Đa dạng mâm cỗ ngọt cúng Rằm tháng Giêng

Trong ngày Rằm tháng Giêng, ngoài các món mặn dâng lên bàn thờ gia tiên, nhiều gia đình lựa chọn mâm cỗ ngọt với đủ loại từ bánh trôi, bánh bao... đến xôi, chè cùng đa dạng các kiểu tạo hình, mẫu mã khác nhau.

Mâm cỗ chay gồm bánh trôi, thạch, bánh đậu xanh hoa quả... Ảnh: TL

Đa dạng mâm cỗ ngọt

Để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, nhiều quán ăn, đơn vị cung cấp dịch vụ làm cỗ đã nhộn nhịp lên thực đơn chào bán mâm cỗ Rằm tháng Giêng để khách hàng lựa chọn và đặt hàng.

Chủ một cửa hàng chuyên phục vụ các món chay trên phố Nguyễn Hữu Huân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, đây là năm thứ 2 nhà bếp đưa món ngọt vào trong thực đơn mâm chay nhờ gợi ý của nhiều khách hàng thân thiết. Cửa hàng của chị bày bán đến hàng chục món ăn ngọt như bánh bao, thạch rau câu, xôi, chè, bánh ngải, bánh trôi, bánh dày…

Bánh bao tạo hình trái đào tiên được nhiều gia đình ưa chuộng.

Bánh bao tạo hình trái đào tiên được nhiều gia đình ưa chuộng.

Ngày rằm tháng Giêng âm lịch là Tết Nguyên Tiêu, đêm trăng đầy nhất của tháng đầu tiên trong năm. Ngày này, người dân thường mua xôi, chè, trái cây và đồ chay để cúng Trời - Phật - Thánh một cách thành kính. Do đó, xôi, chè là món bán chạy nhất trong ngày này.

Theo chủ cửa hàng, bánh bao là mặt hàng hút khách nhất trong mâm cỗ ngọt được bày bán tại đây. Chỉ tính riêng bánh bao cũng có đến hàng chục mẫu mã, màu sắc, giá cả khác nhau, tùy vào sở thích của người tiêu dùng.

Trong đó, bánh bao hình hoa sen cốm dừa có giá 120.000 đồng/set 5 bánh; bánh bao hình đào sen cốm dừa có giá 130.000 đồng/set; bánh bao tạo hình quýt kim sa có giá 100.000 đồng/set; bánh bao đào sen chay 55.000 đồng - 85.000 đồng/set, tùy màu; bánh bao túi tiền chay 65.000 đồng/set 3 chiếc; bánh bao túi tiền nhân đậu đỏ có giá 85.000 đồng/set 3 chiếc…

Không chỉ bánh bao, nhiều món ngọt phổ biến khác cũng được người dân ưa chuộng như bánh xu xê cốm dừa có giá 100.000 đồng/10 cái, bánh mochi cốm non 80.000 đồng/set 6 chiếc, bánh gio 50.000 đồng/10 chiếc.

Các món ngọt, món chay quen thuộc cũng được bổ sung trong thực đơn mâm cỗ ngọt như bánh ngải 70.000 đồng/set 10 chiếc, bánh dày ngũ sắc kèm muối vừng 80.000 đồng/set, bánh da lợn hoa sen 60.000 đồng/10 cái kèm cốt dừa, xôi ngũ sắc 75.000 đồng/mẹt, xôi cốm sen dừa 130.000 đồng/nửa kg…

Ngoài ra, chè trôi nước, plan bạch liên hoa cũng góp mặt trong nhiều mâm cỗ ngọt tại nhiều gia đình Việt.

Nhìn chung, giá thành các món ngọt không biến động nhiều so với ngày thường. Nhiều các loại bánh được cửa hàng sáng tạo bằng cách tạo hình khác lạ, bắt mắt.

“Một mâm cỗ ngọt 6 món có giá khoảng 700.000 đồng - 1,8 triệu đồng, tùy từng món. Thông thường, cửa hàng chỉ gợi ý một số set cơ bản để người tiêu dùng tham khảo. Khách hàng tới đây đều chủ động lựa chọn từng món riêng lẻ để tạo thành một mâm cỗ đầy đủ theo sở thích và túi tiền của mình” - chủ cửa hàng chia sẻ.

Chè trôi nước hình bông sen đắt khách

Chè trôi hoa sen.

Chè trôi hoa sen.

Khảo sát ở TP. Hồ Chí Minh cho thấy, mỗi chén chè trôi nước thông thường có giá 15.0000 - 30.000 đồng (tùy số lượng viên), xôi 15.000 - 30.000 đồng một đĩa. Khác với mọi năm, năm nay nhiều cơ sở bán thêm các loại xôi chè ngũ sắc được nặn hình bông sen lạ mắt có giá dao động 55.000 - 100.000 đồng. Xôi, chè ngũ sắc hình bông sen 50.000 - 85.000 đồng/chén hoặc đĩa hút khách với số lượng đặt hàng tới hàng nghìn sản phẩm.

Chủ cơ sở ở chuyên bán xôi chè ở TP. Hồ Chí Minh cho biết, chè trôi nước hình bông sen được đặt nhiều nhất cho ngày cúng rằm tháng Giêng. "Chỉ trong 2 ngày tôi nhận khoảng 1.000 viên chè trôi nước nhiều màu kèm hình bông sen, tăng gấp đôi so với năm ngoái" - chủ cửa hàng cho biết.

Chè ngũ sắc hút khách.

Chè ngũ sắc hút khách.

Theo các cơ sở, năm nay để chuẩn bị cho Tết Đoan Ngọ, họ đã rao bán xôi, chè hình thù bắt mắt từ 5 ngày trước đó. Do đó, lượng đặt hàng đã tăng đột biến gấp 2-4 lần so với năm ngoái.

Màu hoa sen và trôi, xôi ngũ sắc được làm từ màu sắc hoàn toàn tự nhiên, không phẩm màu, không hóa chất. Đối với những loại xôi, chè có 5 màu: gồm màu trắng, màu tím của lá cẩm, màu xanh lá nếp, màu vàng của nghệ, màu đỏ của gấc...

Nhiều người quan niệm màu ngũ sắc tượng trưng cho ngũ hành, mang lại hạnh phúc, sự may mắn cho gia chủ. Còn hình hoa sen tượng trưng cho sức mạnh, quyền lực và sự thiêng liêng, tôn kính dành cho Đức Phật

Dịp này các gia đình rất chuộng các loại xôi, chè hình hoa sen. Chúng không chỉ đẹp mắt, thơm ngon còn mang nhiều ý nghĩa đặc biệt. Mỗi chén chè trôi nước có khoảng 5 viên nhỏ kèm bông sen hồng, trắng hoặc xanh.

Các cơ sở cho biết, thời gian ngâm, nhào bột phải đúng thì bột mới ngon, mềm, dẻo để lâu không bị cứng. Thời gian để làm các loại này gấp đôi so với loại thông thường nên giá đắt hơn. Để tạo khối cho chúng, người thợ phải nặn thủ công từng bông hoa và làm màu cho chúng.

Bên cạnh xôi, chè, các loại bánh thỏi vàng, đào tiên, hũ vàng cúng bán khá chạy. Giá các chiếc bánh này dao động 120.000 - 300.000 đồng, giảm 15% so với năm ngoái.

Cùng với các nhóm đồ chay, thịt heo quay, gà cúng được nhiều gia đình chuộng và mua về cúng dịp này. Tuy nhiên, giá các sản phẩm này được giữ nguyên và không tăng giá.

Khảo sát tại các chợ truyền thống ở TP. Hồ Chí Minh cho thấy, hoa sen là sản phẩm được đặt mua nhiều nhất. Giá mỗi bó hoa sen tăng 20.000 - 30.000 đồng lên 100.000 - 120.000 đồng.

Hiện, hầu hết giá bán các mặt hàng hoa quả, trái cây hầu hết ổn định so với cận và sau Tết Nguyên đán. Một vài loại trái cây còn giảm khoảng 10% so với trong Tết như bưởi, xoài...

Hà Anh (tổng hợp)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/da-dang-mam-co-ngot-cung-ram-thang-gieng-145585.html