Da đầu 'kêu cứu' mỗi lần bạn tẩy tóc

Giới trẻ hiện nay rất thích chạy theo mốt, đặc biệt là màu tóc. Mỗi lần nhuộm tóc mới là một lần tẩy tóc, đó là nguyên nhân dẫn đến da đầu của bạn bị hư hại.

Tẩy tóc gây nguy hiểm cho sức khỏe của bạn đặc biệt là da đầu

Nhận diện nguy hiểm

Với thành phần hydrogen peroxide (H2O2), một loại hóa chất có tính oxy hóa cao, tính tẩy mạnh, khi kết hợp cùng amoniac và chất tạo màu, thuốc tẩy tóc có thể làm phá vỡ tế bào biểu bì (còn gọi là lớp cutin) của tóc. Và khi đi vào lớp biểu bì tóc, hợp chất peroxide sẽ phóng oxy, làm mất màu tóc. Điều này làm cho tóc trở nên nhạt và sáng màu hơn màu tóc nguyên bản. Thuốc nhuộm nhờ thế sẽ lên màu chuẩn hơn, đều và đẹp hơn; nói dân dã là tóc “ăn” thuốc hơn. Tẩy tóc cũng thường được áp dụng khi bạn muốn nhuộm màu mới trong khi màu tóc nhuộm cũ vẫn chưa phai hết.

Theo các chuyên gia chăm sóc tóc, với đặc tính tóc của người châu Á thường sẫm màu (từ nâu đậm đến đen) nên hầu hết mọi người muốn nhuộm tóc đều phải qua công đoạn tẩy màu tóc. Tùy màu nhuộm mà các thợ làm tóc có thể chọn loại thuốc tẩy có nồng độ peroxide 3%, 6% hay 8% để có hiệu quả khác nhau. Dĩ nhiên là thuốc tẩy nồng độ peroxide thấp sẽ tốt hơn cho tóc nhưng hiệu quả tẩy lại không cao. Trong khi loại có nồng độ cao sẽ giúp việc tẩy tóc nhanh nhưng lại có nhiều rủi ro, nhất là khi thuốc tẩy đọng lại trên tóc trong thời gian dài.

Mặt trái của cái đẹp

Rút gọn quy trình: Da đầu kêu cứu

Về nguyên tắc, trước khi áp dụng hóa chất tẩy tóc, cần phải thực hiện bước bảo vệ da đầu nhằm hạn chế tối đa tác động xấu của hóa chất lên da đầu. Các chất bảo vệ da đầu có thể chứa thành phần acid béo như omega-3 hoặc omega-6 giúp tạo thành hàng rào bảo vệ ngăn cản tiếp xúc trực tiếp của hóa chất với da đầu, đồng thời khử bớt các độc tính của những hóa chất này.

Tuy nhiên, hầu hết các hiệu làm tóc đều bỏ qua công đoạn này để giảm chi phí hoặc công sức, thời gian. Vì vậy, khi tiếp xúc với da đầu, thuốc tẩy tóc không chỉ tẩy màu tóc mà còn làm biến đổi màu da. Một sự cố khá nguy hiểm nữa là khi tiếp xúc trực tiếp, thuốc có thể khiến da đầu bị kích ứng gây ngứa, bỏng, nổi mẩn đỏ và đau rát. Tình trạng xảy ra khi da đầu mẫn cảm với thành phần của thuốc.

Tẩy màu, “tẩy” luôn dưỡng chất

Theo PGS.TS Phạm Gia Điền, Viện Hóa học, Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam, về bản chất, tất cả các chất tẩy màu tóc đều loại bỏ melanin - chất tạo màu đen cho tóc. Các chất tẩy này đều có khả năng oxy hóa mạnh, gây biến đổi tính chất cơ lý của tóc. Khi thuốc tẩy tiếp xúc với tóc, chúng sẽ làm sợi tóc nở ra, lớp biểu bì bọc sợi tóc bị vỡ. Quá trình này khiến cấu trúc tóc xốp hơn trước rất nhiều. Tóc bị mất độ ẩm và dưỡng chất nên dễ bị khô, mất đi độ óng mượt, trở nên giòn và dễ hư tổn. Lớp biểu bì bị vỡ cũng dẫn đến tình trạng tóc dễ bị đứt gãy, xơ xác.

Như vậy, không chỉ làm mất màu tóc nguyên bản, thuốc tẩy tóc còn triệt tiêu cả dưỡng chất và độ ẩm vốn có của tóc. Vì vậy, hãy cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định giao phó mái tóc cho thuốc tẩy.

Đẹp an toàn

Theo các chuyên gia về tóc, nếu tẩy tóc đúng kỹ thuật và đúng nồng độ cho phép thì sẽ phát huy được hiệu quả mà không làm ảnh hưởng lớn đến tóc. Hư tổn nặng chỉ xảy ra khi chúng ta liên tục tẩy và nhuộm tóc. Vì vậy, họ khuyên bạn chỉ nên tẩy, nhuộm tóc ít nhất sau 3-6 tháng (tính từ lần nhuộm gần nhất). Đây là khoản thời gian cần thiết để mái tóc phục hồi, trở lại trạng thái bình thường sau khi tiếp xúc với hóa chất.

Bạn cũng nên yêu cầu người làm tóc thực hiện đầy đủ các khâu bảo vệ da đầu trước khi áp dụng thuốc tẩy tóc. Sử dụng dầu hấp đặc trị trong quá trình tẩy để giảm đến mức thấp nhất tác hại của thuốc.

Bên cạnh đó, chế độ chăm sóc đặc biệt cho tóc sau khi tẩy, nhuộm cũng hết sức quan trọng; bạn nên:

- Chăm sóc với dầu gội và dầu xả chuyên biệt dành cho tóc nhuộm. Loại này ít chất tẩy, sẽ giúp màu nhuộm bám trên tóc lâu hơn, mặt khác chúng còn cung cấp vitamin và dưỡng chất nuôi dưỡng tóc, tăng cường độ ẩm cho tóc, nhờ vậy, có thể làm giảm tốc độ tổn thương, giúp tóc nhanh chóng phục hồi.

- Hạn chế sấy, ép, duỗi, sau khi tẩy, nhuộm tóc để tránh làm tóc khô và xơ xác hơn.

- Đội mũ, tránh nắng cho tóc khi đi ra ngoài trời nắng, tránh để ánh nắng mặt trời tiếp xúc trực tiếp, làm tóc thêm khô, dễ bị cháy và chẻ ngọn.

- Sau khi nhuộm tóc, hãy để từ hai đến ba ngày sau mới gội vì lúc đó tóc mới thấm thuốc. Nếu gội đầu quá sớm, dầu gội, có chứa chất hóa học mang tính kiềm, sẽ làm phai màu tóc.

Lê Thúy

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/lam-dep/da-dau-keu-cuu-moi-lan-ban-tay-toc-151033/