Cựu Phó Thống đốc bị khởi tố và 'khoảng lặng' trách nhiệm

Ông Đặng Thanh Bình đến nay là người từng nắm cương vị cao nhất tại Ngân hàng Nhà nước bị khởi tố sau hàng loạt các đại án ngân hàng rúng động.

Tổ giám sát mà không giám sát

Sau hơn 1 tháng kết thúc điều tra và đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” với 4 bị can nguyên tổ trưởng và tổ phó, thành viên Tổ giám sát NHNN tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Xây dựng (VNCB), chiều qua, Cơ qua CSĐT, Bộ Công an tiếp tục có quyết định khởi tố bị can đối với ông Đặng Thanh Bình, nguyên Phó Thống đốc NHNN cũng với tội danh “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổ giám sát của NHNN đặt tại VNCB.

Tháng 2/2012, NHNN có Tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm soát và đánh giá để có giải pháp cơ cấu 6 ngân hàng TMCP có tình hình hoạt động yếu kém, trong đó có Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Tín - TrustBank (sau đổi tên thành ngân hàng Xây dựng – VNCB).

Đến tháng 3/2012, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015”. Trên cơ sở đó, NHNN giao Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, NHNN chi nhánh Long An đặt Tổ giám sát tại TrustBank.

Tổ công tác gồm: ông Hà Tuấn Phước, nguyên Phó Giám đốc NHNN - Chi nhánh tỉnh Long An, nguyên Tổ trưởng Tổ giám sát; ông Phạm Thế Tuân, nguyên Tổ phó tổ giám sát, thành viên Hội đồng thành viên Trustbank cùng 2 thành viên tổ giám sát NHNN là ông Ngô Văn Thanh, Phó phòng Kiểm tra, giám sát tuân thủ Ngân hàng Thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Long An và ông Lê Văn Thanh, Chánh Thanh tra NHNN - Chi nhánh Long An.

Ông Đặng Thanh Bình thời điểm đó đương chức Phó Thống đốc NHNN phụ trách trực tiếp mảng thanh tra, giám sát ngân hàng, là người chỉ đạo, quản lý trực tiếp các Tổ giám sát tham gia vào quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém.

Nhiệm vụ của Tổ giám sát là tiến hành thanh tra đột xuất và yêu cầu TrustBank thực hiện kiểm toán độc lập; triển khai phương án tái cơ cấu bằng phương án chấp thuận để nhóm các nhà đầu tư mới, đại diện là ông Phạm Công Danh, mua lại cổ phần của nhóm Phú Mỹ và tham gia tái cơ cấu ngân hàng.

Tất cả những giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên của TrustBank lúc đó đều nằm dưới sự giám sát của Tổ giám sát của NHNN trước khi thực hiện và cần được sự phê duyệt của Tổ giám sát.

Tuy nhiên, theo cáo trạng thì Tổ giám sát đặt tại TrustBank đã không thực hiện hoặc thực hiện không làm đúng nhiệm vụ được giao trong việc giám sát, để Phạm Công Danh rút hơn 18.000 tỷ đồng, trong đó có 15.670 tỷ đồng không thể thu hồi được. Trong số hơn 18.000 tỷ đồng rút ra có hơn 9.000 tỷ đồng có xin ý kiến Tổ Giám sát. Hành vi thiếu trách nhiệm của Tổ giám sát được cho là một trong các nguyên nhân dẫn đến hậu quả xảy ra tại VNCB.

Vai trò của NHNN ở đâu sau các đại án ngân hàng?

Nếu chiểu theo các quy định hiện hành thì vai trò thanh tra, giám sát của NHNN với các NHTM là rất lớn, có thể nói là như nắm trong tay quyền sinh, quyền sát.

Ngân hàng vốn là một lĩnh vực nhạy cảm, một ngân hàng chỉ cần bị đưa vào diện cảnh báo của Cơ quan Thanh tra, giám sát NHNN là đã phải sẵn sàng đối mặt với nguy cơ khách hàng ào tới rút tiền, dẫn tới mất thanh khoản, mọi hoạt động tín dụng đều bị soi xét và giới hạn. Vậy, tại sao những chuyện như “con voi chui lọt lỗ kim” vẫn xảy ra tại các ngân hàng có Tổ giám sát ngân hàng ở ngay đó?

Trong một câu chuyện tương tự diễn ra tại Oceanbank, khi Hội đồng xét xử chất vấn đại diện của NHNN về vai trò quản lý, giám sát và cảnh báo rủi ro với Oceanbank, đại diện NHNN cho biết có ba kết luận thanh tra gửi OceanBank vào các năm 2012, 2014, 2015, qua đó phát hiện một số sai phạm và yêu cầu khắc phục. Tuy nhiên, ngân hàng này không thực hiện nghiêm, đến giữa năm 2015 NHNN mua lại OceanBank với giá 0 đồng sau khi phát hiện âm vốn 14.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo cựu Chủ tịch HĐQT OceanBank Hà Văn Thắm: OceanBank chi lãi suất ngoài hợp đồng trong thời gian dài mà "không thấy ai nhắc nhở gì". Cụ thể là “sai phạm” đã manh nha từ năm 2009 và mãi tới năm 2014 mới dừng lại sau khi ngân hàng này bị mua lại 0 đồng.

Theo các giám đốc chi nhánh của Oceanbank thì đúng là trong khoảng thời gian từ 2011-2014 Oceanbank đều có các đoàn thanh, kiểm tra của NHNN tới làm việc. Tuy nhiên, trong kết luận kiểm tra đều không thấy nói Oceanbank có sai phạm gì cụ thể cần khắc phục, đặc biệt không thấy nhắc tới việc sai phạm trong "chi lãi suất ngoài hợp đồng".

Không chỉ là trách nhiệm của riêng cơ quan thanh tra, giám sát. Như Nhadautu.vn từng đặt vấn đề, hàng loạt ông chủ ngân hàng bị bỏ tù, thế nhưng trách nhiệm của cấp có thẩm quyền phê chuẩn cho các vị này ngồi vào ghế chủ ngân hàng để rồi từ đó mà ‘tự tung tự tác’, dường như lại chưa được đặt ra một cách sòng phẳng?

Việc bổ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT là thông qua đại hội cổ đông, nhưng phải được phê chuẩn của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng. Nghị định số 59/2009/NĐ-CP ngày 16/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của ngân hàng thương mại cấm những trường hợp từng bị kết án về các tội từ tội phạm nghiêm trọng trở lên làm thành viên HĐQT, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc ngân hàng.

Vậy vì sao với một người đã có tiền án 6 năm tù giam như ông Phạm Công Danh vẫn được phê chuẩn, bổ nhiệm chức danh cấp cao tại VNCB, dẫn tới những hệ lụy như hiện nay? Nếu ông Danh không được bổ nhiệm và phê chuẩn chức vụ Chủ tịch HĐQT thì liệu có xảy ra "đại án" hay không?

Theo Nhadautu

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/tin-tuc/cuu-pho-thong-doc-bi-khoi-to-va-khoang-lang-trach-nhiem-225428/