Đà Nẵng và đề án xe buýt công cộng: Hiệu quả chưa như kỳ vọng

Giữa tháng 12.2016, TP Đà Nẵng bắt đầu đưa vào hoạt động 5 tuyến xe buýt trợ giá nhằm khuyến khích người dân thành phố sử dụng phương tiện giao thông cộng cộng. Kế hoạch năm 2017, Đà Nẵng là một trong những đô thị đưa vào hoạt động tuyến xe buýt nhanh BRT nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông của thành phố.

Hơn 1 tháng đưa vào hoạt động, tuy nhiên xe buýt được trợ giá ở Đà Nẵng vẫn chưa thu hút được nhiều người dân tham gia. Ảnh: THÙY TRANG

Hơn 1 tháng đưa vào hoạt động, tuy nhiên xe buýt được trợ giá ở Đà Nẵng vẫn chưa thu hút được nhiều người dân tham gia. Ảnh: THÙY TRANG

Tuy nhiên, dù giá 0 đồng, xe được đầu tư mới, dịch vụ tốt nhưng xe buýt trợ giá sau hơn 1 tháng đi vào hoạt động vẫn trong tình trạng vắng khách. Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu hành khách là một trong những nguyên nhân khiến người dân chưa mấy mặn mà với loại hình phương tiện mới này tại Đà Nẵng.

Chất lượng thôi chưa đủ

Hoạt động được khoảng một tháng, những tuyến xe buýt được trợ giá, thậm chí được sử dụng miễn phí nhưng người Đà Nẵng chưa mấy mặn mà với loại phương tiện công cộng này. Một nhân viên nhà xe cho hay, giờ đông khách nhất 6 đến 7 giờ khi nhiều học sinh sử dụng xe buýt đến trường hoặc những ngày cuối tuần. Còn lại nhiều tuyến đều trong tình trạng chỉ vài lượt khách đếm trên đầu ngón tay. Nhiều người dân đi xe, thậm chí chỉ để trải nghiệm chứ chưa thực sự dụng vào nhu cầu cá nhân.

Chia sẻ về điều này, anh Văn Nhân (quận Sơn Trà) nhận định, tại TP Đà Nẵng người dân vẫn quen dùng xe máy, ô tô, những phương tiện cá nhân. Tình trạng tắc đường, vấn đề kẹt xe của thành phố chưa quá nghiêm trọng và quãng đường di chuyển nội thành hay ngoại thành cũng không quá xa như Hà Nội hay TPHCM. Vì vậy, việc chuyển đổi phương tiện đi lại qua xe buýt ngay lập tức là điều gần như không thể.

Thực tế, trước nay tại Đà Nẵng, hệ thống xe buýt chỉ đáp ứng được khoảng gần 1% nhu cầu đi lại của người dân. Hiện thành phố có 6 tuyến xe buýt nhưng chỉ có duy nhất tuyến nội thị, còn lại là các tuyến kết nối với tỉnh Quảng Nam. Số lượng ít, chất lượng cũng kém khiến người dân lâu nay không xem đây là phương tiện giao thông tối ưu.

Thế nhưng, khi loại hình xe buýt được trợ giá ra đời, dù chất lượng dịch vụ trên xe đến nhân viên được đầu tư tốt, tuy nhiên vẫn còn nhiều lý do khiến họ chưa lựa chọn loại hình di chuyển này.

Anh Minh Huy (quận Hải Châu) chia sẻ: “Từ lộ trình đến thông tin về các tuyến xe chưa được phổ biến rộng rãi đến người dân. Các điểm nhà chờ bị lấn chiếm bởi thùng rác, hàng quán rất nhếch nhác. Tình trạng xe máy, ô tô đậu đổ vào chỗ dừng xe buýt cho thấy, chính người dân thành phố chưa nhận thức được sự tồn tại của hệ thống xe buýt công cộng chứ chưa nói đến việc sử dụng. Tôi từng đi xe buýt ở Hà Nội và TPHCM, dù chất lượng họ kém hơn Đà Nẵng nhưng họ không mắc phải những lỗi trên khiến việc di chuyển có những điểm thuận tiện nhất định”.

Trao đổi cùng công ty Quảng An 1, đại diện đơn vị vận hành cho biết, chính sự đầu tư về hạ tầng chưa được đồng bộ từ nhà chờ đến các điểm đỗ dừng, lộ trình chưa logic đang khiến người dân hững hờ với xe buýt. “Chất lượng thôi chưa đủ, chúng ta cần có cả hệ thống hạ tầng đi kèm thật chuyên nghiệp thì người dân mới từ bỏ phương tiện cá nhân – một thói quen lâu nay để chọn phương tiện công cộng được. Xe buýt phải thực sự tối ưu thì mới thuyết phục được người dân”, đại diện Quảng An 1 cho hay.

Từ bài học xe buýt nhanh ở Hà Nội

Không dừng lại ở xe buýt trợ giá, năm 2017, Đà Nẵng là một trong những thành phố sẽ đưa vào hoạt động tuyến buýt nhanh (BRT) với mục tiêu nhằm góp phần hạn chế ùn tắc giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ.

Điều mà ông Sammual Zimmerman, cố vấn cao cấp về vận tải công cộng của Ngân hàng Thế giới nhận định, thực trạng của giao thông tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng là có quá nhiều phương tiện cá nhân. Đầu tư hệ thống BRT là giải pháp tối ưu cho việc giảm ùn tắc, tạo ra mạng lưới giao thông chuyển động thông minh, linh hoạt hơn khi thành phố chưa có kinh phí, cơ sở hạ tầng đáp ứng đủ cho việc xây dựng đường sắt trên cao hay tàu điện ngầm.

Tuy nhiên, trước thực tế hiện nay tại Đà Nẵng và ngay cả Hà Nội, nơi được đưa vào vận hành hệ thống xe buýt BRT đầu tiên thì không phải chỉ cần những chiếc xe đẹp, tiện nghi là đủ. Tại Hà Nội, tuyến xe buýt nhanh đầu tiên đã được đưa vào vận hành từ tháng 1.1.2017 sau 2 năm bị trì hoãn. Thế nhưng trước thực tế hệ thống hạ tầng không đáp ứng được yêu cầu của xe buýt nhanh, ý thức người dân còn kém đã khiến hoạt động xe buýt nhanh bộc lộ ngay những bất cập.

Về hạ tầng, việc đầu tư BRT đồng nghĩa với yêu cầu phải phân làn đường bộ rạch ròi, có tuyến riêng cho xe buýt nhanh di chuyển. Trong khi đó, thực tế tại Hà Nội, nơi có hệ thống xe buýt vận hành nhiều năm nhưng lại chưa đáp ứng được điều này, xe buýt BRT vẫn chạy trên làn đường hỗn hợp. Nhiều tuyến đường được phân làn lại bị xe ô tô, xe máy lấn làn, tạt ngang đầu xe, thậm chí gây va chạm với buýt nhanh là thực tế sau những ngày đầu đưa vào hoạt động.

Bên cạnh đó, chính sự phân bổ “chắp vá” này dẫn đến tình trạng các tuyến đường hẹp, những điểm đen về tắc đường sẽ càng chật hẹp hơn khi số lượng người dân sử dụng phương tiện cá nhân còn chưa giảm mà phải cắt đường cho buýt nhanh. Hình ảnh buýt nhanh chôn chân giữa biển người khi trời mưa hoặc giờ tan tầm là điều không quá khó hiểu tại Hà Nội.

Bà Jung Eun Oh - Trưởng ban giao thông của Ngân hàng Thế giới tại VN - đồng giám đốc dự án BRT Kim Mã - Yên Nghĩa nhìn nhận, để tuyến BRT hoạt động thành công, rất cần sự ủng hộ của người dân, bên cạnh đó cần đảm bảo chất lượng dịch vụ, hành lang cho tuyến buýt hoạt động an toàn.

Như vậy, bên cạnh chất lượng dịch vụ, thứ được kỳ vọng sẽ là sự chuyển đổi mạnh mẽ nhất nhằm khuyến khích người dân sử dụng xe buýt thì cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ cho xe buýt.

Quay về với vấn đề của TP. Đà Nẵng, ông Hồ Trường Vinh, phụ trách phòng Điều độ và Giám sát vậntải, Trung tâm điều hành đèn tín hiệu giao thông và Vận tải công cộng TP Đà Nẵng cho biết, Sở GTVT đã có những cuộc họp sau khi tiếp nhận các phản hồi của người dân về những bất cập của các tuyến xe buýt, đồng thời phối hợp cùng các đơn vị liên quan để xử lý những sự việc liên quan. Về các tuyến đỗ được cho là chưa hợp lý, ông Vinh cho biết phía Trung tâm hiện đang tiếp nhận thông tin phản hồi từ người dân và doanh nghiệp để điều chỉnh đồng loạt.

Ông Vinh cho hay, tần suất hành khách ở các tuyến đều đang tăng dần từ những ngày đầu chỉ khoảng 300 – 500 lượt thì nay đã có khoảng 2.000 lượt khách. Điều này cho thấy người dân đang dần tìm hiểu và sử dụng xe buýt nhiều hơn. “Tuy nhiên để đưa xe buýt trở thành phương tiện công cộng phổ biến trong tương lai thì cần nhiều thời gian để hoàn thiện về cơ sở hạ tầng”, ông Vinh chia sẻ.

Trong khi đó, KTS Phan Đức Hải, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Đà Nẵng khẳng định, cần phải có sự xem xét kỹ lưỡng về hạ tầng tại Đà Nẵng để tránh vấp phải những bất cập như Hà Nội.

“Mặc dù Đà Nẵng so với TPHCM và Hà Nội, giao thông vẫn chưa đến mức bức xúc nghiêm trọng nhưng trong quá trình quy hoạch chúng ta chưa tính toán đến hệ thông giao thông công cộng, trong đó có xe buýt và xe buýt nhanh. Lòng đường chúng ta nay đã hẹp, tương lai gần sẽ không đủ cho xe ô tô và xe máy thì đưa vào xe buýt nhanh vào với làn đường ưu tiên sẽ vấp ngay bất cập như Hà Nội. Bên cạnh đó, phải xây dựng ý thức của người dân trong sử dụng phương tiện công cộng, cộng với đó là sự tham gia quản lý của nhà nước về quy chế xử phạt thì mới tạo nên thói quen văn minh đô thị. Ở Nhật trong những con phố cổ, đường nhỏ nhưng xe buýt và xe du lịch vẫn qua lại đươc bởi ý thức rất cao của người dân. Chính quyền TP. Đà Nẵng cũng nên lấy ý kiến nhiều chuyên gia, người dân rồi cho thử nghiệm, đánh giá kết quả để có những điều chỉnh cần thiết thì dự án đạt mới mong đạt hiệu quả” - ông Hải cho biết

Thùy Trang

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-doi-song/da-nang-va-de-an-xe-buyt-cong-cong-hieu-qua-chua-nhu-ky-vong-639547.bld