Đại án OceanBank: Bí ẩn khoản vay 50.000 tỷ đồng

Tại phiên xử chiều nay 29/8, Tòa đã tập trung thẩm vấn làm rõ trách nhiệm trong khoản vay 500 tỷ đồng của OceanBank.

Chiều 29/8, sau một ngày đọc hết hơn 100 trang cáo trạng của vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương - OceanBank, Hội đồng xét xử (HĐXX) của Tòa án nhân dân Hà Nội bắt đầu phần xét hỏi các bị cáo để làm rõ hành vi phạm tội, theo tin tức trên báo SGGP.

HĐXX tập trung thẩm vấn làm rõ trách nhiệm trong khoản vay 500 tỷ đồng của OceanBank.

Là người đầu tiên trả lời HĐXX, bị cáo Trần Văn Bình bị khởi tố về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" cho biết, từ lúc bị cơ quan Công an điều tra xét hỏi Bình mới biết mình là Tổng giám đốc Công ty TNHH Trung Dung còn trước đó không hề hay biết.

Bị cáo Bình cũng cho biết, trước đó mình chỉ là nhân viên lái xe thuộc bộ phận hành chính của Tập đoàn Thiên Thanh và chỉ học hết lớp 6 nên không hề hay biết về khoản vay 500 tỷ đồng của Công ty TNHH Trung Dung đối với OceanBank.

“Về khoản vay 500 tỷ đồng, bị cáo không biết, bộ phận kế toán đưa cho bị cáo ký thì ký chứ không biết là mình ký gì và cũng không nhớ là có ký hợp đồng vay tín dụng 500 tỷ đồng từ OceanBank hay không...”- bị cáo Bình chối bỏ.

Bị cáo Hà Văn Thắm. Ảnh: KTĐT.

Trong khi đó, cáo trạng xác định, bị cáo Bình là người đã ký hợp đồng vay 500 tỷ đồng giữa Công ty TNHH Trung Dung với OceanBank.

Trong khi đó, trả lời HĐXX, bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng, chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh) cho biết, tại thời điểm thành lập Công ty TNHH Trung Dung vì không có người phụ trách nên phòng Hành chính của Tập đoàn Thiên Thanh mới cử Bình làm tổng giám đốc.

“Bản thân tôi không trực tiếp nhờ anh Bình đứng tên mà là phòng Hành chính thông báo toàn tập đoàn và anh Bình là người xin đứng tên...”, bị cáo Danh trả lời về mối quan hệ với Trần Văn Bình.

Đối với mối quan hệ Hà Văn Thắm, bị cáo Danh cho biết giữa Tập đoàn Thiên Thanh và OceanBank đã có giao dịch từ nhiều năm và Thắm là người "môi giới" cho Danh mua lại Ngân hàng TMCP Đại Tín (Đại Tín) song lại không cho biết Đại Tín đang rất bê bết. Hơn nữa, trước đó Hứa Thị Phấn (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phú Mỹ, cổ đông lớn của Đại Tín) đã chuyển nhượng ngân hàng này cho Thắm.

"Qua tiếp xúc với anh Thắm tôi nhận lời với anh Thắm tìm hiểu về ngân hàng này. Tuy nhiên trước đó anh Thắm không hề nói với tôi về tình hình ngân hàng...", bị cáo Danh khai.

Bị cáo Danh cũng khai nhận, Hà Văn Thắm đặt ra yêu cầu nếu muốn mua Đại Tín thì trả lại chi phí 1.000 tỷ đồng để tiếp quản ngân hàng. Nhưng hai bên đã thỏa thuận được mức phí chuyển nhượng là 800 tỷ đồng. Sau đó Danh đã chuyển cho anh Thắm 500 tỷ đồng và hơn 1 năm sau, tới giữa năm 2013, Danh mới chính thức nhận bàn giao toàn bộ Đại Tín.

Cựu chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh cũng cho biết, vì nhu cầu thanh khoản nên bà Phấn đã đề xuất về khoản vay 500 tỷ đồng tại OceanBank. Phạm Công Danh với tư cách là Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh đã chỉ đạo lập Công ty TNHH Trung Dung để vay của OceanBank 500 tỷ đồng nhằm hỗ trợ thanh khoản cho Đại Tín đã mua trước đó.

Chuyển sang thẩm vấn bị cáo Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank thừa nhận về việc cho vay 500 tỷ đồng nói trên có vi phạm quy định về cho vay, nhưng bị cáo xin được Tòa xem xét tình tiết bị cáo đã yêu cầu Ngân hàng Đại Tín phong tỏa khoản vay này và yêu cầu phải được sử dụng đúng mục đích, theo TTXVN.

Tài sản thế chấp cho khoản vay 500 tỷ đồng gồm nhiều tài sản thế chấp, trong đó có 100% vốn góp (250 tỷ đồng) của Công ty Trung Dung. Theo bị cáo Thắm, cơ sở nhận tài sản này là giá trị thương mại của Công ty Trung Dung, báo cáo tài chính của công ty này… Ngoài ra còn có tài sản thế chấp là bất động sản, cổ phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn SSG của bà Hứa Thị Phấn.

Trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử về việc tại sao cho vay khi tài sản thế chấp chưa đầy đủ về mặt pháp lý? Bị cáo Thắm cho rằng: Đối với Công ty Trung Dung, ngoài các tài sản thế chấp, bị cáo còn dựa vào niềm tin giá trị thương mại của Công ty này. Nhưng sau đó phía Ngân hàng Đại Tín đã giải ngân không đúng mục đích và đã không phong tỏa theo thỏa thuận với OceanBank. Trên cơ sở đó, Hà Văn Thắm đồng quan điểm với Phạm Công Danh cho rằng, nhóm bà Phấn đã sử dụng số tiền 500 tỷ đồng này và phải chịu trách nhiệm hoàn trả lại cho OceanBank.

Bị cáo Nguyễn Văn Hoàn (nguyên Phó Tổng Giám đốc OceanBank) khai trước Tòa, bị cáo là người trực tiếp ký cho Công ty Trung Dung vay 500 tỷ đồng. Bị cáo thừa nhận có sai sót trong thẩm định hồ sơ vay nhưng thiếu sót của hồ sơ vay có thể khắc phục được. Nói về trách nhiệm khoản vay, Nguyễn Văn Hoàn cho rằng, cần căn cứ vào thỏa thuận phong tỏa tài khoản giữa ba bên: Oceanbank - Đại Tín - Trung Dung.

Do bị cáo Hứa Thị Phấn vắng mặt tại phiên xử, Tòa đã công bố lời khai của bị cáo Phấn cho biết bà cho Phạm Công Danh mượn tài sản của Công ty cổ phần Tập đoàn SSG là để vay tiền của OceanBank. Trong khoản tiền vay 500 tỷ đồng, Hứa Thị Phấn không được hưởng lợi gì…

Nói về lời khai của bà Phấn, Hà Văn Thắm cho rằng lời khai có nhiều chi tiết không đúng sự thật, giữa Danh - Phấn - Thắm không có sự bàn bạc cho vay tiền và không thỏa thuận cho vay trái pháp luật.

Có mặt tại Tòa, đại diện Ngân hàng OceanBank trình bày quan điểm về khoản vay 500 tỷ đồng. Theo đó, OceanBank đề nghị làm rõ trách nhiệm liên quan của Ngân hàng Đại Tín (nay là VNCB), đồng thời làm rõ trách nhiệm để yêu cầu các bị cáo trả lại khoản tiền 500 tỷ đồng cho ngân hàng.

Đại diện Ngân hàng OceanBank đề nghị kê biên những tài sản đã sử dụng cho khoản vay này, đó là 2 hợp đồng góp vốn đầu tư xây dựng nhà ở tại dự án khu dân cư phức hợp Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh; phong tỏa hơn 5,8 triệu cổ phiếu của Công ty SSG.

Ngày mai, phiên tòa tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo.

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/dai-an-oceanbank-bi-an-khoan-vay-50000-ty-dong-d107430.html