Đắc Nông: Ép dân đi tái định cư?

Sau gần 20 năm sống trong mòn mỏi chờ đợi chỉ vì quy hoạch treo, giữa tháng 8-2010 hàng trăm hộ dân ở xã Đắk P’lao, huyện Đắk Glong(Đắc Nông) nhận được một thông báo “cưỡng chế” trong khi mọi quyền lợi của họ vẫn chưa được đáp ứng đúng mức.

Nhiều người dân phải sống trong những căn lều tạm bợ vì chưa có nhà ở tái định cư Sống trong chờ đợi Năm 1991, người dân xã Đắk P’lao, huyện Đắk Glong (Đắc Nông) được Ban Quản lý dự án Thủy điện 6 thông báo nơi đây sẽ quy hoạch để xây dựng tránh ngập lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3. Là một xã đặc biệt khó khăn, hơn 90% là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng trong suốt gần 20 năm qua, hơn 500 hộ với khoảng 5000 nhân khẩu vẫn chưa được hưởng bất kỳ một ưu đãi nào của Nhà nước. Điện, đường, trường, trạm... tất cả đều phải gác lại để chờ ngày về khu tái định cư mới. Nhiều người không thể kiên nhẫn hơn được nữa đã rời làng sang Lâm Đồng và vào cả... rừng đặc dụng phá rừng để tìm cuộc sống mới. Chính quyền ở đây nhiều lần khuyên can, hứa hẹn nhưng rồi lời hứa vẫn chỉ là lời hứa. Mãi đến năm 2004, dự án về khu tái định canh, định cư(TĐCĐC) mới được khởi động. Năm 2005, người dân xã Đắk P’lao nhận được thông báo di dời lên khu tái định cư nằm ở Phăng Rá, cách trung tâm xã chưa đầy 10km. Nhưng ở đó, họ không thể... sống nổi vì khu vực này địa thế hiểm trở, đường đi lại khó khăn và không có đất để canh tác. Một năm sau, tỉnh Đắc Nông có văn bản yêu cầu huyện Đắk G’long lựa chọn lại vị trí TĐCĐC khác... Sau vài lần lựa chọn, cuối cùng khu TĐCĐC cũng được ấn định tại xã Quảng Khê nằm cách trung tâm huyện hơn 10km. Nhưng cho đến nay, khi ngày cưỡng chế đã được ấn định mà chính quyền tỉnh Đắc Nông vẫn không thể di dời được các hộ dân cuối cùng. Bởi vì họ đang đứng trước nhiều vấn đề chưa được chính quyền giải quyết. Bất cập đền bù Giải thích về việc người dân không chịu di dời, chính quyền địa phương cho rằng, là do một số đối tượng cầm đầu xúi giục. Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi thì người dân đã “có lý” của họ. Điển hình như khu đất canh tác tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng (được quy hoạch năm 2004), UBND tỉnh Đắc Nông đã đồng ý bồi thường bằng 100% giá trị quyền sử dụng đất nông nghiệp trồng cây lâu năm (10.000 đồng/m2) nhưng UBND huyện phê duyệt trong phương án đền bù chỉ... 1.200 đồng/m2 – mức giá hỗ trợ khai hoang. Ông Trần Lý Huy ở thôn 1 thắc mắc: “Đất của tôi bị áp giá 1.200 đồng/m2 chứ không phải 10.000 đồng/m2 như quy định. Nếu Ban đền bù cho rằng xã chưa xác nhận nguồn gốc đất thì việc áp giá càng sai. Vì như thế cơ sở đâu để áp giá?”. Trong khi đó, cũng bị ảnh hưởng bởi thủy điện Đồng Nai 3, người dân Đinh Trang Thượng, Di Linh, Lâm Đồng lại được tiền đền bù nhiều hơn. Chủ đầu tư và chính quyền địa phương cho rằng Đắc Nông không áp dụng vậy, vì dân Đắk P’lao được cấp đất tái định canh không thu tiền, cấp nhà cũng không thu tiền. Tuy nhiên nhà thì xây xong đã muốn sập, đất thì xấu, giá đất thị trường ở vùng núi Quảng Khê này rất rẻ mà không ai mua. Bà Thiều Thị Long thôn 1 cho biết: “Theo Quyết định 34 của Chính phủ thì người dân phải được hỗ trợ tiền ổn định đời sống trong 4 năm chứ không phải 3 năm như tỉnh Đắc Nông đã làm. Chính quyền huyện cho rằng việc này huyện đang chờ công văn của tỉnh”. Khó khăn tái định cư Khu tái định cư lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 3 chạy dài trên con đường trải nhựa khá khang trang, đẹp đẽ. Thế nhưng đấy chỉ là bề ngoài. Theo khảo sát của UBND huyện Đắk Glong thì có trên 80/320 căn nhà đã được xây dựng có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, nước sinh hoạt cũng chưa thật sự đảm bảo. Nhiều công trình khác như trường học, trạm xá, trụ sở UBND... cũng đang xây dựng dang dở. Vấn đề khiến người dân bức xúc nhất hiện nay là không có đất canh tác dù trước đó huyện đã thu hồi thêm 206 ha của dân Quảng Khê để lấp vào. Nhưng đấy cũng chỉ là đất xấu và quá ít ỏi cho hơn 500 hộ dân và chính các hộ dân ở Quảng Khê cũng không đồng ý việc thu hồi đất của họ để cấp cho dân Đắk Plao. Với lý do, họ cũng đang thiếu đất sản xuất chứ đâu có thừa. Cho nên, 206ha này thực tế là chưa biết có hay không nữa, nếu có cũng sẽ phát sinh tranh chấp. Chiều ở khu tái định cư Thủy điện Đông Nai 3, đàn ông ồn ào tranh cãi sau những chầu nhậu túy lúy, đàn bà thì ngồi trước cửa chờ đến giờ nấu cơm. Nhưng tất cả họ đều có một nỗi niềm chung là rồi cuộc sống mới sẽ ra sao. “Thời gian từ nay đến khi tích nước còn rất ít, không thể giải quyết kịp các công việc bồi thường, hỗ trợ theo đơn kiến nghị của các hộ”. UBND huyện và chủ đầu tư làm một bản cam kết giao cho dân, hứa sẽ điều chỉnh, bổ sung những thiếu sót vào phương án đền bù và chi trả bổ sung trước ngày 31-10. Và người dân lại tiếp tục hi vọng như đã hi vọng suốt 20 năm qua. Bản cam kết không làm yên lòng họ, họ sợ chuyển lên rồi, chủ đầu tư phủi tay thì biết kêu ai.(?) Văn Thành

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=16826&menu=1481&style=1