Đặc sắc phong tục mừng năm mới của các nước trên thế giới

Người Pháp sẽ uống rượu cho tới sáng, người Bồ Đào Nha sẽ ăn 12 quả nho trong đêm giao thừa, trong khi người Đan Mạch sẽ đập vỡ càng nhiều bát đĩa càng tốt để mang đến may mắn cho mình...

Không khí đón năm mới 2017 đang tràn ngập trên khắp thế giới. Với mỗi quốc gia khác nhau trên khắp châu lục, cách chào đón năm mới đều mang những màu sắc rất riêng.

Nếu như các nước châu Á thường coi Tết Nguyên đán có ý nghĩa quan trọng thì với các nước phương Tây thời điểm Giáng sinh và chuyển giao từ năm cũ sang năm mới là khoảnh khắc được chào đón nhất năm.

Đón năm mới ở Quảng trường Thời đại.

Năm mới, hàng ngàn người Mỹ sẽ tập trung ở Quảng trường Thời Đại cùng nhau đếm ngược để chào tạm biệt năm cũ. Khi quả cầu thủy tinh rơi xuống là thời khắc mọi người hô vang lời chúc mừng năm mới: “Happy New Year!” và hát cùng nhau ca khúc truyền thống ”Auld Lang Syne” trong không khí tươi vui ngập tràn.

Những người mong muốn tìm thấy tình yêu thực sự thường chọn những bộ đồ màu vàng còn những người hy vọng kiếm được nhiều tiền thì mặc trang phục màu bạc.

Có những người khác lại đón chào năm mới bằng những bữa ăn ngon. Song có một điểm mà không phải ai cũng biết là họ ăn bắp cải với hy vọng nó sẽ mang đến cho mình… may mắn và tiền bạc. Ở miền nam nước Mỹ, bữa ăn truyền thống trong năm mới gồm đậu, hành, gạo, thịt lợn muối xông khói…

Tuy nhiên, ngày đầu tiên của năm mới luôn là một ngày khá tĩnh lặng với nhiều người Mỹ. Họ thường ở nhà bên người thân suốt cả ngày hoặc đi thăm hỏi họ hàng hoặc tổ chức tiệc tùng cùng bạn bè.

Người Anh đón giao thừa ở tháp đồng hồ Big Ben.

Ở Anh người ta tụ tập ở quảng trường Trafalgar và Piccally Circus hay quanh những nơi có thể nghe được tiếng chuông đồng hồ Big Ben của thủ đô London báo hiệu năm mới đã đến.

Theo phong tục của người Anh, sau giao thừa, người đầu tiên bước vào nhà xông đất sẽ báo hiệu năm mới tốt lành hay xui xẻo. Nếu người khách đầu tiên là đàn ông tóc đen hoặc là người vui vẻ, hạnh phúc và giàu có thì chủ nhà cũng may mắn cả năm.

Nếu người khách đầu tiên là cô gái tóc vàng nhạt hoặc là người u buồn, nghèo khó, bất hạnh chủ nhà sẽ gặp nhiều tai họa và khó khăn trong năm mới. Bữa tiệc đón mừng năm mới của người Anh bắt đầu từ 8h tối giao thừa đến sáng sớm hôm sau mới kết thúc.

Năm mới dĩa vỡ càng nhiều, người Đan Mạch càng thấy may mắn.

Ở Đan Mạch người dân tin rằng, trong những ngày đầu tiên của năm, nếu trước cửa nhà có thật nhiều bát đĩa vỡ thì đó sẽ là một dấu hiệu tốt cho gia đình. Những chiếc bát đĩa cũ được để dành trong cả năm để chờ quăng chúng ra trước nhà của bạn bè trong đêm giao thừa. Nếu trước nhà ai đó có càng nhiều bát đĩa vỡ, có nghĩa là nhà họ có rất nhiều bạn bè.

Biểu tượng năm mới ở Nga là "Cây năm mới", gọi là Novogodnaya Yolka, với những ngôi sao rực sáng đèn. Năm mới là dịp để cha mẹ trao quà cho các con dưới cây này.

"Cây năm mới" của Nga.

Cũng như một số quốc gia phương Tây khác, người Nga cũng đón năm mới trong màn trình diễn pháo hoa và những buổi tiệc linh đình, gồm: thịt, đậu xanh, dưa chua, hành, sốt mayonnaise, cà rốt và khoai tây.

Ở Hungary, người dân thường chào đón năm mới bằng cách đốt hình nộm hay còn gọi là vật tế thần mang tên “Jack Straw”. Hình nộm này tượng trưng cho những điều xấu xa và xui xẻo của năm cũ và việc đốt hình nộm mang ý nghĩa xua tan những điều không may và chào đón may mắn đến trong năm mới.

Trong khi người Hà Lan lại đón năm mới bằng cách khá kỳ lạ khi họ thường đốt cây thông Noel trên đường để làm hiệu và đốt pháo hoa.

Với Bồ Đào Nha, đêm giao thừa, họ sẽ chọn và ăn 12 trái nho từ một chùm nho khi đồng hồ điểm 12 giờ đêm. 12 trái nho tượng trưng cho 12 tháng hạnh phúc trong năm mới.

Bồ Đào Nha sẽ đón năm mới bằng việc ăn 12 quả nho.

Năm mới ở Nhật được gọi là Oshogatsu, đây là dịp để tổ chức các lễ hội tưng bừng. Người Nhật trang hoàng cửa chính của ngôi nhà bằng những nhành lá thông hoặc tre và các sợi dây. Họ tin rằng những thứ này mang lại cho họ sức khỏe, cuộc sống cao niên và xua đuổi những linh hồn quỷ dữ.

Người Nhật sẽ đánh 108 tiếng chuông để xua tan xui xẻo.

Dây thừng là biểu trưng cho niềm hạnh phúc và sự may mắn. Trẻ em được nhận otoshidamas - tiền mừng tuổi trong ngày đầu tiên của năm mới.

Người Nhật thường gửi thiệp chúc mừng năm mới cho bạn bè, tổ chức tiệc tất niên để tiễn đưa năm cũ và đón chào năm mới. Vào ngày 31 tháng 12, các quả chuông sẽ rung 108 lần để xua đi 108 điều không may.

Trong khi đó, người Pháp gọi đêm giao thừa là La Saint-Sylvestre,người Pháp bắt đầu uống rượu say sưa từ đêm giao thừa cho đến ngày 3/1 mới kết thúc.

Năm mới với người Pháp là phải tiệc tùng.

Người Pháp quan niệm, vào ngày Tết phải uống cạn tất cả rượu mà họ có, làm như vậy thì trong năm mới sẽ được vạn sự như ý. Nếu như uống rượu vẫn còn, trong năm mới sẽ gặp nhiều điềm xui rủi. Thức ăn của bữa tiệc thường là bánh nướng, thịt vịt hoặc ngỗng và rượu champagne.

Vào đêm giao thừa ở Mexico, một số người - đặc biệt là phụ nữ sẽ mặc đồ lót màu đỏ - với ý nghĩa năm mới sẽ tìm được tình yêu. Ngoài ra, còn một số người sẽ xách vali đi vòng quanh nhà với hy vọng sang năm sẽ xuất ngoại.

Người Mexico còn có một tập tục, ăn một loại bánh đặc biệt vào ngày 6/1. Loại bánh này có một cái lỗ ở giữa và chứa một món đồ nhỏ trong đó. Người nào nhận được chiếc bánh có món đồ ở trong sẽ phải làm một món đặc biệt vào ngày 5/2.

Giao thừa ở Ai Cập.

Ở Ai Cập, thông điệp năm mới bắt đầu được phát ra từ nhà thờ Muhammed Ali ở Cairo. Các thủ lĩnh tôn giáo sẽ lan truyền tin này tới dân thường. Những người này trước đó đứng đợi bên ngoài nhà thờ sẽ chúc mừng lẫn nhau. Sau đó, họ về nhà kể cho gia đình mình nghe và ăn một bữa đặc biệt mừng năm mới. Ngày hôm ấy, ngay cả gia đình nghèo nhất cũng cố tổ chức một bữa ăn thịnh soạn, trên bàn ăn không có rượu (đạo Hồi cấm rượu).

Quốc Vinh (Tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/dac-sac-phong-tuc-mung-nam-moi-cua-cac-nuoc-tren-the-gioi-a311278.html