Đại biểu Quốc hội: Cân nhắc bổ sung phí giao thông nội đô

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy đề nghị cân nhắc bổ sung phí giao thông nội đô áp dụng với ô tô cá nhân đi vào một số khu vực đô thị trong những khung giờ nhất định.

Sáng 21-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ bảy, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo. Ảnh: media.quochoi.vn.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo. Ảnh: media.quochoi.vn.

Việc thu phí cao tốc dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-10-2024

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý nhiều nội dung quan trọng về chính sách phát triển đường cao tốc; đầu tư, xây dựng, mở rộng, nâng cấp đường cao tốc; phí sử dụng đường cao tốc; trạm dừng nghỉ, điểm dừng, đỗ xe; trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến đường cao tốc; chi phí thực hiện quản lý, sử dụng, vận hành, khai thác và bảo trì đường cao tốc....

Về ý kiến đề nghị bổ sung một số quy định cụ thể về yêu cầu kỹ thuật đối với đường cao tốc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định trong quy chuẩn kỹ thuật về đường cao tốc để bảo đảm phù hợp với thực tiễn và phù hợp thẩm quyền.

Đối với quy định về mở rộng, nâng cấp đường cao tốc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý để thống nhất với quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về đầu tư công, pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư… và phù hợp với thực tiễn nhằm tạo cơ sở pháp lý thu hút nguồn lực tài chính cho hoạt động đầu tư mở rộng, nâng cấp các tuyến đường bộ hiện hành thành đường cao tốc hoặc các tuyến đường cao tốc được đầu tư theo quy mô phân kỳ.

Quang cảnh phiên họp sáng 21-5. Ảnh: media.quochoi.vn.

Quang cảnh phiên họp sáng 21-5. Ảnh: media.quochoi.vn.

Về ý kiến đề nghị phân cấp, cho phép một số địa phương có khả năng bố trí nguồn lực được đầu tư, xây dựng quốc lộ và đường cao tốc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định trường hợp địa phương có khả năng bảo đảm nguồn lực đầu tư thì UBND cấp tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND cấp tỉnh quản lý tuyến đường đó theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Trên cơ sở đó, UBND cấp tỉnh sẽ thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, các quy định này phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, không mâu thuẫn, chồng chéo và bảo đảm tính khả thi.

Về quy định thu phí sử dụng đường cao tốc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ nội dung này như dự thảo Chính phủ trình nhằm tạo nguồn lực đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn khó khăn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị các quy định liên quan đến việc thu phí sử dụng đường cao tốc sẽ có hiệu lực từ ngày 1-10-2024 để kịp thời tổ chức triển khai hoạt động thu phí sử dụng đường bộ cao tốc theo quy định của luật này.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế (Đoàn Bắc Kạn) phát biểu thảo luận. Ảnh: media.quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế (Đoàn Bắc Kạn) phát biểu thảo luận. Ảnh: media.quochoi.vn.

Quy định tỷ lệ đất hạ tầng đường bộ trong đô thị chưa phù hợp

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Nguyễn Thị Huế (Đoàn Bắc Kạn) đề nghị bổ sung hành vi lập chốt thu phí sử dụng đường bộ trái pháp luật.

Đại biểu lý giải cho đề xuất này là trước thực tiễn đã xảy ra nhiều trường hợp người dân tự ý lập chốt thu phí. Mặt khác, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP có quy định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xây dựng hoặc thành lập trạm thu phí đường bộ khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước đồng ý. Do đó việc bổ sung hành vi này vào điều cấm là phù hợp.

Góp ý vào dự án Luật này, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) cho rằng, đường tốc độ cao khác với đường cao tốc vì có thể không có dải phân cách, không có đường lánh nạn, tổ chức giao thông giống như quốc lộ. Đường tốc độ cao cũng khác với quốc lộ là không có dân cư hai bên.

Do đó, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung “đường tốc độ cao” để bao quát hết các loại đường và tổ chức giao thông cho phù hợp đối với đường cao tốc, đường tốc độ cao và quốc lộ.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn Hà Nội) thảo luận tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn Hà Nội) thảo luận tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn.

Về các loại phí liên quan đến sử dụng đường bộ, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn Hà Nội) đề nghị cân nhắc bổ sung phí giao thông nội đô áp dụng với ô tô cá nhân đi vào một số khu vực đô thị trong những khung thời gian nhất định.

“Một mặt để hạn chế sử dụng quá mức phương tiện giao thông cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại các đô thị, đồng thời bổ sung nguồn thu cho ngân sách để tăng cường hỗ trợ phát triển kết cấu, hạ tầng giao thông đường bộ và hệ thống giao thông công cộng”, đại biểu nói.

Đối với các ý kiến về hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, tại Điều 71 dự thảo Luật đã quy định ứng dụng phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô là dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, không phải là hoạt động kinh doanh vận tải và tại Điều 80 dự thảo Luật đã quy định cụ thể về dịch vụ phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô.

Trường hợp đơn vị cung cấp phần mềm hỗ trợ kết nối và có tham gia một trong các công đoạn gồm: điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi thì mới xác định là kinh doanh vận tải. Quy định này là phù hợp với pháp luật về đầu tư. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung này và chỉnh sửa để làm rõ hơn về hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tại khoản 5 Điều 56 dự thảo Luật.

Về quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ, ông Lê Tấn Tới cho biết, đa số ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo Luật. Một số ý kiến đề nghị quy định lực lượng Thanh tra đường bộ được dừng phương tiện để xử lý, ngăn chặn hành vi vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ; một số ý kiến đề nghị quy định rõ lực lượng Thanh tra đường bộ không thực hiện thanh tra đối với hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, kiểm định phương tiện trong Công an nhân dân và Quân đội nhân dân.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, bổ sung tại khoản 2 Điều 83 của dự thảo Luật để bảo đảm thống nhất với dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, vì việc thanh tra hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và kiểm định phương tiện trong lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện”, ông Lê Tấn Tới cho hay.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dai-bieu-quoc-hoi-can-nhac-bo-sung-phi-giao-thong-noi-do-666956.html