Đặc sản thủ đô được biến tấu theo phong cách Tây

Những đầu bếp tham dự cuộc thi Chiếc thìa vàng tại Hà Nội mang đến các thực đơn nhiều món ăn truyền thống như cơm độn, bún thang..., nhưng được biến tấu mới lạ hơn.

Được coi là vòng "vòng chung kết sớm" của cuộc thi, cụm thi Hà Nội của Chiếc thìa vàng hấp dẫn nhờ sự tham gia của các đội đến từ hầu hết khách sạn 4-5 sao và những nhà hàng tên tuổi.

Các đầu bếp tài năng, nhiều kinh nghiệm giúp biến tấu, sáng tạo nên những bàn tiệc ngon lành về hương vị và bổ dưỡng nhờ nguyên liệu cao cấp. Bên cạnh đó, các phần thi được kỳ vọng nhờ sự tinh tế và hiện đại khi bắt kịp xu hướng ẩm thực quốc tế.

Càng về cuối, các đầu bếp càng khẩn trương và gấp rút hoàn thiện món ăn của đội mình. Nghệ nhân ẩm thực - bà Bùi Thị Sương đưa ra lời khuyên: "Trang trí món ăn là khâu rất quan trọng. Món ăn đẹp là yếu tố đầu tiên quyết định người dùng có muốn thưởng thức nó hay không".

Sau khi cuộn mỡ chài, đầu bếp Hoàng Văn Dương đem chả cả bọc giấy bạc rồi áp chảo. Cuối cùng, món ăn được cuộn với bánh phở có ngâm qua nước nghệ để tạo độ vàng cho thành phẩm. Đây là món ăn được đánh giá chế biến kỳ công và khéo léo.

Để cỗ vũ tinh thần cho các thí sinh, đông đảo người thân và đồng nghiệp, bạn bè đã đến với Cung Triển lãm Kiến trúc, Quy hoạch Xây dựng Quốc gia.

Còn chưa đầy 30 phút là kết thúc thời gian thi đấu, các đội đang hoàn thành tổng thể món ăn. Đội Duong’s Restaurant bắt đầu hoàn thành món Chả cá lã vọng với ốc om chuối đậu.

Các bếp phó chăm chút vào quá trình trang trí và hoàn thiện khâu trình bày.

Các đội thi bắt đầu tăng tốc để cho ra thành phẩm. Đội Duong's Restaurant đang chuẩn bị hoàn thành món Salad tôm hải sản và hoa quả nhiệt đới. Món khai vị kết hợp vị ngọt của hải sản cùng nét chua, thanh đặc trưng của hoa quả giúp kích thích vị giác và bữa ăn thêm ngon miệng. Lựa chọn của đầu bếp Hoàng Văn Dương được đánh giá là thông minh.

Bún thang là món ăn đặc trưng của người dân Hà Nội. Đem món ăn bình dị này lên bàn tiệc Chiếc thìa vàng, các đầu bếp khéo léo biến tấu với cách chế biến hiện đại. Nồi nước dùng được nấu kỹ và nêm nếm tròn vị, vừa giữ được hương truyền thống mà vẫn đảm bảo tiêu chí hiện đại, hòa nhập quốc tế.

Rau rừng, bún thang, cơm độn... được chế biến kiểu 5 sao

Các đầu bếp đến từ khách sạn Silk Path mang tới cuộc thi một thực đơn giàu cảm xúc với những món ăn truyền thống, đầy ắp ký ức của người Việt như cơm độn, rau rừng, bún thang, nem cuốn... Kỹ thuật nấu nướng công phu cùng sự kết hợp hài hòa giữa phong cách Á - Âu khiến những món ăn mang đậm bản sắc quê hương thêm phần tinh tế và trang trọng trên các bàn tiệc.

Trong lúc các thí sinh trổ tài, phía trước Cung Triễn lãm Kiến trúc, Quy hoạch Xây dựng Quốc gia, quán quân Chiếc Thìa Vàng mùa thứ 3 Vũ Văn Thành đang có màn biểu diễn chế biến món ăn (Cooking Show) thu hút đông đảo người tham quan.

"Tôi đánh giá cao khả năng phối hợp giữa các thành viên" là nhận xét của BGK Chiếc thìa vàng đối với các đội thi Hà Nội.

Trong vai trò cầm cân nảy mực cho cuộc thi, ban giám khảo Chiếc thìa vàng luôn nhiệt tình hỗ trợ và đưa ra nhận xét, góp ý cho thí sinh. Đội ngũ giám khảo chuyên môn trong ngày thi hôm nay là Nghệ nhân ẩm thực - bà Bùi Thị Sương, chuyên gia ẩm thực - ông Chiêm Thành Long, ĐSHV - Nhà giáo ưu tú – Bà Triệu Thị Chơi, Siêu đầu bếp - Ông Đỗ Quang Long.

Bên cạnh đó, các giám khảo khách mời gồm: Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Nấu ăn & Nghiệp vụ Khách sạn Hà Nội - Ông Nguyễn Xuân Hùng và Phó Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam - Bà Lê Mai Khanh.

Sau 1h30 phút thi đấu, ông Nguyễn Xuân Hùng nhận xét: "Cả 5 đội thi đều nỗ lực hết mình để đem đến kết quả tốt nhất. Bên cạnh hương vị của món ăn, tôi đánh giá cao khả năng phối hợp giữa các thành viên trong nhóm, đặc biệt là nhóm 93, 96, 98".

Cơm độn: Món ăn nghèo khó lên bàn tiệc 5 sao

Đội khách sạn Silk Path gây chú ý với món Sườn heo sốt cà phê, ăn kèm cơm độn và rau rừng. Cơn độn gồm gạo và khoai lang, là món ăn gợi lên ký ức một thời nghèo khó của người dân miền Bắc. Ăn kèm với rau rừng là rau dớn, món ăn đem đến sự kết hợp độc đáo và ngập tràn cảm xúc, hương vị của người nấu.

Bếp trưởng Đặng Tuấn Đạt chia sẻ: "Món ăn này gồm nguyên liệu thuần Việt, được biến tấu theo phong cách phương Tây. Tôi mong muốn thành phẩm lên đĩa sẽ dậy mùi thơm của sốt cà phê - loại sốt mới mà chúng tôi dã dày công sáng tạo với đủ vị đắng, ngọt, chua".

Món tráng miệng Nem chocolate hương vị núi rừng cũng tạo được hứng thú cho BGK. Sử dụng nguyên liệu thuần Việt là bánh đa nem, nhân gồm chocolate, hoa quả bản địa, sau khi cuộn lại, miếng nem sẽ được chiên giòn trên bếp. Món ăn mang đến hương vị ngọt thơm, vị giòn từ vỏ bánh đa và độ chua thanh của các loại quả.

Món Đồng quê xứ Đoài gây chú ý nhờ tên gọi dân dã, nhưng nguyên liệu lại có chút biến tấu. Ngoài lươn nướng giềng mẻ, ếch trộn hạt sen chiên, bếp trưởng Nguyễn Chí Sỹ còn thêm vào món cá hồi kho theo kiểu truyền thống của Việt Nam.

Húng láng là loại rau gia vị đặc sản, được trồng nhiều ở làng Láng, Hà Nội nhưng giờ đã dần mai một do tốc độ đô thị hóa. Đội khách sạn Mercure Hanoi La Gare đã đưa loại rau này, cùng với 1 đặc sản khác của Hà Nội là vịt Vân Đình vào thực đơn nhà hàng 4 sao.

Đội InterContinental Ha Noi Westlake nhanh chóng khởi động với món khai vị Vằn thắn nhân thịt với nước dùng vị nấm. Với các nguyên liệu thuần Việt, đầu bếp Phạm Đức Thắng sử dụng phương pháp chế biến kiểu Âu để món ăn mang tính hội nhập hơn.

Bên cạnh đó, các món chính cũng bắt đầu thực hiện những công đoạn đầu tiên. Sò điệp Nhật Bò Wayu nấu chậm đều có nguyên liệu lấy từ Nhật Bản. Vì vậy, các loại gia vị truyền thống sử dụng trong tẩm ướp sẽ giúp món ăn gần gũi với thực khách trong nước.

Sản vật địa phương ngon lành với phương pháp hiện đại

Tại buổi thi đầu tiên của cụm Hà Nội, các đội thi đem đến những nguyên liệu đặc trưng miền Bắc như sườn gác bếp, thịt bê, vịt Vân Đình, húng láng, rau rừng, quế, hoa hồi, thảo quả... Đầu bếp còn khéo léo kết hợp cùng các phương pháp chế biến hiện đại, tinh tế của ẩm thực phương Tây như nấu chậm, xông hơi, nướng nhiệt độ thấp...

Để chuẩn bị cho phần thi, các đầu bếp đã có mặt từ sớm để sơ chế và chuẩn bị cho khu vực trình bày món ăn. Các thành viên trong gia đình của thí sinh cũng có mặt để tiếp thêm động lực và cổ vũ cho các đầu bếp Hà Nội. Chiếc thìa vàng mùa thứ 4 có nhiều điểm mới so với các mùa thi trước.

Hướng đến tính chuyên nghiệp, các đầu bếp được sử dụng bàn bếp và dụng cụ mới. Thời gian thi tăng thêm 20 phút thành 140 phút. Phần thi của mỗi đội đòi hỏi là thực đơn đầy đủ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phân loại rác đúng cách và đúng quy tắc trang phục bếp.

Các đầu bếp đem đến những nguyên liệu, gia vị đặc trưng của miền Bắc.

'Chung kết sớm' của cụm thi Chiếc thìa vàng tại Hà Nội

Sáng nay, 15 đầu bếp của cụm thi Hà Nội sẽ cùng tranh tài để giành những tấm vé cuối cùng vào bán kết Chiếc thìa vàng 2016 tại Cung Triển lãm Kiến trúc, Quy hoạch và Xây dựng Quốc gia (Số 1 Đỗ Đức Dục, Hà Nội).

Tại khu vực miền Bắc, vòng sơ kết diễn ra trong 2 ngày 27-28/9 với sự tham gia của 22 đội thi đến từ đồng bằng sông Hồng, cao nguyên Bắc Bộ và Hà Nội. Sau vòng tranh tài đầu tiên, 4 đội thể hiện được bản lĩnh và tài năng đã ghi tên mình vào bán kết. Trong đó, giải nhất được trao cho đội Dũng Tân - Thái Nguyên và Emeralda Resort & Spa Ninh Bình. 2 giải nhì được trao cho đội khách sạn Mường Thanh Lào Cai và công ty cổ phần Du lịch Quốc tế Kỳ quan Hạ Long.

Hoàng Phương Thanh (đội khách sạn Silk Path)- nữ đầu bếp duy nhất của buổi thi sáng ngày 28/9 đang sơ chế thực phẩm cho, chuẩn bị cho phần thi.

Trước đó, 80 đội thi đến từ khu vực miền Nam và miền Trung đã đem đến vòng sơ kết nhiều hương vị đậm chất dân gian, các nguyên liệu đặc trưng địa phương. Ngày hội ẩm thực của 240 đầu bếp đã thể hiện được sự phong phú và đa dạng của nền ẩm thực Việt Nam. Kết quả, có 39 đội thi thuyết phục được các vị giám khảo khó tính và dành vé vào vòng bán kết.

Giang Hoàn Nhơn

Ảnh: Hải An
Video: Hoàng Hiệp

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/15-dau-bep-nha-hang-4-5-sao-tai-ha-noi-quyet-liet-so-tai-post685105.html