Đà Nẵng xin 20 tỷ sửa đường "5 sao": Vô lý!

Việc UBND TP Đà Nẵng vừa kiến nghị Bộ Giao thông, vận tải hỗ trợ khắc phục hư hại do cơn bão số 9 gây ra trên đường Nguyễn Tất Thành là không hợp lý.

Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng trong chuyến thị sát tình hình thiệt hại do bão số 9 gây ra tại miền Trung - Tây Nguyên hôm 13/10, lãnh đạo TP Đà Nẵng cho biết, cơn bão đã gây nhiều tổn thất nặng nề phá hỏng hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy, thoát nước, và xử lý nước thải... Ước tính tổng thiệt hại cũng ngót nghét 180 tỷ đồng. Trong khi câu hỏi về trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan đối với chất lượng xây dựng bờ kè ven biển đường Nguyễn Tất Thành chưa được làm rõ thì việc kiến nghị Bộ GTVT hỗ trợ kinh phí để khắc phục hư hại là không hợp lý! Ảnh: HC Do vậy, UBND TP Đà Nẵng đã mạnh dạn kiến nghị Bộ GTVT hỗ trợ 90 tỷ đồng để "khắc phục hậu quả bão lũ tại một số công trình giao thông cấp thiết". Cụ thể, để sửa chữa tuyến đường tỉnh lộ ĐT604 (30 tỷ đồng), trục ven biển đường Nguyễn Tất Thành (20 tỷ đồng), cống Lò Vôi trên QL14B (10 tỷ đồng), sửa chữa đê chắn sóng và nạo vét luồng tàu, vũng quay tàu cảng Tiên Sa (30 tỷ đồng). Địa phương cũng không quên kiến nghị Bộ GTVT có hỗ trợ đối với QL14B và cảng Tiên Sa bởi đây là các công trình của TƯ đặt trên địa bàn, do TƯ quản lý, có tầm ảnh hưởng liên vùng. Đặc biệt, việc đê chắn sóng cảng Tiên Sa bị lún sụt, hệ thống luồng tàu và vũng qua tàu bị lũ bồi lấp, không đảm bảo độ sâu thiết kế... không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động bình thường của cảng mà còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của hàng ngàn doanh nghiệp trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên. Trước những thiệt hại do thiên tai khốc liệt gây ra, việc địa phương kiến nghị được hỗ trợ phần nào là đương nhiên. Tuy nhiên, không phải cứ kiến nghị nào đưa lên cũng là hợp lý và được phê duyệt. Với Đà Nẵng vừa rồi cũng vậy. Trong một số công trình hạ tầng địa phương kiến nghị được hỗ trợ khắc phục hư hại đang khiến dư luận chưa đồng tình là tuyến trên đường ven biển Nguyễn Tất Thành. Điều khiến dư luận còn thắc mắc ở chỗ, đây là tuyến đường do địa phương triển khai, theo báo giới, cơn bão số 9 vừa qua đã làm bộc lộ những yếu kém về chất lượng của công trình này. Từ khi công luận đặt ra những nghi vấn chung quanh chất lượng xây dựng bờ kè ven biển của tuyến đường này, lãnh đạo TP Đà Nẵng luôn khẳng định do đã làm đúng thiết kế và không có chuyện "rút ruột" công trình nên các đơn vị thi công không phải chịu trách nhiệm gì. Vấn đề còn lại là ở khâu thiết kế! Với nhiều người, lời giải thích này là chưa thỏa đáng. Giải trình về việc chất lượng một số công trình hạ tầng, cả đơn vị thiết kế lẫn UBND TP Đà Nẵng đều giải thích rằng, trong các lý do khiến có tới hơn 2/3 tuyến bờ kè này được thiết kế theo kết cấu tường chắn bêtông trọng lực mác 150 không có cốt thép. Và nguyên nhân chủ yếu là do từ trước đến thời điểm thiết kế (năm 2002 - 2003), ở Đà Nẵng chưa từng xảy ra bão cấp 9. Vì vậy bờ kè chỉ được thiết tới mức chịu đựng gió bão cấp 9 mà không lường hết tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, tần suất và sức mạnh của bão như trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo vài phỏng vấn của trang mạng VietNamNet với ông Nguyễn Thái Lân, Trưởng Phòng Dự báo (Đài Khí tượng Thủy văn Trung Trung bộ) thì: "Trung bình mỗi năm miền Trung có 2 cơn bão cấp 9. Đà Nẵng tuy ít hơn nhưng từ năm 2003 trở về trước cũng đã xảy ra, chẳng hạn năm 2000 có bão cấp 9 - 10. Vùng lân cận sát với Đà Nẵng (chẳng hạn Hội An, chỉ cách 30km) năm 1997 xảy ra bão cấp 9, giật cấp 10 - 11. Ở Huế (cách 100km), năm 1985 xảy ra bão số 8 với sức mạnh gần như bão Xangsane. Lúc đó, bão đi sát Đà Nẵng và TP cũng phải chịu gió bão cấp 10, giật cấp 11 - 12". Ông Nguyễn Thái Lân đã bác bỏ hoàn toàn ý kiến cho rằng từ năm 2002 - 2003 trở về trước ở Đà Nẵng chưa từng xảy ra bão cấp 9. Không những thế, ông Thái Lân còn nhận định: "Có khi trong giai đoạn tiến hành thiết kế, thấy không có bão lớn đổ bộ vô Đà Nẵng nên họ nói đại. Đến bây giờ mọi chuyện vỡ lở ra thì nói bừa là không được đâu!". Chả thế mà dư luận cứ bàn tán về, trách nhiệm của đơn vị thiết kế (Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng giao thông công chính Đà Nẵng) trong việc đưa ra những thông số về khí tượng thủy văn thiếu chính xác, không có cơ sở để làm "cơ sở" cho việc xác định cấp độ thiết kế công trình (chỉ là cấp 4, thấp nhất trong phân cấp đê, kè ở VN) như thế nào vẫn chưa được làm rõ! Trách nhiệm của đơn vị được giao nhiệm vụ thẩm định thiết kế, dự toán công trình - Chi cục Quản lý nước và Phòng chống lụt bão Đà Nẵng (thuộc Sở NN-PTNT Đà Nẵng) cũng được đặt ra. Bởi đây là cơ quan chuyên ngành trong quản lý hệ thống đê, kè trên địa bàn, Chi cục này đã "thẩm định" ra sao mà để các thông số kỹ thuật "dổm" về khí tượng thủy văn do đơn vị thiết kế đưa ra có thể lọt lưới, dẫn tới hồ sơ thiết kế có thể dễ dàng chuyển lên UBND TP Đà Nẵng phê duyệt như vậy? Cuối cùng là trách nhiệm của UBND TP Đà Nẵng. Đây là nơi ra "đề bài" và phê duyệt, nghiệm thu "bài giải" của các đơn vị thiết kế, thẩm định, thi công... nên phải là nơi chịu trách nhiệm cao nhất. Tuy nhiên đến thời điểm này, dư luận vẫn chưa thấy UBND TP Đà Nẵng có động thái nào nhận phần trách nhiệm của mình và làm rõ trách nhiệm của các đơn vị khác có liên quan, ngoài lý lẽ thường xuyên được đưa ra là do lúc đó thiếu kinh phí nên không cho phép đầu tư toàn bộ bờ kè ven biển đường Nguyễn Tất Thành bằng bêtông cốt thép (!?) Chưa hết, dư luận cũng đang rất quan tâm đến sự xuất hiện khu đô thị lấn biển Đa Phước liệu có phải là tác nhân dẫn tới hư hại tuyến đường Nguyễn Tất Thành? Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Đà Nẵng Trần Mạnh Cường cho hay, theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã có ý kiến của hội đồng thẩm định và được UBND TP phê duyệt thì khu đô thị này không gây hại đến tuyến đường Nguyễn Tất Thành, chí ít là đến thời điểm này chưa có cơ sở để kết luận. Tuy nhiên, với năng lực chuyên môn (thậm chí đòi hỏi phải là chuyên ngành sâu) và vị thế của một hội đồng thẩm định cấp TP, phải làm việc dưới áp lực thu hút vốn đầu tư nước ngoài của địa phương, liệu chất lượng thẩm định của hội đồng này đáng tin cậy đến đâu hay sẽ lặp lại như kiểu Chi cục Quản lý nước và PCLB Đà Nẵng trước đó? Trước hàng loạt câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan đến chất lượng xây dựng tuyến bờ kè ven biển đường Nguyễn Tất Thành vẫn chưa được làm rõ như vậy thì việc UBND TP Đà Nẵng kiến nghị Bộ GTVT hỗ trợ kinh phí khắc phục (hay "khỏa lấp"?) những hư hại do bão lũ gây ra trên tuyến đường này liệu có hợp lý? Hải Châu In Thảo luận

Nguồn TuanVietNam: http://tuanvietnam.net/2009-10-15-da-nang-xin-20-ty-sua-duong-5-sao-vo-ly-