Cứu nhà cổ để phục vụ du lịch

PN - Tại TP.HCM, bên cạnh những dinh thự, công sở, nhà thờ cổ mang kiến trúc Pháp còn sót lại, những ngôi nhà cổ mang kiến trúc dân gian truyền thống của người Việt cũng là điểm thu hút du khách tham quan. Thế nhưng, hiện nhiều ngôi nhà như thế đang có nguy cơ bị xóa sổ.

Dấu xưa quý giá Nếu dựa vào tiêu chí của ngành bảo tồn di tích thì để được gọi là nhà cổ dân gian truyền thống, ngôi nhà ấy phải đạt hai yếu tố cơ bản: trên 100 tuổi và phải mang phong cách kiến trúc dân gian truyền thống. Đến thời điểm này, tại TP.HCM, số nhà cổ truyền thống chỉ còn lại chưa đầy 10 căn. Hai căn nhà cổ còn tương đối nguyên vẹn, đẹp, nằm gần trung tâm thành phố, thuận tiện cho du khách tham quan là căn số 34/14, khu phố 5 và căn số 18/9 khu phố 7, thị trấn Nhà Bè. Trong đó, căn số 34/14 xây dựng vào năm 1864, được đánh giá là một trong những ngôi nhà cổ nhất nhưng vẫn còn giữ nguyên vẹn kiến trúc. Nội thất gần như làm toàn bằng gỗ với thời gian gần 150 năm. Bàn, ghế, tủ thờ đều bóng lên màu thời gian. Đặc biệt, nhiều đồ trang trí như đèn treo được sản xuất từ thời Pháp, rồi hoành phi, câu đối, liễn, bao lam... được chạm trổ tinh xảo. Chủ nhân ngôi nhà cho biết, đã có nhiều đoàn làm phim đến mượn nơi này chọn làm cảnh quay về cuộc sống của những địa chủ giàu có ở Nam bộ xưa. Nhà cổ số 18/9 xây dựng sau căn nhà 34/14 (khoảng năm 1900), kiến trúc vẫn còn khá đẹp. Căn nhà này "lai" kiến trúc Pháp, nhưng vẫn thể hiện rõ đặc tính của nhà truyền thống dân gian Việt. Một căn nhà cổ của Sài Gòn xưa Nhà nghiên cứu Nguyễn Tấn Tự (Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển) cho biết, ở Q.9 có hai ngôi nhà cổ của ông Huỳnh Hữu Thời và Nguyễn Minh Chính. Nhà của ông Nguyễn Minh Chính xây dựng cách nay hơn 100 năm còn khá kiên cố, kiến trúc dường như không bị thay đổi theo thời gian. Nhà trước được thiết kế ba gian hai chái, có hai lối đi gắn kết với nhà sau. Đặc biệt, nền của nhà được lát bằng gạch lục giác màu đỏ. Loại gạch này rất hiếm thấy trong những căn nhà cổ khác trên địa bàn thành phố hiện nay. Ở huyện Bình Chánh chỉ còn căn nhà cổ của ông Huỳnh Kim Phú (107A/4 ấp 1, xã An Phú Tây). Nhà được xây dựng theo kiểu ba gian hai chái, nóc bánh ú, có 36 cột gỗ, các đầu kèo đều được chạm khắc hoa văn hình rồng... Tất cả nhà cổ đều là những viên ngọc quý của thành phố hôm nay. Giữ nhà cổ, được nhiều thứ Ông Trần Long – Tổng giám đốc Công ty cổ phần du lịch Việt cho rằng: "TP.HCM rất thiếu những điểm tham quan cho du khách, đặc biệt là du khách quốc tế, dẫn đến việc thời gian lưu trú của khách rất ngắn. Nếu có thêm điểm tham quan như khai thác nhà cổ sẽ vừa có thêm những sản phẩm du lịch đậm chất văn hóa, vừa hiệu quả về mặt kinh tế vì kéo được khách lưu lại thêm". Tuy nhiên, việc trùng tu nhà cổ hiện vẫn là việc cá nhân. Khi chủ nhà chưa có điều kiện, thì nhà bị xuống cấp trầm trọng hoặc chủ nhà sửa chữa theo ý muốn của họ, nên đã làm biến dạng ngôi nhà. Nếu không có sự trùng tu kịp thời và đúng nguyên tắc, có nguy cơ làm mất giá trị của những ngôi nhà cổ. Bà Trần Thị Kim Hồng - con dâu đời thứ ba của chủ căn nhà 34/14 cho biết: Chính quyền đã nhiều lần yêu cầu gia đình giữ nguyên chất cổ cho căn nhà nhưng lại không tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí, gia đình phải tự chống đỡ. Mong các cơ quan chức năng quan tâm để có hướng bảo vệ ngôi nhà. Thạc sĩ Trương Hoàng Phương – GĐ tiếp thị Công ty du lịch Vietmark cho biết, anh từng đi tìm lại những ngôi nhà cổ của Sài Gòn xưa để khai thác làm sản phẩm du lịch văn hóa, nhưng những ngôi nhà cổ truyền thống tại TP.HCM hầu hết đều đang "hấp hối". Phần lớn đã bị không gian đô thị xây dựng lấn chiếm, cảnh quan xung quanh bị xâm phạm nặng nề. Nhiều căn nhà "lọt thỏm" trong khu dân cư xây dựng mới không quy hoạch, xóa sạch cả di tích không gian vườn tược, ao hồ. Theo thạc sĩ Phương, nếu ngành du lịch và ngành bảo tồn di sản cùng quyết tâm làm "sống" lại những ngôi nhà cổ thì trước mắt, cần có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Sau đó, chọn những ngôi nhà đủ điều kiện để đưa du khách đến tham quan. Bên cạnh đó, nên tổ chức cho khách ăn bữa cơm của người Nam bộ xưa trong ngôi nhà cổ; chủ nhà kể những câu chuyện về ngôi nhà cổ của họ, du khách cùng sinh hoạt với gia chủ... Nếu làm tốt, chắc chắn sẽ rất hấp dẫn. KTS Nguyễn Trường Lưu – Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, cho rằng, một thành phố đẹp phải có dấu ấn thời gian, trong đó những ngôi nhà cổ sẽ điểm xuyết cho đô thị có chiều sâu văn hóa hơn. Nhà cổ ở TP.HCM còn là chứng minh cụ thể cho Sài Gòn – TP.HCM hơn 300 năm. Vì thế, TP.HCM cần có một chương trình trùng tu, tôn tạo lại những ngôi nhà cổ, nhất là để người dân sống được trong căn nhà cổ ấy, tránh trường hợp người dân "sống dở, chết dở" khi nhà mình được xếp vào hàng di tích. Lương Thế Vy

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/dulich/2010/Pages/cuu-nha-co-de-phuc-vu-du-lich.aspx