Đà Nẵng quyết di dời dân sống gần hai nhà máy thép gây ô nhiễm

Thông tin từ chính quyền Đà Nẵng thì sẽ giải tỏa di dời toàn bộ các hộ dân thôn Vân Dương 2, xã Hòa Liên tại phía Tây Nam 2 Nhà máy thép gây ô nhiễm là Dana Ý và Dana Úc.

Như Báo điện tử Tổ Quốc đã từng phản ánh, nhiều năm trở lại đây, hàng trăm hộ dân ở thôn Vân Dương 2, xã Hòa Liên (Hòa Vang, Đà Nẵng) sống chung với ô nhiễm do hai nhà máy thép Dana Úc và Dana Ý gây ra.

Đã có nhiều cuộc họp, đối thoại giữa chính quyền với người dân nhằm tìm hướng giải quyết phù hợp cho hàng trăm hộ dân sống gần hai nhà máy. Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Mới đây, trung tuần đầu tháng 6/2017, chính quyền Đà Nẵng có cuộc họp giải quyết những vướng mắc xung quanh việc di dời giải tỏa các hộ dân và giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường tại 2 nhà máy Dana Úc và Dana Ý.

Nhà máy thép Dana Ý.

Theo ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, thời gian qua UBND TP Đà Nẵng đã rất tích cực trong công tác thực hiện chủ trương giải tỏa. Đến nay đã thực hiện hầu hết các thủ tục như việc phê duyệt sơ đồ ranh giới sử dụng đất khu vực di dời, giải tỏa với diện tích 451.696m 2 , thông báo thu hồi đất; thành lập Hội đồng Bồi thường thiệt hại, hỗ trợ và tái định cư dự án; tiến hành đo lập thửa.

Hiện Chi nhánh số 3 kiểm định hồ sơ đền bù đến ngày 7/6/2017 là 150 hồ sơ, hiện đang tiếp tục kiểm định và dự kiến thời gian hoàn thành công tác kiểm định hết tháng 6/2017, áp giá phê duyệt (theo qui trình) đến tháng 9/2017. Dự kiến GPMB các hộ gần tường rào hoặc gần ống khói của 02 Nhà máy, các hộ bị ảnh hưởng trực tiếp và hư hỏng nặng được di dời trong quý IV/2017, các hộ còn lại được di dời trong 6 tháng đầu năm 2018.

Thời gian thực hiện di dời, giải tỏa: Thực hiện giải phóng mặt bằng trong phạm vi cách 02 nhà máy thép 300m trong 06 tháng cuối năm 2017, hoàn thành dứt điểm công tác di dời, giải tỏa trong 06 tháng đầu năm 2018.

Đặc biệt, chính quyền Đà Nẵng yêu cầu hai Công ty Cổ phần thép Dana – Úc và Công ty Cổ phần thép Dana - Ý, mỗi đơn vị chịu 50% trên tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ tại dự án.

Về chủ trương cho phép nhà máy tồn tại một thời gian để thực hiện lộ trình di dời, không quá 15 năm. Trong thời gian được phép tồn tại, phải có giải pháp nâng cấp công nghệ để giảm bớt ô nhiễm môi trường; sau đó thực hiện chuyển đổi công năng sử dụng nhà máy thép sang các loại hình công nghiệp nhẹ, ít ảnh hưởng đến môi trường để đảm bảo theo qui định.

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/thoi_su/da-nang-quyet-di-doi-dan-song-gan-hai-nha-may-thep-gay-o-nhiem-243138.html