Chấp nhận sự giao thoa nhưng Luật Đường bộ không được mâu thuẫn với Luật Trật tự, ATGT đường bộ

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị rà soát bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và giữa hai luật, chấp nhận sự giao thoa nhưng không được mâu thuẫn và rõ phạm vi điều chỉnh; sự thống nhất của các điều luật, các khoản trong các điều luật và bảo đảm tính khả thi.

Cân nhắc sử dụng phí giao thông nội đô để giảm ùn tắc

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận sáng nay tại Hội trường về dự thảo Luật Đường bộ

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận sáng nay tại Hội trường về dự thảo Luật Đường bộ

Sáng nay (21/5), thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Đường bộ, Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) bày tỏ thống nhất với nhiều nội dung báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, bà Thủy băn khoăn về quy định tại Khoản 2 Điều 12 về tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị so với đất xây dựng đô thị.

Theo đó, dự thảo Luật quy định: Tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị so với đất xây dựng đô thị, nhưng không bao gồm phần công trình đường bộ đi ngầm dưới mặt đất, xây dựng trên sông, hồ, phải bảo đảm quy định sau đây: Đô thị loại đặc biệt: 18% đến 26%; Đô thị loại I: 16 % đến 24%; Đô thị loại II: 15% đến 22%; Đô thị loại III: 13% đến 19%; Đô thị loại IV: 12% đến 17%; Đô thị loại V: 11% đến 16%.

Đồng thời, tại khoản 3 Điều 12 quy định: Đô thị có yếu tố đặc thù thì tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ so với đất xây dựng đô thị được quy định như sau: Đô thị có đường biên giới quốc gia, đô thị loại III, loại IV và loại V thuộc danh mục đơn vị hành chính được cơ quan có thẩm quyền xác định là miền núi, vùng cao thì mức tối thiểu bằng 70% mức quy định của đô thị tương ứng tại khoản 2 Điều này; Đô thị ở hải đảo, khu vực dự kiến hình thành đô thị loại V là trung tâm hành chính của huyện thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực dự kiến hình thành đô thị và các đô thị trực thuộc để bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc công nhận thì mức tối thiểu bằng 50% mức quy định của đô thị tương ứng tại khoản 2 Điều này.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội)

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội)

Đại biểu Nguyễn Thị Phương Thủy cho rằng, quy định như vậy là quá chi tiết và có nội dung chưa phù hợp với thực tế của nhiều địa phương trong thời điểm hiện nay cũng như trong tương lai. Do đó, đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật không nên quy định quá chi tiết tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị so với đất xây dựng đô thị.

Về các loại phí liên quan đến sử dụng đường bộ, đại biểu Nguyễn Phương Thủy đề nghị cân nhắc sử dụng phí giao thông nội đô áp dụng với ô tô cá nhân đi vào một số khu vực đô thị trong những khung giờ nhất định để hạn chế sử dụng quá mức phương tiện ô tô cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại các đô thị, đồng thời bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước để tăng cường phát triển kết cấu, hạ tầng giao thông đường bộ và hệ thống giao thông công cộng.

Trong khi đó, Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) cho rằng, các vấn đề quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch về kết cấu hạ tầng đường bộ và hệ thống đường địa phương, đường đô thị cần tiếp tục phải làm rõ. Hiện nay vấn đề giao thông đô thị ở các địa phương đang phát sinh nhiều bất cập, do đó cần bổ sung quy định về tỷ lệ đất tối thiểu dành cho giao thông đường bộ tại các đô thị bao gồm đất dành cho xây dựng đường, vỉa hè, bến xe khách, điểm đỗ dừng đón, trạm trả khách cho xe bus…

Cần sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông

Góp ý vào dự thảo Luật Đường bộ, Đại biểu Lê Minh Nam (Hậu Giang) cho rằng, qua xem xét nội dung đang được rà soát, chỉnh lý tại Điều 6 về cơ sở dữ liệu đường bộ theo hướng chỉ quy định về dữ liệu quản lý hoạt động đường bộ đã được triển khai xây dựng trên thực tế. Cùng với việc nghiên cứu nội dung giải thích từ ngữ tại khoản 5 Điều 2, cơ quan quản lý đường bộ quy định về phân loại đường bộ theo cấp quản lý tại Điều 8, về phân loại đường bộ theo chức năng phục vụ tại Điều 9, trách nhiệm về quản lý Nhà nước về hoạt động đường bộ tại Điều 82, đại biểu Lê Minh Nam bày tỏ một số băn khoăn và đề nghị Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra nghiên cứu thêm về quản lý, sử dụng tài sản công là công trình đường bộ, hạ tầng đường bộ.

Đại biểu Lê Minh Nam (Hậu Giang)

Đại biểu Lê Minh Nam (Hậu Giang)

Đại biểu Lê Minh Nam cho rằng, theo Luật Quản lý sử dụng tài sản công, các tài sản công là công trình đường bộ, hạ tầng đường bộ phải được Nhà nước giao quyền quản lý, quyền sử dụng và các hình thức giao quyền khác cho cơ quan, tổ chức, đơn vị và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật. Các tài sản này phải được quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa và phải được thống kê đầy đủ về hiện vật, giá trị; phải được kiểm kê, đánh giá lại để theo dõi, quản lý báo cáo cũng như đầu tư khai thác và bảo vệ, đảm bảo nguồn lực và tài chính để sử dụng.

Riêng đối với công trình đường bộ, hạ tầng đường bộ được đầu tư thông qua huy động các nguồn lực xã hội khác cũng phải được theo dõi, quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu cơ bản về các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Đại biểu tỉnh Hậu Giang cho rằng, việc xác lập cơ sở dữ liệu đường bộ hết sức rõ ràng, cụ thể và phân định trách nhiệm theo dõi, quản lý tổng thể, cụ thể và đầy đủ cả về hiện vật, giá trị, cả về đối tượng và nguồn lực sử dụng, cả về hiện trạng và quá trình quản lý, sử dụng.

"Trong những năm qua, cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công nên hiện nay theo dõi chưa đầy đủ, cập nhật chưa kịp thời… Do đó, cần sửa đổi, bổ sung về hình thức xử lý, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện cho phù hợp với đặc thù tài sản và thực tế hiện nay", đại biểu Lê Minh Nam đề nghị.

Cơ bản tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật Đường bộ trình Quốc hội tại kỳ họp này, Đại biểu Hà Phước Thắng (TP. HCM) đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét, bổ sung quy định liên quan, được đề cập tại Điều 13 dự thảo Luật (về đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ).

Theo ĐBQH TP. HCM, với quy định hiện nay của Bộ GTVT thì không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ kinh doanh khác. Tuy nhiên thực tế hiện nay nhu cầu đỗ xe trên địa bàn thành phố rất lớn, việc thực hiện quy hoạch hệ thống giao thông còn gặp nhiều khó khăn.

Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị bổ sung thêm một khoản tại Điều 13 của Dự thảo Luật. Theo đó, cần quy định cụ thể UBND cấp tỉnh quyết định việc khai thác, sử dụng gầm cầu đường bộ, phần không gian dưới dạ cầu cạn đối với các hệ thống đường bộ do địa phương chịu trách nhiệm quản lý, khai thác và bảo trì để làm bãi đỗ xe, đường giao thông, kho chứa vật tư phục vụ bảo trì công trình đường bộ và các hoạt động khác phù hợp với hoạt động thực tế của địa phương.

Giao thoa nhưng không được mâu thuẫn và rõ phạm vi điều chỉnh giữa 2 Luật

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận sáng nay, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết đa số ý kiến cơ bản thống nhất với nội dung của báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo luật. Cùng với đó các ý kiến cũng đề nghị bổ sung nhiều nội dung cụ thể.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới điểm lại các nhóm nội dung các đại biểu Quốc hội đã nêu như: bổ sung quy định về xe hợp đồng, kinh tế chia sẻ, đường biên giới, vấn đề quy hoạch, kết nối, vốn đầu tư đường bộ, giải thích từ ngữ, xe điện chở khách du lịch, quy chuẩn tiêu chuẩn đường cao tốc, về đường thôn xóm, về biển báo, bổ sung điều cấm, về kinh doanh vận tải đường bộ, thẩm quyền đặt tên đường bộ, đường trên cao, đường ngầm, kết cấu hạ tầng đường bộ, phí sử dụng đường bộ trong nội đô, lắp đặt biển tuyên truyền quảng cáo, dữ liệu, trách nhiệm tháo dỡ trạm thu phí ngừng hoạt động, tổ chức giao thông, khai thác hạ tầng đường giao thông đường bộ, vận tải hàng hóa bằng động vật,…

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới tiếp thu các ý kiến phát biểu và sẽ phối hợp với cơ quan soạn thảo để nghiên cứu tiếp thu hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua.

Liên quan đến một số ý kiến đại biểu về việc còn sự trùng lặp giữa dự thảo Luật Đường bộ và dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, 2 luật này được tách ra từ Luật Giao thông Đường bộ và có mối quan hệ chặt chẽ, gắn kết, không thể thiếu.

"Dù các cơ quan đã rà soát chặt chẽ, kỹ càng, có sự bóc tách hợp lý vừa đáp ứng yêu cầu về mặt pháp lý nhưng vẫn có sự giao thoa tương đối như vấn đề tổ chức giao thông… Do đó các cơ quan sẽ tiếp tục rà soát theo nguyên tắc hợp lý tương đối và không mâu thuẫn nhau để quy định phạm vi điều chỉnh một cách hợp lý".

Kết luận nội dung phiên thảo luận tại Hội trường sáng nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, đã có 23 lượt ý kiến phát biểu, các ý kiến đều có căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn rõ ràng, sâu sắc và toàn diện, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội đối với dự án luật đã được tiếp thu, chỉnh lý.

Trên cơ sở các ý kiến và nhóm vấn đề được các ĐBQH quan tâm, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra bổ sung các nội dung cơ bản sau:

Đề nghị rà soát bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và giữa hai luật, chấp nhận sự giao thoa nhưng không được mâu thuẫn và rõ phạm vi điều chỉnh; sự thống nhất của các điều luật, các khoản trong các điều luật và bảo đảm tính khả thi.

Bổ sung giải thích từ ngữ, các hành vi bị nghiêm cấm, chính sách phát triển đường bộ, huy động nguồn lực xây dựng mạng lưới đường bộ, mô hình chia sẻ chuyến xe hợp đồng, ưu tiên phát triển một số loại đường, quy hoạch mạng lưới đường bộ, quỹ đất dành cho đường bộ, không gian ngầm, giới hạn trên cao, loại hình kinh doanh vận tải khách du lịch, vận tải khách theo hợp đồng, vận tải khách công cộng, nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đường bộ, sử dụng đất hành lang an toàn các loại đường bộ, đê điều, quy định lắp đặt biển báo an toàn giao thông, biển quảng cáo, biển tuyên truyền tránh hiệu ứng ánh sáng, tiếng động ảnh hưởng đến việc điều khiển phương tiện của người tham gia giao thông…

"Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh hoàn chỉnh dự thảo luật gửi Thường trực Ủy ban pháp luật rà soát đầy đủ về kỹ thuật lập pháp và các quy định liên quan; đồng thời hoàn thiện Báo cáo tiếp thu giải trình, chỉnh lý dự thảo luật, với tinh thần không có ý kiến của đại biểu nào không được tiếp thu, giải trình, tạo được sự đồng thuận cao và biểu quyết thống nhất đúng theo chương trình của kỳ họp".

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương

L. Chi

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/chap-nhan-su-giao-thoa-nhung-luat-duong-bo-khong-duoc-mau-thuan-voi-luat-trat-tu-atgt-duong-bo-183240521111430001.htm