Đã đến lúc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT

Đó là ý kiến của thạc sĩ, luật sư Trịnh Hữu Chung, Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế Hồng Bàng.

Thạc sĩ, Luật sư Trịnh Hữu Chung, Phó Hiệu trưởng ĐH Quốc tế Hồng Bàng (Ảnh: NV)

Thưa ông, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT những năm gần đây đều rất cao, nhiều tỉnh có tỷ lệ đỗ gần 100% khiến dư luận băn khoăn về chất lượng thực tế của kỳ thi này. Cá nhân ông có suy nghĩ thế nào?

- Tôi nghĩ rằng, liên quan đến vấn đề đào tạo, dạy học nên theo xu thế chung của thế giới. Nhiều nước tiên tiến hiện nay đã bỏ được kỳ thi tốt nghiệp. Tôi nghĩ Việt Nam đã đến lúc làm điều đó. Bởi trên thực tế, hàng năm chúng ta vẫn tổ chức kỳ thi này tiêu tốn không nhỏ tiền của xã hội. Hơn nữa, với bệnh thành tích như hiện nay, con số hơn 90% thí sinh thi đỗ tốt nghiệp khiến cho kỳ thi này không còn nhiều ý nghĩa.

Bỏ kỳ thi tốt nghiệp như ông nói liệu có trái với quy định của pháp luật hiện hành không?

- Về góc độ Luật Giáo dục, có quy định học sinh học hết chương trình phổ thông đều phải trải qua kỳ thi để lấy bằng tốt nghiệp Trung học Phổ thông. Nếu như bỏ kỳ thi quốc gia là phạm luật, hoặc phải sửa luật sao cho phù hợp với luật. Tuy nhiên, việc này tôi nghĩ sẽ không gặp quá nhiều khó khăn. Nếu như xét thấy việc bỏ thi tốt nghiệp đem lại lợi ích cho xã hội thì thay đổi về luật cũng là điều chúng ta cần làm.

Vậy nếu không tổ chức thi tốt nghiệp, phương thức nào sẽ phù hợp và khả quan nhất trong kiểm tra chất lượng phổ thông thưa ông?

- Thay vì phải tổ chức thi, học xong, các trường sẽ cấp giấy chứng nhận đã học hết chương trình lớp 12, hoàn thành chương trình phổ thông cho học sinh. Còn vào đại học, cao đẳng, hãy để cho các trường đại học, cao đẳng tự tuyển chọn bằng cách riêng của mình. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ cần quản lý chặt điều kiện và chỉ tiêu tuyển sinh.

Tuy nhiên, một điều cần hết sức lưu ý là phương án tuyển sinh của các trường đại học phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua. Về hình thức, có thể xét học bạ, có thể kiểm tra đầu vào… Đặc biệt, cần siết chặt quá trình đào tạo bậc đại học từ việc học cho đến khi tốt nghiệp, tránh tình trạng vào bao nhiêu ra bấy nhiêu như hiện nay.

Để bỏ thi tốt nghiệp, chúng ta cần làm nhiều việc. Một trong số đó là việc phân luồng giáo dục. Theo tôi, giáo dục cơ bản là 9 năm thống nhất cho mọi địa bàn, mọi nhóm đối tượng; THPT là 3 năm. Học sinh có thể lựa chọn 3 luồng chính là định hướng chung (có tính hàn lâm/ khoa học như hiện nay), định hướng kỹ thuật/công nghệ, hay định hướng năng khiếu (nghệ thuật, thể thao).

Hệ thống đào tạo cần tập trung thành 3 luồng chính là luồng hàn lâm (các chương trình đào tạo định hướng nghiên cứu), luồng ứng dụng và luồng thực hành (nối các chương trình đào tạo kỹ năng mang tính thực hành ở bậc thấp với các chương trình đào tạo mang tính nghiệp vụ ở trình độ cao).

Ngay cả bậc đại học, chúng ta cũng cần có sự phân luồng và thay đổi trong việc đào tạo của các trường. Sẽ có những trường chuyên đào tạo kinh tế, trường đào tạo ứng dụng, trường đào tạo nghiên cứu…

Như vậy, chúng ta sẽ đảm bảo được nhiệm vụ học văn hóa (12 năm) và việc học đại học, học nghề theo nhu cầu xã hội.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Huyên Nguyễn

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/da-den-luc-bo-ky-thi-tot-nghiep-thpt-683891.bld