Đại án Phạm Công Danh giai đoạn 2: Tăng vốn bằng tiền ngân hàng

Đầu năm 2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có chủ trương tái cơ cấu và sáp nhập các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, trong đó có Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trust Bank). Khi đó, Đại Tín đang bị Cơ quan thanh tra, giám sát NHNN đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

Ảnh Internet

Càng tái cơ cấu, càng thua lỗ

Ban đầu, bên muốn thâu tóm Đại Tín là OceanBank. Nhưng sau khi vào quản lý Đại Tín, ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT OceanBank đã phát hiện nhiều khoản vay lớn, dư nợ xấu không có khả năng thu hồi nên đã gặp bị can Phạm Công Danh đặt vấn đề chuyển nhượng lại Đại Tín.

Nhóm Thiên Thanh (do Phạm Công Danh đại diện) đã mua lại 84,92% cổ phần Đại Tín từ nhóm Phú Mỹ (do bà Hứa Thị Phấn đại diện) theo phương án tái cơ cấu ngân hàng này.

Sau đó, Phạm Công Danh đã tổ chức ĐHĐCĐ, đưa nhân sự vào tiếp quản, điều hành hoạt động của Đại Tín. Nhưng kể từ khi Phạm Công Danh tham gia quản trị điều hành, kết quả hoạt động kinh doanh của Đại Tín (đã đổi tên là Ngân hàng Xây dựng - VNCB) ngày càng thua lỗ, vốn chủ sở hữu tiếp tục âm, nợ có khả năng mất vốn tăng cao, thanh khoản luôn ở mức báo động. Đến thời điểm khởi tố vụ án (26/7/2014), vốn chủ sở hữu âm 18.469 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 38.255 tỷ đồng, tổng tài sản là 16.745 tỷ đồng.

Cơ quan cảnh sát điều tra xác định hậu quả đó là do hành vi phạm tội của Phạm Công Danh và đồng phạm. Cơ quan này đã đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố 24 bị can ra trước Tòa án để xét xử.

Kết luận điều tra xác định, Phạm Công Danh lợi dụng vị trí Chủ tịch HĐQT chỉ đạo HĐQT, Ban điều hành, Ban kiểm soát VNCB, cấp dưới thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và VNCB lập các hồ sơ vay vốn khống để rút tiền VNCB bằng cách gửi tiền sang 3 ngân hàng là Sacombank, TPBank, BIDV để cầm cố, bảo lãnh và trả nợ các khoản vay do các công ty của Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân đứng trên.

Cấp tín dụng vòng vèo

Sau khi thâu tóm VNCB, bị can Phạm Công Danh vừa là Chủ tịch HĐQT ngân hàng, vừa là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Thanh. Khi đó, VNCB đang trong tình trạng kiểm soát đặc biệt, không được tăng trưởng tín dụng. Do đó, Phạm Công Danh đã trực tiếp gặp ông Trầm Bê, Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank đề nghị cho vay tiền. Biết Danh không thể vay tiền từ VNCB, ông Trầm Bê đã đồng ý cho vay 1.800 tỷ đồng.

Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới làm thủ tục, hồ sơ để 6 công ty vay tiền từ Sacombank. Rất nhiều tài liệu trong các hồ sơ vay vốn được lập khống như là thỏa thuận hợp tác kinh doanh bất động sản, hợp đồng đặt cọc mua đất... Ông Trầm Bê đã ký phê duyệt tờ trình chấp thuận chủ trương cấp tín dụng cho một số công ty của Danh, đồng ý giải ngân trước, khách hàng bổ sung chứng từ sử dụng vốn đầy đủ sau đó.

Ngay khi VNCB chuyển tiền gửi vào tài khoản tại Sacombank thì Sacombank cũng giải ngân cho các công ty của Danh vay tiền. Khi hết thời hạn của Hợp đồng tín dụng, 6 công ty này không trả nợ nên Sacombank đã tự động thu nợ gốc 1.800 tỷ đồng, lãi vay 35 tỷ đồng từ các tài khoản tiền gửi của VNCB.

Cơ quan điều tra xác định, từ tháng 2/2012, Phạm Công Danh đã đề nghị vay vốn BIDV để Tập đoàn Thiên Thanh nhận chuyển nhượng đất tại Dự án Khu phức hợp TMDV cao tầng tại Sân vận động Chi Lăng. Đến tháng 3/2012, Chủ tịch HĐQT BIDV, ông Trần Bắc Hà đã phê duyệt cho vay hỗ trợ tài chính tạm thời. Sau đó, Tập đoàn Thiên Thanh đã được giải ngân 1.700 tỷ đồng, thời hạn vay là hết 31/12/2012.

Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới làm thủ tục hồ sơ để 6 công ty vay tiền từ Sacombank. Rất nhiều tài liệu trong các hồ sơ vay vốn được lập khống.

Ngoài ra, Phạm Công Danh cũng sử dụng cách thức trên để rút tiền từ VNCB thông qua TPBank và BIDV. Cụ thể, tại TPBank, Phạm Công Danh đã sử dụng 11 pháp nhân vay tổng số tiền 1.706 tỷ đồng, tài sản bảo đảm là số tiền gửi 1.706 tỷ đồng của VNCB. Tại BIDV, 12 công ty do Danh thành lập, điều hành đã vay 4.700 tỷ đồng tài sản bảo đảm là một số bất động sản và 3.070 tỷ đồng tiền gửi của VNCB.

Sau này, BIDV yêu cầu các công ty cung cấp bổ sung hồ sơ, hóa đơn chứng minh mua bán, giao nhận hàng hóa nhưng các công ty này không cung cấp được nên BIDV đã thu nợ trước hạn bao gồm cả gốc, lãi và phạt.

Rút tiền ngân hàng để tăng vốn

Số tiền 4.700 tỷ đồng BIDV giải ngân được chuyển đến tài khoản nhiều cá nhân mở tại các ngân hàng VCB, ACB, BIDV, MSB. Các cá nhân này đều là nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh.

Tiếp đó, các cá nhân này lại chuyển tiền vào tài khoản 3 công ty Phong Hiệp, Quốc Thắng, Đại Long và được sử dụng vào việc tăng vốn điều lệ của VNCB dưới danh nghĩa cổ đông góp vốn mua cổ phần tăng thêm. Ngoài ra còn một số khoản sử dụng để trả nợ, trả lãi khoản vay tại BIDV. Đối với số tiền cho vay thông qua TPBank, có 200 tỷ đồng được sử dụng để tăng vốn điều lệ cho VNCB.

Đối với 1.800 tỷ đồng vay qua Sacombank, được sử dụng phần lớn để trả các khoản nợ cũ mà Phạm Công Danh đã vay. Đáng nói là các khoản nợ cũ này có phần được sử dụng để phục vụ mục đích mua thâu tóm Ngân hàng Đại Tín.

Cụ thể, theo thỏa thuận với Hà Văn Thắm, để được nhận chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín, Phạm Công Danh phải trả cho Thắm 800 tỷ đồng. Phạm Công Danh đã rút từ số tiền cho vay thông qua Sacombank để chuyển cho Thắm hai lần với tổng số tiền 450 tỷ đồng.

Những hành vi nêu trên của bị can Phạm Công Danh và các đồng phạm được xác định đã gây hậu quả cho VNCB thiệt hại số tiền lên tới hơn 6.000 tỷ đồng.

Thúy Nguyễn

Thúy Nguyễn

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/phap-luat/dai-an-pham-cong-danh-giai-doan-2-tang-von-bang-tien-ngan-hang-45016.html