Đặc quyền “chủ nô”?

PN - Kathleen Barry, tác giả công trình nghiên cứu Sự nô lệ tình dục của phụ nữ (NXB Phụ Nữ 1995) đã đúc kết về quyền "đô hộ" của nam giới: “Giới tính là quyền lực (sex is power) được coi là nền tảng của chế độ phụ quyền - dựa trên quyền lực của nam giới. Từ quyền lực đó nảy sinh ra đặc quyền của đàn ông. Những quyền này được thể hiện trước tiên trong quan hệ tay đôi, tức là trong mối quan hệ riêng tư giữa đàn ông - đàn bà... Sự "đô hộ" đó luôn được che đậy bởi tập quán văn hóa, định kiến xã hội về giới, tính riêng tư của gia đình, thậm chí còn do sự tự nguyện của nhiều người vợ.

Tự nguyện Nhiều phụ nữ quan niệm, đàn bà là phải “phục vụ” đàn ông. Vì thế, họ tự nguyện để người chồng muốn “sử dụng” mình thế nào tùy ý. Khi đó, người chồng nghiễm nhiên trở thành ông chủ, sở hữu cả thể xác lẫn tinh thần họ. Lúc này bạo lực gia đình kèm theo bạo lực tình dục (BLTD) bắt đầu xuất hiện và luôn được che đậy kín kẽ bởi nhiều định kiến. Vô hình trung, người vợ trở thành nô lệ tình dục (NLTD) tự nguyện cho chồng. Mười hai năm làm vợ, chưa bao giờ chị Minh Hằng (Q.Tân Phú, TP.HCM) biết đến niềm hạnh phúc gối chăn. Ngay đêm tân hôn, chị đã kinh hoàng khi bị chồng đòi “yêu” nhiều lần cho đến sáng. Gần như ngày nào anh cũng đòi hỏi chị phải “chiều”. Những lúc không muốn và cũng không đủ sức chiều chồng, chị từ chối là bị anh chửi mắng, thậm chí đánh đập, quy cho chị là loại đàn bà hư, chỉ mỗi việc phục vụ chồng mà cũng không xong. Chị nghẹn ngào: “Có ai như tôi, chỉ mong chồng ra ngoài tìm các cô gái khác, “ăn bánh trả tiền” cũng được, chỉ để anh ta không hành hạ tôi nữa. Khổ nỗi, anh ta chỉ muốn chuyện ấy với tôi. Nhiều lần quỳ lạy xin chồng buông tha không được, tôi đã uống thuốc trừ sâu để tìm cái chết cho nhẹ thân cũng không thoát. Đưa tôi đi cấp cứu, anh ấy van xin là chỉ vì quá yêu tôi nên mới vậy. Nghĩ cho cùng mình là vợ, tôi đành cắn răng mà chiều”. Là người phụ nữ thành đạt, giao tiếp rộng, ai cũng tưởng chị Thu Quyên (giám đốc một công ty quảng cáo ở Q.Gò Vấp) rất hạnh phúc trong đời sống lứa đôi, mấy ai hiểu, chuyện vợ chồng với chị đang là địa ngục. Sau lần chị xao lòng với một đối tác, bị chồng bắt được với chứng cứ là những tin nhắn ngọt ngào giữa hai người, chị bị chồng lấy TD làm phương tiện trả thù. Mỗi lần gần nhau, anh vừa giày vò thân xác, vừa chửi bới, nhục mạ chị. Dù chưa làm gì quá giới hạn, nhưng nghĩ mình cũng có lỗi, chị nuốt ngược cay đắng, cố chiều chồng để giữ cho gia đình yên ổn. Thấy vợ nín lặng chịu đựng, chồng chị càng tức tối, kiếm đủ loại “đồ chơi”, dùng nó để hành hạ vợ. Nhục nhã, đau đớn ê chề nhưng chị không dám phản kháng. Chồng chị luôn đe dọa: “Cô mà phản ứng là tôi tung hê chuyện ngoại tình của cô cho con cái và thiên hạ biết, xem cô còn dám vác mặt đi đâu không, xem có thằng nào còn thèm rớ đến cô không!”. Cảm giác có lỗi và nỗi sợ mất uy tín, danh dự khiến chị không dám hé răng về nỗi khổ của mình. Minh họa : NOP Khủng bố tình dục Là cách gọi khác của BLTD. Có nhiều định nghĩa về BLTD, nhưng nhìn chung, BLTD bao gồm “sự đe dọa về thể chất cũng như hăm dọa về tâm lý. BL cũng có thể là lợi dụng sự bất ổn về tài chính của người phụ nữ, việc từ chối sử dụng biện pháp tránh thai để bảo vệ phụ nữ cũng được coi là một hình thức của BLTD” (Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc, UNFPA, 2005). Sau gần hai năm làm vợ, chị Ngọc Bích (nhân viên bảo hiểm ở Q.3, TP.HCM) ân hận: “Nếu lúc trước tôi liều sống thử rồi mới quyết định cưới thì giờ đâu phải chịu cảnh như con chim mắc bẫy, không có đường thoát ra!”. Đêm tân hôn, chị khiếp đảm khi chồng lôi ra một mớ phim sex bắt chị cùng “thưởng thức” và làm theo; chị không xem, không làm theo phim là không được yên thân với chồng. Đau đớn hơn, chỉ sau hai tháng làm vợ, chị đã phải đi điều trị bệnh lậu, kết quả của những lần chồng chị “đi hoang”. Chị cay đắng: “Thật kinh khủng! Có muốn ly hôn cũng chẳng biết nói sao trước tòa. Chẳng lẽ ra tòa với lý do không thể chiều chồng?”. Chị còn phải chịu cảnh nạo phá thai nhiều lần vì chồng không chịu sử dụng các biện pháp tránh thai khi quan hệ. Ngược với chị Bích, chị Huyền Trân (Q.Thủ Đức) do quá yêu và nhẹ dạ, đã chiều theo đòi hỏi “ăn cơm trước kẻng” của anh Mạnh, chồng chị hiện nay. Dù sau đó lễ cưới vẫn được tiến hành, nhưng Mạnh cứ luôn mỉa mai vợ là người lẳng lơ, dễ dãi bằng thái độ khinh miệt. Anh ta còn thường xuyên miêu tả những bộ phận kín trên cơ thể vợ với những lời lẽ thô bỉ, tục tằn. Mỗi khi có chuyện không vui, Mạnh lại bắt chị thực hiện những động tác do anh ta ép buộc. Chị từ chối là bị chửi bới, đánh đập và cưỡng dâm thô bạo. Càng bệnh hoạn hơn, Mạnh luôn bị ám ảnh vợ đang ngoại tình với ai đó, nên xem việc quan hệ với vợ chẳng khác nào quan hệ với gái mại dâm, khiến chị vô cùng tủi nhục. Nhiều lúc không chịu đựng nổi những trò hành hạ của chồng, chị trốn về nhà mẹ ruột, nhà bạn bè. Sau mỗi lần như thế, tìm được chị về, Mạnh càng đày đọa chị nhiều hơn. Không chịu đựng nổi, Trân đòi ly hôn, Mạnh ném những tấm ảnh chụp chị khỏa thân với nhiều tư thế mà trước đây anh ta bắt chị “biểu diễn” ra, dọa sẽ phân phát cho mọi người quen biết chị xem… “cho vui”! Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA – một tổ chức phi chính phủ) trên trang web csaga.org.vn, có đến 30% phụ nữ bị cưỡng ép TD và con số này luôn có chiều hướng gia tăng. Nghiên cứu này cũng cho thấy, do không chủ động trong quan hệ TD, không được dùng các biện pháp an toàn, nguy cơ lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV từ chồng qua sự NLTD ở các phụ nữ này rất cao, nhưng họ hoàn toàn không ý thức về điều đó. Ảnh chỉ mang tính minh họa - Ảnh : Phùng Huy Tự cứu mình Chính vì bị ràng buộc bởi những định kiến xã hội, sợ bị chê cười, phụ thuộc về kinh tế; đồng thời cũng mong muốn, hy vọng chồng mình thay đổi, những người vợ đang là NLTD không dám tìm cách thoát khỏi cuộc sống địa ngục của mình. Họ cũng không ý thức việc mình đang và chắc chắn sẽ là nạn nhân của các căn bệnh xã hội lây nhiễm qua đường TD. TD trong đời sống hôn nhân luôn cần đến sự bình đẳng, vì đó là hạnh phúc mà cả vợ và chồng cùng khao khát mang lại cho nhau. TD phải là trao và nhận để tình yêu thêm mặn nồng, là nhu cầu chính đáng của con người, chứ không phải là đòi hỏi và phục vụ. Trong đời sống hôn nhân, người phụ nữ vẫn có quyền độc lập trong quan hệ TD với chồng, nghĩa là họ có quyền cho và nhận theo cách của mình, khi mình mong muốn, chứ không phải là chịu đựng sự áp đặt, cưỡng ép của chồng. Khi bị cưỡng ép trở thành NLTD, người phụ nữ phải có ý thức về bình đẳng giới, hiểu biết Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (Luật PCBLGĐ); đồng thời phải có nghị lực, không cam chịu, dám đấu tranh để giải phóng bản thân. Do định kiến xã hội, chính quyền nhiều nơi vẫn xem chuyện gia đình là chuyện riêng tư, “đèn nhà ai nấy rạng”, nên thực tế, dù có luật nhưng nhiều chị rơi vào cảnh NLTD lên tiếng kêu cứu, chỉ nhận được sự thờ ơ của những người có trách nhiệm. Bị chồng lăng nhục cả thể xác lẫn tinh thần, sau nhiều lần đề nghị ly hôn không thành, chị Huyền Trân bị suy sụp tinh thần nghiêm trọng, không thể quản lý nổi công ty do chính mình lập ra. Muốn nhờ pháp luật can thiệp, chị lại sợ anh ta trả thù, sợ mình không còn dám nhìn mặt ai, nếu những bức ảnh anh ta đang giữ bị phát tán. Phải đến một lần, nhục nhã cùng cực khi bị chồng đem ra làm trò đùa với đám bạn, xem vợ như một thứ gái làm tiền, chị đã tìm đến cái chết, may mà gia đình phát hiện đưa đi cấp cứu. Không còn gì để mất, chị đơn phương đưa đơn ra tòa xin ly hôn, cầu cứu chính quyền địa phương và cả cơ quan công an để nhờ bảo vệ mình trước những đe dọa của chồng. Không chỉ thế, chị còn quyết liệt chống lại sự cưỡng bức của chồng, khi bị anh hành hung là báo ngay cho chính quyền để lập biên bản xử phạt theo Luật PCBLGĐ… Được công an phường mời lên nói chuyện vì hành vi đe dọa làm nhục người khác, bị chính quyền phạt hành chính, bị tổ dân phố đưa ra kiểm điểm, chồng chị đã biết sợ, không còn dám có hành vi bạo hành với chị nữa. Giờ chị đang chờ ngày ra tòa để được giải phóng khỏi cuộc hôn nhân bất hạnh. Phải tự cứu mình, phải biết vượt qua định kiến và lên tiếng cầu cứu. Khi được pháp luật hỗ trợ thông qua các tổ chức đoàn thể và cơ sở pháp lý, các chị mới mong thoát cảnh NLTD, tìm được cuộc sống mới, nhận được sự bình đẳng mà đương nhiên mình phải có, trong đời sống hôn nhân nói chung, đời sống gối chăn nói riêng. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình Chương 1, điều 2, xác định các hành vi BLGĐ bao gồm: Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng (mục a); lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm (mục b); cưỡng ép quan hệ tình dục (mục đ). Chương 1, điều 5, quy định nạn nhân BLGĐ có các quyền sau: Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình (mục a); yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định (mục b). Chương 5, điều 42, quy định xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống BLGĐ: Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống BLGĐ tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật (mục 1). Tố Phương

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/honnhan-giadinh/2010/Pages/dac-quyen-%E2%80%9Cchu-no%E2%80%9D.aspx