Đại biểu quan tâm chủ yếu về đình công

Sáng 25.3, Giám đốc Sở LĐTBXH TPHCM Lê Thành Tâm đã chủ trì hội thảo với hệ thống ngành LĐTBXH; đại diện các sở, ngành, quận, huyện, LĐLĐ TPHCM và Văn phòng Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) tại TPHCM, để góp ý dự thảo lần 3 Luật sửa đổi bổ sung toàn diện Bộ luật Lao động (BLLĐ).

Theo đó, vấn đề được “xới” lên nhiều nhất là đình công, bởi TPHCM là địa phương tập trung LĐ nhập cư đông nhất cả nước và xảy ra nhiều nhất các cuộc ngừng việc tự phát. Nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng dự thảo quy định công nhân (CN) chỉ được đình công về lợi ích, mà không được đình công về quyền là đã đẩy CN vào thế... “khó”. Nếu vậy, quyền lợi của họ bị xâm hại thì ai giải quyết, bởi lẽ thực tế trong nhiều năm qua các cuộc ngừng việc tự phát đều xuất phát từ sự vi phạm của DN. Ngoài ra, chỉ sau khi bức xúc về quyền dẫn đến ngừng việc, lúc này NLĐ mới đòi hỏi thêm về lợi ích, do vậy trước nay hầu như không có bất cứ cuộc đình công nào thuần túy đòi lợi ích. Một nguyên nhân khác cho thấy, việc xử lý vi phạm pháp luật đối với DN của cơ quan chức năng chưa kịp thời, biện pháp chế tài cũng chưa đủ sức răn đe, nên NLĐ buộc phải “ngừng việc kêu cứu”. Đây là một biện pháp “tự cứu lấy mình” của NLĐ. Vì vậy, nếu chỉ cho phép đình công về lợi ích sẽ không thực tế và các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục phải “chạy” theo sự việc. Một số ý kiến thì cho rằng quy định không được phép đình công về quyền là đúng, nhưng cần duy trì khoản 3, Điều 159 BLLĐ quy định cho phép NLĐ ngừng việc khi quyền bị xâm hại. Có các ý kiến đề nghị chỉ cho phép DN được thỏa thuận tăng ca không quá 3 giờ/ngày, 200 giờ/năm để NLĐ có đủ thời gian tái tạo sức lao động và kéo dài thời gian làm việc. Đại diện Sở Tư pháp TP đề nghị bổ sung trách nhiệm của UBND các cấp khi xử lý tài sản của chủ DN bỏ trốn để giải quyết kịp thời quyền lợi của NLĐ.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/home/dai-bieu-quan-tam-chu-yeu-ve-dinh-cong/20103/178732.laodong