Đại án OceanBank: Hà Văn Thắm bất ngờ xin nhận tội cao nhất

Hà Văn Thắm bất ngờ xin hưởng tội cao nhất để HĐXX xem xét giảm nhẹ tội cho các thuộc cấp...

Chiều 19/9, phiên xử Hà Văn Thắm – cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) tiếp diễn với phần tự tranh luận của các bị cáo với nhiều nước mắt và sự bất ngờ, theo tin tức trên báo ANTĐ.

Và sự bất ngờ lớn nhất là những lời thành khẩn nhận tội của Hà Văn Thắm, đồng thời đề nghị HĐXX xem xét và tuyên phạt cựu Chủ tịch Oceanbank mức án cao nhất nếu thấy bị cáo có tội. Mở đầu phần tự bào chữa, Hà Văn Thắm nói: “Sau rất nhiều đêm tự truy vấn, bị cáo thấy mình là người có tội”.

Cựu Chủ tịch Oceanbank - Hà Văn Thắm. Ảnh: ANTĐ.

Nhưng theo cựu Chủ tịch Oceanbank, cái tội của bị cáo không phải là làm cho Ngân hàng TMCP Đại Dương bị thiệt hại số tiền đặc biệt lớn như cáo trạng truy tố mà là làm ảnh hưởng đến chính sách điều tiết nền kinh tế vĩ mô cũng như chính sách điều tiết tiền tệ của Nhà nước.

Vẫn trong mạch cảm xúc tự bào chữa, Thắm cho rằng bản thân còn gây ra một tội lớn nữa là đã đẩy hàng chục cựu cán bộ, nhân viên Oceanbank vào vòng lao lý. Bởi lẽ xét cho cùng tất cả họ chỉ là những người làm công ăn lương và họ đều không được lợi lộc gì. Cựu Chủ tịch Oceanbank cũng khẳng định hành vi chi lãi ngoài của Oceanbank chỉ một mình bị cáo được hưởng lợi vì chiếm tới gần 63% cổ phần.

Đi vào bào chữa từng tội danh cụ thể, Hà Văn Thắm cho rằng ở tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng”, cựu Chủ tịch Oceanbank trình bày là bản thân đã nhận thức được việc làm đó là sai trái với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Thắm đề nghị HĐXX về vai trò vì bị cáo không thể là chủ mưu được.

Vì lẽ Thắm không hề có động cơ, mục đích gì ở việc cho Phạm Công Danh vay tiền. Hơn nữa nếu cố ý vi phạm quy định để ngân hàng bị mất tiền thì bị cáo sẽ là người bị thiệt hại nặng nhất. Về việc bị cho rằng đã ép buộc bị cáo Phấn phải bán Ngân hàng TMCP Đại Tín, Thắm nói: “Bị cáo không đủ tuổi, không đủ khả năng để ép buộc bà Phấn”.

Chứng minh việc không ép buộc, Thắm cho rằng bị cáo Phấn là người kinh doanh thành đạt từ rất lâu và bên cạnh lúc nào cũng có các luật sư giỏi hỗ trợ. Còn về những giấy tờ chứng minh cổ phần và bản hợp đồng cầm giữ của bị cáo Phấn, theo Thắm điều đó không có nhiều giá trị về mặt pháp lý.

Và nếu bị cáo Phấn muốn bán Ngân hàng Đại Tín cho người khác, không phải Thắm lúc nào cũng được. Vì theo quy định của pháp luật, bản hợp đồng đó, giấy tờ chứng nhận cổ phần và giao dịch mua bán ngân hàng chỉ có giá trị khi Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Bị cáo Thắm cũng thừa nhận đã phạm tội cố ý làm trái “vì lợi ích của OceanBank, vì sự tồn tại của OceanBank”. Bị cáo Thắm cho rằng hành vi của bị cáo đã gây ra thiệt hại phi vật chất, ảnh hưởng đến chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt, gây hậu quả cho những người mà bị cáo cọi như những người ruột thịt phải đứng trước vành móng ngựa, theo tin tức trên báo PL TP. HCM.

“Đó là hậu quả quá lớn rồi. Nếu HĐXX quy buộc bị cáo vi phạm quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, bị cáo thừa nhận không có ý kiến gì. Nhưng mong HĐXX xem xét, bị cáo cố ý làm trái để mang lại lợi ích cho OceanBank do bị cáo làm chủ”- bị cáo Thắm nói.

Kế đó, cựu Chủ tịch OceanBank cũng đề nghị HĐXX xem xét một tình tiết tăng nặng cho bị cáo.

“Đối với hành vi này, bị cáo là người duy nhất được hưởng lợi (gián tiếp) từ việc bị cáo làm chủ OceanBank, vì vậy bị cáo xin nhận tội thay cho tất cả các bị cáo khác, thậm chí là mức cao nhất của tội cố ý làm trái.

Mong HĐXX xem xét hoàn cảnh phạm tội, xem xét tình tiết giảm nhẹ, tha cho các đồng nghiệp của bị cáo. Mong HĐXX chia sẻ, thể hiện tính chất khoan hồng của nhà nước với họ, họ chỉ là người làm công ăn lương, không được hưởng lợi gì cả. Đặc biệt là nhóm bị cáo khối kế toán, bị VKS cho rằng không thành khẩn khai báo”- bị cáo Thắm nói tại tòa.

Về tội “Tham ô tài sản”, Hà Văn Thắm cho rằng bị cáo bị oan uổng khi VKS cáo buộc là đồng phạm với Nguyễn Xuân Sơn – cựu Tổng giám đốc Oceanbank. Bởi theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, vốn điều lệ không được phép dùng để kinh doanh. Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) góp 800 tỷ (20%) vào Oceanbank, trong tổng số 4.000 tỷ đồng thì toàn bộ số tiền này chỉ dùng vào việc đầu tư cơ sở hạ tầng ngân hàng và làm vốn để mở các công ty về tài chính.

Trong khi đó, số tiền hơn 246 tỷ đồng là tiền mà Oceanbank dùng để kinh doanh trong tổng số khoảng 6.000 tỷ đồng. Tiền này là tiền huy động, rồi cho vay, hoàn toàn không liên quan đến vốn điều lệ cũng như đồng vốn của PVN góp vào ngân hàng. Mặt khác bị cáo Sơn đều dùng đó để “chăm sóc khách hàng”.

Trước tòa, Thắm so sách hành vi “chăm sóc khách hàng” của bị cáo Sơn cũng giống hành vi như bao bị cáo khác. Chỉ có điều trong khi bị cáo Nguyễn Minh Thu – cựu TGĐ Oceanbank cùng một số người khác khai ra người nhận thì bị cáo Sơn lại không khai báo điều đó.

Cũng trong phần tự bào chữa này, Thắm trình thêm cáo trạng đơn thuần chỉ xác định bị cáo đồng phạm với bị cáo Sơn mà không xác định là giúp sức tích cực. Bên cạnh đó, vai trò của Thắm rất mờ nhạt. Tuy nhiên khi đề nghị mức án, đại diện VKS lại đề nghị mức án với bị cáo gần kịch trần.

Tương tự, ở tội danh còn lại là “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, cựu Chủ tịch Oceanbank cũng cho rằng bản thân không phạm tội và không đồng phạm với bị cáo Nguyễn Xuân Sơn như nội dung cáo trạng truy tố. Vì thực tế, nếu bị chiếm đoạt tiền thì chính Thắm là người bị mất tiền chứ không phải ai khác.

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/dai-an-oceanbank-ha-van-tham-bat-ngo-xin-nhan-toi-cao-nhat-d108957.html