được thực hiện hết sức cẩn thận, sao cho phù hợp với công ước quốc tế về bảo tồn di tích đặc biệt này”.

(TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố)

VƯƠNG TRẦN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa/cuu-gieng-thien-quan-van-mieu-quoc-tu-giam-can-trong-de-khong-lam-mat-hon-cot-di-tich-683957.bld