“Đá tảng” cản đường cải cách

Từng được kỳ vọng rất lớn nhưng công tác kiểm soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính đang gặp vô vàn khó khăn, trở ngại

Báo cáo tổng hợp mới đây của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) Bộ Tư pháp về công tác cải cách TTHC tại các bộ, ngành, địa phương cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại.

Dễ đụng tới lợi ích cục bộ

Theo Cục Kiểm soát TTHC, năm 2013, các bộ, ngành đã hoàn thành đơn giản hóa 762 TTHC, nâng tổng số được thực thi đơn giản hóa lên tới 4.016/4.712 TTHC đã được Chính phủ phê duyệt phương án đơn giản hóa tại 25 nghị quyết chuyên đề năm 2010. Tuy nhiên, hiện còn tới 696 TTHC chưa hoàn thành thực thi, chủ yếu là quy định trong các luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND quận Tân Bình, TP HCMẢnh: Tấn Thạnh

Đến hết năm 2013 mới chỉ có 4/24 bộ, ngành hoàn thành phương án đơn giản hóa TTHC theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt (Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và Thanh tra Chính phủ). Hầu hết các bộ, ngành còn lại chưa bố trí đủ biên chế làm công tác kiểm soát TTHC. Đáng lo ngại hơn, kết quả xử lý phản ánh, góp ý, kiến nghị tại các bộ, ngành, địa phương chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân nên người dân và doanh nghiệp chưa thực sự tin tưởng để tiếp tục gửi phản ánh và kiến nghị, đóng góp cho các quy định TTHC.

Lãnh đạo Cục Kiểm soát TTHC cho rằng công việc này đang đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn. “Sức ì của bộ máy hành chính còn lớn. Xu hướng bảo thủ, cố tình níu kéo, duy trì các quy định cũ không hợp lý xảy ra khá phổ biến và trở thành một trở ngại không nhỏ trong quá trình cải cách TTHC” - lãnh đạo Cục Kiểm soát TTHC nhận định.

Đặc biệt, cải cách hành chính thường đụng chạm đến lợi ích cục bộ của nhiều cơ quan hành chính và lợi ích của một bộ phận cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước. Cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp vẫn còn ảnh hưởng đến cách làm của không ít cán bộ, công chức khiến không ít người không coi trọng công tác này.

Thí điểm liên thông, giảm giấy tờ

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận công tác kiểm soát TTHC ở một số nơi có dấu hiệu “chùng xuống”, chưa có cơ chế kiểm tra, giám sát việc tuân thủ hành chính trong quá trình thực thi công vụ của cán bộ công chức. Ngay trong năm 2014, Bộ Tư pháp tiếp tục thực hiện công tác kiểm soát TTHC, lồng ghép việc kiểm soát ngay từ quá trình soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời sẽ đẩy mạnh triển khai đề án đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư theo Quyết định 896/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

“Bộ Tư pháp sẽ xây dựng, trình Thủ tướng đề án liên thông thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 16 tuổi và đề án thí điểm liên thông thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế. Ngoài ra, sẽ đánh giá việc cải cách hành chính trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp, tiếp cận vốn, đất đai, xây dựng và kiến nghị Thủ tướng nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống người dân” - ông Lê Thành Long cho biết.

Theo TS Nguyễn Ngọc Kỷ, nguyên cán bộ Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật (Bộ Công an), các đề án về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân, cấp mã số định danh cá nhân tiêu tốn rất nhiều tiền của nên nếu không làm tốt, chặt chẽ và có sự phối hợp giữa Bộ Tư pháp, Bộ Công an và các ngành liên quan thì sẽ “chẳng đi tới đâu”.

Chế tài mới bảo đảm sức răn đe

Theo ông Lê Thành Long, việc rà soát văn bản, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian qua chưa kịp thời, thực chất. Nhiều bộ ngành, địa phương chưa thực hiện đúng yêu cầu của việc rà soát thường xuyên. Năm 2013, qua kiểm tra đã phát hiện 8.051 văn bản có dấu hiệu vi phạm các điều kiện về tính hợp pháp của văn bản, trong đó có 1.361 văn bản có dấu hiệu vi phạm về nội dung.

Ông Lê Thúc Anh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho rằng phải chỉ đích danh những đơn vị không làm tốt công tác cải cách hành chính, xây dựng, ban hành nhiều văn bản vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp; thậm chí có chế tài mới bảo đảm sức răn đe.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/da-tang-can-duong-cai-cach-20140119213331865.htm