Đà Nẵng quyết làm hầm chui sông Hàn: 'Không vội vã, rất nhân văn!?'

Dù có rất nhiều ý kiến, thậm chí có tới 2 vị nguyên là Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã phản đối việc xây dựng hầm vượt sông Hàn nhưng Đà Nẵng vẫn quyết tâm làm hầm chui qua sông Hàn.

Làm hầm là sai lầm?

Kiến trúc sư (KTS) Hồ Duy Diệm - Hội viên Hội quy hoạch TP.Đà Nẵng là một trong những chuyên gia phản đối việc lãnh đạo thành phố này chọn phương án xây hầm vượt sông Hàn.

Theo KTS Diệm, TP.Đà Nẵng hiện đã có tới 6 cây cầu khi mới chỉ có 1 triệu dân. Trong khi thành phố Seoul (Hàn Quốc) có tới 15 triệu dân nhưng chỉ có 15 hầm và cầu. TP. Thượng Hải (Trung Quốc) có hơn 10 triệu dân cũng chỉ có 4 cầu và ít hầm. Tính bình quân thì 1 triệu người mới cần dùng 1 cầu. “Nếu tắc nghẽn giao thông là do quy hoạch có vấn đề khi dồn Trung tâm Hành chính và tòa nhà cao tầng vào nội thành. Đúng ra phải hướng quy hoạch khu trung tâm mới ở vùng Khuê Trung (Hòa Xuân, Cẩm Lệ) có đất đai rộng rãi. Phải tính chọn giải pháp quy hoạch để thay cho giải pháp công trình” - KTS Diệm phân tích.

Vị trí dự kiến sẽ xây hầm qua cầu sông Hàn. Ảnh: Đình Thiên

KTS Diệm cũng cho rằng, phương án xây hầm có thể chấp nhận được khi dân số TP. Đà Nẵng lên ở mức 2-3 triệu dân. Nhưng hiện tại chưa cần xây hầm để tránh sai lầm đã mắc phải trước đó khi quá vội vàng xây cầu Thuận Phước. “Ở đây khi có mưa bão lớn hay gặp triều cường thì nước nhiễm mặn ở cửa sông Hàn sẽ tràn ngập vào hầm. Nếu không làm chết người thì nước mặn sẽ ăn mòn bê tông cốt thép nhanh chóng” - KTS Diệm lo lắng.

Trao đổi với PV NTNN, kỹ sư Trần Văn Minh - nguyên Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, cho rằng, có nhiều yếu tố để không nên làm hầm: “Về kỹ thuật, bề ngang sông Hàn ngắn sẽ không đảm bảo độ dốc khi nối 2 bờ. Nếu đảm bảo đủ độ dốc thì miệng hầm sẽ đi sâu vào trên đường Đống Đa. Ngoài ra, kết nối 2 bên bờ sông không hợp lý, lệch nhau đi qua điểm cuối gần cầu Thuận Phước và có qua nhiều đoạn cong nếu xây hầm. Chưa kể nước ngập vào mùa mưa lũ đổ vào miệng hầm hở rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, kinh phí xây dựng và vận hành hầm quá lớn mà lợi gì mang lại chẳng bao nhiêu”. Ông Minh cho biết thêm, trước đây ông và ông Văn Hữu Chiến - nguyên Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng đã đến gặp trực tiếp Bí thư Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ để đóng góp ý kiến của mình nhưng thành phố vẫn ưu tiên chọn phương án xây hầm. “Chúng tôi đã có góp ý và sắp tới sẽ góp ý thêm nữa. Làm sao để thành phố dừng lại và nghĩ đến phương án mở rộng cầu sông Hàn, nâng cấp cầu Thuận Phước hoặc xây cầu” - ông Minh nói.

Không thể nâng cấp, mở rộng cầu cũ?

Ông Lê Văn Trung-Giám đốc Sở GTVT TP.Đà Nẵng từ tháng 10.2015 đến tháng 6.2016, đơn vị này đã mời các giáo sư đầu ngành để tổ chức hội thảo và nhận được nhiều phản hồi, tổng hợp báo cáo lên thành phố. Sau đó lãnh đạo thành phố cho nghiên cứu tiếp và đến tháng 7.2016 cho tổ chức cuộc thi công trình vượt sông Hàn. Đến tháng 9.2016 có 7 phương án chọn xây cầu và 2 phương án chọn xây hầm.

"Nói chúng tôi vội vã là chưa chính xác. Còn về thẩm quyền chúng tôi có quyền quyết định. Chúng tôi không ngồi trên dư luận, bỏ qua dư luận nhưng chúng tôi có quyền đưa ra quyết định. Chúng tôi chịu trách nhiệm với quyết định của mình...”

- Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh

Liên quan đến các ý kiến chỉ cần nâng cấp cầu Thuận Phước hoặc tăng diện tích cầu sông Hàn sẽ vừa đáp ứng nhu cầu giao thông của thành phố vừa tiết kiệm chi phí, ông Trung khẳng định, không thể nâng cấp cầu Thuận Phước vì cầu này không đáp ứng về kỹ thuật để nâng cấp. Còn mở rộng cầu sông Hàn về mặt diện tích thì được nhưng về kết cấu sẽ làm ảnh hưởng chất lượng của cây cầu này. Ngoài ra, nếu mở rộng sẽ kéo theo lượng lưu thông tăng lên gây tắc nghẽn.

Ông Nguyễn Xuân Anh - Bí thư Thành ủy TP.Đà Nẵng cho rằng, dự án này được chuẩn bị rất kỹ. Chưa có công trình nào mà Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng phải họp tới 3 phiên và sắp tới sẽ có phiên họp thứ 4. Sau hơn 1 năm nghiên cứu, phần lớn thành viên Ban Thường vụ chọn phương án xây hầm. Tuy nhiên, khi nào làm, thời gian khởi công chưa có. "Nói chúng tôi vội vã là chưa chính xác. Còn về thẩm quyền chúng tôi có quyền quyết định. Chúng tôi không ngồi trên dư luận, bỏ qua dư luận nhưng chúng tôi có quyền đưa ra quyết định. Chúng tôi chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Mọi người hãy xem công trình có ảnh hưởng lợi ích người dân, có ảnh hưởng môi trường... xem chúng tôi có vì lợi ích chung hay không? Tôi và anh Thơ không có lợi ích riêng khi xây dựng công trình này", ông Nguyễn Xuân Anh khẳng định. Theo ông Nguyễn Xuân Anh, một số người phản đối xây hầm, người lại số khác ủng hộ. “Thậm chí, có ý kiến nói với tôi rằng, chúng ta làm cái hầm này là nhân văn. Bởi khi mưa gió, người dân qua lại sông Hàn không bị ướt, an toàn cao” – ông nhấn mạnh.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/da-nang-quyet-lam-ham-chui-song-han-khong-voi-va-rat-nhan-van-732533.html